- Theo ghi nhận mới nhất của PV Anh Duy từ Hoàng Sa, vào ngày 14/6, tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, phía Trung Quốc đã triển khai đội hình tàu có số lượng lớn, đồng loạt ngăn chặn, ép hướng, phun nước vào hàng loạt tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam.

Khoảng 8h20 sáng ngày 14/6, tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam tiếp tục tiến sát vào khu vực Trung Quốc đang hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981.

Các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiến vào vị trí cách giàn khoan từ 11 đến 11,5 hải lý để tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ quyền, đồng thời, quay phim chụp ảnh đối với các hành động ngang ngược của đội hình Trung Quốc để làm tư liệu đấu tranh.

{keywords}

Các lượng lượng thực thi pháp luật của VN hoạt động ở Hoàng Sa

Lúc này, phía Trung Quốc sử dụng 13 tàu gồm hải cảnh, hải giám, hải tuần và tàu kéo để tiến hành ngăn chặn, ép hướng và thậm chí sử dụng vòi phun nước có áp lực cao và chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 10h20 đến 11h10 trưa 14/6, phía Trung Quốc sử dụng đội tàu hải cảnh, hải giám để ép các tàu Việt Nam như kiểm ngư 769, 770, 951 và tàu CSB 2013, 2015.

Hầu hết tàu Trung Quốc tổ chức ép hướng các tàu Việt Nam về hướng phía Nam của giàn khoan Hải Dương 981. Trong quá trình đó, 2 tàu kiểm ngư gồm 769 và 951 của Việt Nam đã bị tàu của phía Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công.

Riêng tàu kiểm ngư 635 có phóng viên VietNamNet trên tàu thì trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ từ 10h30 đến 11h25 trưa ngày 14/6 đã bị 2 tàu của Trung Quốc là tàu kéo 284 và tàu hải tuần 22 ép 2 bên mạn tàu và uy hiếp ngang ngược.

Cụ thể, khi tàu kiểm ngư 635 vào vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 11 hải lý thì 2 tàu của Trung Quốc nói trên lao ra với tốc độ cao, triển khai phương thức 2 kẹp 1.

Hai tàu này có lúc ép sát tàu kiểm ngư 635 ở khoảng cách 30 - 50m, có ý định quay hướng để đâm va thẳng vào mạn tàu. Tuy nhiên, tàu kiểm ngư 635 đã linh hoạt né tránh.

Việc 2 tàu Trung Quốc ép hướng, rượt đuổi tàu kiểm ngư 635 chỉ diễn ra trong khoảng 1 hải lý, tức từ 11,5 đến 12,5 hải lý cách dàn khoan Hải Dương 981. Màn căng thẳng này kéo dài gần 1 giờ đồng hồ do tàu kiểm ngư 635 di chuyển dích dắc và sau một hồi uy hiếp, đe dọa nhưng chưa tiến hành các hành động thực tế thì tàu kéo 284 và tàu hải tuần 22 của Trung Quốc đành di chuyển.

Trước đó, lúc 6h45 sáng 14/6 có máy bay tuần thám Trung Quốc số hiệu 01223 bay ở khu vực có nhiều tàu Việt Nam ở độ cao 500 m, uy hiếp các tàu của Việt Nam.

Lúc 7h20 sáng 14/6 có một máy bay trực thăng bay từ hướng giàn khoan Hải Dương 981 ra hướng đảo Tri Tôn. Trực thăng này bay lượn qua khu vực có nhiều tàu của Việt Nam.

Theo ghi nhận, đến chiều tối 14/6, tại khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 25 đến 30 hải lý, phía Trung Quốc triển khai và duy trì đội hình 28 tàu cá vỏ sắt.

Điều đáng nói, đội hình tàu cá vỏ sắt này đang được 2 tàu hộ vệ tên lửa và 1 tàu ngư chính có trang bị vũ khí đi theo hộ tống và bảo vệ. 

Như thế, đội hình tàu cá của Trung Quốc cũng như các loại tàu khác của Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 ngày càng có nhiều thủ đoạn, hành động khiêu khích, ngang ngược trên vùng biển thuộc chủ quyền, là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thuyền phó tàu kiểm ngư 635:

“Tôi là Nguyễn Hải Lại, Phó thuyền trưởng tàu kiểm ngư 635 đang làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. 

Thông qua báo VietNamNet, tôi đại diện cho các anh em trên tàu kiểm ngư 635 gửi lời hỏi thăm, chúc sức khỏe đến đồng bào cả nước.

Chúng tôi xin hứa sẽ đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ yêu cầu phía Trung Quốc phải rút dàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta”.

Anh Duy (từ Hoàng Sa)