– Đây là 2 ca sởi đặc biệt vì cả 2 cháu bé đều có anh/chị ruột bị mắc sởi đã tử vong trước đó, trong đó có 1 cặp là con hiếm muộn của một gia đình ở Hưng Yên. Ngày các bé ra viện không chỉ là ngày vui của gia đình mà còn là ngày vui của các cán bộ y tế.

>> Gia đình có 2 bé sinh đôi mắc sởi, một bé đã chết

Hai bệnh nhi được ra viện là cháu Vũ Gia Bảo và cháu Khúc Đức Anh. Cả hai được xuất viện trở về nhà sau gần 1 tháng điều trị biến chứng suy hô hấp do sởi.

Chị Phạm Thị Bích, mẹ cháu Khúc Đức Anh không giấu nổi niềm vui vì con đã khỏe sau gần 2 tháng nằm viện. Hiện tại mỗi bữa cháu Đức Anh ăn được 120ml sữa, cứ 2 tiếng lại ăn một lần, ngủ tốt.

{keywords}
Chị Phạm Thị Bích và con - cháu Khúc Đức Anh - trong những ngày chống chọi với sởi tại BV Bạch Mai (Ảnh: C.Q)

Chị song sinh của cháu Đức Anh đã không qua khỏi do sởi vào ngày 21/4 tại BV Nhi TƯ, nỗi buồn của gia đình chị Bích vẫn chưa nguôi ngoai nhưng chị cho biết đó là số phận, đành phải chấp nhận.

Hơn nữa, các bác sỹ cũng đã cố gắng hết sức để điều trị cho cháu nhưng tình trạng quá nặng, không thể qua khỏi.

Còn bé Vũ Gia Bảo cũng có anh ruột 25 tháng tuổi tử vong do sởi. Ôm con trong tay, chị Nguyễn Thị Mai cứ nghĩ mình đang mơ, bởi trước đó Gia Bảo là một trong những bệnh nhân nặng, tiên lượng xấu, các bác sỹ vừa theo dõi vừa “nín thở”.

Về tình hình dịch sởi, thống kê của Bộ Y tế cho thấy tính đến ngày 13/5, cả nước có 4.427 trường hợp mắc sởi xác định trong số 19.197 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố với 139 ca tử vong.

TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2-10 tuổi tại tất cả các quận/huyện. Chiến dịch này sẽ kéo dài đến hết ngày 15/5.

Cảnh giác cao với sốt xuất huyết

Tại lễ phát động chiến dịch hướng tới tháng hành động phòng chống sốt xuất huyết do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y Tế) tổ chức sáng 14/5 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết nếu ngành y tế không có những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết ngay từ bây giờ thì bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát tại nhiều tỉnh.

Lý do là vì sốt xuất huyết bùng phát theo chu kỳ lặp lại, (khoảng 3-5 năm bệnh có 1 đỉnh dịch), bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắc xin, miễn dịch với bệnh không bền vững, …

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến đầu tháng 5/2014 cả nước đã ghi nhận 8.137 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 41 tỉnh/thành phố, trong đó đã có bốn trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc giảm 38%, tử vong giảm 6 trường hợp.

Cách phòng chống bệnh hiệu quả là chủ động thực hiện diệt bọ gậy lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện.

C.Quyên