- Đó là nỗi băn khoăn chung của các bệnh nhân được ghi nhận vào ngày đầu tiên bắt đầu áp dụng tăng viện phí tại TP.HCM. 

Người nghèo vài ngàn cũng… khó 

Vào ngày 1/6, các bệnh viện công lập tại TP.HCM chính thức điều chỉnh một phần giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với gần 2000 dịch vụ kỹ thuật đang thực hiện ở các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế.

Theo đó, mức tăng bằng 65-75% khung giá của liên bộ quy định, tùy kỹ thuật. 

{keywords}
Bệnh nhân đóng tiền viện phí tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. (Ảnh: Thanh Huyền).

Theo ghi nhận của phóng viên ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tại nơi thu phí khám, chữa bệnh của bệnh viện này đã dán thông báo chính thức áp dụng tăng viện phí để các bệnh nhân được biết. 

Khi được hỏi tăng viện phí có gây khó khăn gì cho việc khám chữa bệnh không, bác Trần Văn Kháng, 67 tuổi, ngụ tại quận 5 tới khám xương khớp cho biết: “Thực ra nói khó khăn gì không thì trước mắt chưa thấy. Một hay hai lần khám bệnh thì chi phí có tăng chút ít cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Quan trọng là chất lượng khám, chữa bệnh có tăng hay không?”.

Bà Phạm Thị Sương, 45 tuổi, ngụ tại quận 10, đi khám viêm xoang thở dài: “Với người nghèo thì tăng một đồng cũng là khó. Nhưng dù sao có bệnh vẫn phải khám thôi, còn nếu khó khăn quá thì đành bỏ chứ biết sao?”.

Tại Bệnh viện Quận 7, bệnh nhân ở khu khám bệnh cũng bàn luận về viện phí tăng khá sôi nổi. 

Nhiều người chỉ nghe là tăng giá khám, chữa bệnh nhưng vẫn rất mù mờ về quyền lợi của mình khi phải mất thêm tiền sẽ nhận lại là gì. 

Những đối tượng phải xài thẻ BHYT toàn là người nghèo, người giàu họ khám dịch vụ cho nhanh. Phải tôi nếu có tiền tôi cũng khám dịch vụ.

Bởi thế, người có điều kiện có tăng tới vài trăm ngàn cũng là chuyện nhỏ, nhưng với người nghèo, tăng dăm ba ngàn cũng là…khó. Thôi thì tăng một chút mà đi khám nhanh, hết bệnh cũng đỡ.

Nhưng tôi hoài nghi lắm, liệu tăng viện phí mỗi lần đi khám bệnh còn phải chờ lâu thế này không? Sau khi tăng viện phí bệnh nhân được lợi gì?” - chị Nguyễn Thị Mai, công nhân khu chế xuất Tân Thuận quận 7 thắc mắc.

Bệnh nhân được lợi gì? 

Theo Sở Y tế TP.HCM, đây là đơn vị cuối cùng tăng viện phí trên cả nước. Vì sợ người dân “sốc” khi giá khám, chữa bệnh tăng đột ngột nên viện phí sẽ được tăng từ từ theo lộ trình trong 3 năm. 

Từ ngày 1/6, mức viện phí mới đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh, giá giường bệnh và các dịch vụ xét nghiệm chỉ bằng 75% so với khung giá quy định của Bộ Y tế.

Từ ngày 1/6/2015, mức viện phí áp dụng với các dịch vụ nêu trên sẽ tăng lên bằng 85% và đến ngày 1/6/2016, mức viện phí sẽ bằng 100% khung giá quy định. 

{keywords}
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương dán thông báo tăng viện phí từ ngày 1/6. Ảnh: Thanh Huyền.
Do thành phố quy định tiền công khám chỉ thu ở mức 75% của 15.000 đồng nên mức thu này ở bệnh viện hạng hai sẽ là 11.250 đồng. 

Trước đây, đồng chi trả 20% theo giá 3.000 đồng, bệnh nhân chỉ đóng 600 đồng, nay đồng chi trả theo giá 11.250 đồng, bệnh nhân phải đóng thêm 2.250 đồng. 

Để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, song song với việc áp dụng tăng giá viện phí, thành phố cũng đồng loạt thực hiện giải pháp như: tăng thêm bàn khám bệnh, trang bị thêm thiết bị camera, bàn hướng dẫn bệnh nhân. 

Không chỉ thế các bệnh viện còn trang bị nâng cấp phần mềm phục vụ bệnh nhân BHYT để sử dụng thẻ có mã vạch, tăng thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ cho bệnh nhân... 

Dự tính, tại Bệnh viện Bình Thạnh, Nhân Dân Gia Định, bệnh nhân sẽ chỉ đóng tiền một lần sau khi khám bệnh và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm... Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang xây dựng hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm tự động… 

Trước đó, khi trả lời phóng viên Báo VietNamNet về chuyện tăng viện phí ảnh hưởng tới bệnh nhân nghèo thế nào, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính kế toán Sở Y tế TP.HCM cho rằng, những người nghèo đã được hỗ trợ 100% BHYT, cận nghèo được hỗ trợ 50%. 

Tuy nhiên, có nhiều người khó khăn nhưng chưa đủ điều kiện để rơi vào diện nghèo, cận nghèo. Nhà nước nên trích ngân sách để hỗ trợ họ. 

Các bệnh viện tăng viện phí tức là tăng nguồn thu, vì thế cũng cần lập ra một quỹ dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. 

Thanh Huyền