- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý: “Bệnh tay chân miệng, bệnh dịch lây qua đường tiêu hóa và các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác có thể dự phòng bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường...".

Tay chân miệng ở phía Nam cao nhất nước

Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch mùa hè diễn ra chiều nay (17/5) tại Viện Pasteur TP.HCM có sự tham dự của đại diện y tế các tỉnh, thành phía Nam.

3 loại dịch bệnh nổi trội nhất đang được ngành y tế hết sức quan tâm là sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết.

{keywords}

Dịch sởi đã tạm được khống chế nhờ ý thức đưa con đi chích ngừa của người dân.

Bộ trưởng Y tế lo ngại số ca bệnh sẽ còn tăng cao nữa khi mùa mưa bắt đầu.

Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.532 trường hợp mắc sởi xác định trong số 20.746 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành. Trong đó, 141 trường hợp nặng xin về và tử vong.

Hầu hết những trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), trong đó 11% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, 87% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc – xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Quy mô dịch xảy ra trên diện rộng, rải rác.

Ở TP.HCM, ngày 15/5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 21 ca sởi nhập viện, 61 trường hợp sởi nội trú, 2 trường hợp thở máy.

Cùng ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 14 ca sởi nhập viện, 46 ca nội trú, 1 trường hợp nặng thở máy. Tương tự, Bệnh viện Nhiệt Đới 15 ca nhập viện, 75 ca nội trú; không ca nào phải thở máy.

Khi dịch sởi đã tạm được khống chế nhờ ý thức đưa con đi chích ngừa của phụ huynh đã nâng cao thì bệnh tay chân miệng lại bắt đầu…vào mùa.

Từ đầu năm tới nay cả nước ghi nhận 20.500 trường hợp tay chân miệng, 2 ca tử vong tại Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh là virus EV71.

Dù so với cùng kỳ năm 2013 số ca mắc có giảm nhưng trong 4 tháng đầu năm 2014, bệnh tay chân miệng vẫn tập trung tại một số tỉnh, thành phía Nam (chiếm 80,4% trường hợp tay chân miệng cả nước).

5 tỉnh, thành có số ca tay chân miệng cao hơn năm 2013 là TPHCM (tăng 23,7%), Bà Rịa – Vũng Tàu (tăng 27,9%), Cà Mau (tăng 11,2%), Bình Dương (tăng 9,5%) và Kon Tum (tăng 44,6%).

Trong ngày 15/5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 26 ca tay chân miệng nhập viện. Số ca tay chân miệng nhập viện từ đầu năm tới nay ở bệnh viện này là 2766 trường hợp. Bệnh viện đang điều trị nội trú cho 48 ca, trong đó 4 trường hợp rất nặng, độ 3- 4. Có thể nói Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang có số bệnh nhi tay chân miệng cao nhất TP.

Diễn biến bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM cũng đang theo chiều hướng phức tạp. Từ đầu năm tới nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 706 ca nội trú, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 696 ca, riêng Bệnh viện Nhiệt Đới có tới 1677 ca.

Nhiều tỷ đồng đã chi để chống dịch

Ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nhiều giải pháp được triển khai kịp thời để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, Chính phủ đã cấp 80 tỷ đồng và 42 máy thở, Bộ Y tế chi 11,5 tỷ đồng cùng 1,8 triệu liều vắc – xin sởi, 23/40 tỉnh, thành cấp 39 tỷ đồng cho chiến dịch phòng và điều trị bệnh sởi.

Cũng trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh, sáng nay (17/5) Bộ trưởng Y tế đã tới phát động chiến dịch rửa tay với xà phòng tại Trường tiểu học Kỳ Đồng (P9, Q3, TP.HCM).

{keywords}

Bộ trưởng Y tế cùng học sinh trường tiểu học Kỳ Đồng hưởng ứng chiến dịch rửa tay.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý: “Bệnh tay chân miệng, bệnh dịch lây qua đường tiêu hóa và các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác có thể dự phòng bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Việc rửa tay bằng xà phòng đúng cách cho trẻ em và người trực tiếp chăm sóc trẻ, khử trùng đồ chơi, vật dụng của trẻ, vệ sinh bề mặt bàn ghế sẽ có hiệu quả rõ rệt, giảm nguy cơ nhiễm virus tay chân miệng”.

Chiến dịch rửa tay được Bộ Y tế phát động sẽ tiến hành từ tháng 5 đến hết tháng 12/2014. Đối tượng truyền thông của chiến dịch này là trẻ em, bà mẹ và người chăm sóc trẻ.

Thanh Huyền