- Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng liên quan đến cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 70.000 USD đã khép lại với phần thắng thuộc về nữ khách hàng. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên án. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi nghi ngờ về sự trùng hợp ngẫu nhiên trong vụ án.
Tình tiết "kỳ lạ"
Liên quan đến việc nữ khách hàng thắng kiện ngân hàng trong vụ tranh chấp sổ tiết kiệm trị giá hơn 70.000 USD mà VietNamNet đã thông tin, mặc dù phán quyết của tòa được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật nhưng dư luận vẫn không khỏi hoài nghi về sự thật phía sau vụ kiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện được uỷ quyền của ngân hàng vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Theo phía ngân hàng, sở dĩ chứng từ lưu tại ngân hàng khi tất toán sổ tiết kiệm sổ tiết kiệm số 1500012503 (gọi tắt là sổ 503) ngày 26/8/2010 không có chữ ký của bà T. là do việc chuyển khoản áp dụng theo chương trình mới nên không có chữ ký của khách hàng.
|
Thua kiện, ngân hàng phải trả cho khách hơn 70.000 USD (hình minh họa) |
Bà T. đã tất toán sổ cũ là sổ 503 để mở sổ tiết kiệm mới là sổ số 037 bằng hình thức chuyển khoản đúng như phiếu lưu tại ngân hàng.
Ngoài ra, tại sổ tiết kiệm số 037 có chữ ký của bà T. đã được ngân hàng đóng dấu chuyển khoản và thực tế không phát sinh tiền mặt.
Ngược lại, đại diện ủy quyền của bà T. thừa nhận bà T. ký tên vào sổ tiết kiệm 037 được lập ngày 29/1/2011 và sổ này được đóng dấu chữ "chuyển khoản" nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bà T. đã tất toán sổ 053.
Sau đó, sổ này còn được gia hạn nên đề nghị tòa y án sơ thẩm, tuyên bà T. thắng kiện.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận thấy phía ngân hàng đã cung cấp một số chứng từ về việc chuyển khoản liên quan đến sổ 503 và sổ 037 và một số tài khoản trung gian thì việc tất toán sổ 503 và 037 hoàn toàn không phát sinh tiền mặt.
Trên thực tế, trên sổ mới của bà T. là sổ 037 có đóng dấu chữ "chuyển khoản".
Ngoài ra, đáng nói là HĐXX cũng nhận thấy số tiền mở sổ mới 037 là 70.895,81 USD khớp đúng với số tiền gốc và lãi của sổ cũ 053 với số tiền 70.000 USD và 770 USD lãi suất một kỳ từ ngày 26/8/2010 đến 26/11/2010 cộng 125,81 USD tiền lãi không kỳ hạn của 64 ngày từ ngày 26/11/2010 đến 29/1/2011, tổng cộng là 70.895,81 USD.
Tuy nhiên, toàn bộ chứng từ ngân hàng lưu về việc tất toán sổ tiết kiệm số 053 không có chữ ký của bà T. và bà T. phủ nhận hoàn toàn việc đã tất toán.
Hiện tại, bà T. vẫn còn giữ sổ tiết kiệm mà ngân hàng cho rằng đã tất toán và còn được ngân hàng gia hạn thêm lần nữa.
Việc ngân hàng cho rằng áp dụng chương trình leading không có chữ ký của bà T., ngân hàng mở sổ mới 037 cho bà T. Nhưng không ghi rõ nguồn tiền mở sổ mới này chuyển khoản từ tất toán sổ cũ 053 hay sổ nào nên không chứng minh được việc đã tất toán sổ 053.
"Ngân hàng đề nghị bác yêu cầu của bà T. nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh trong khi bà T. vẫn còn giữ sổ tiết kiệm này. Các chứng từ ngân hàng lưu không có chữ ký của bà T. nên không đủ chứng minh được việc ngân hàng đã tất toán sổ 053 của bà T. Do đó, ngân hàng phải chịu thiệt hại nếu có - do chứng minh không đầy đủ", HĐXX nhận định.
Từ đó, HĐXX y án sơ thẩm, tuyên bà T. thắng kiện.
Đâu là sự thật?
Trao đổi xung quanh phán quyết trên, luật sư Nguyễn Minh Tâm - Đoàn luật sư TP.HCM nhận định phán quyết của HĐXX phù hợp với quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, tòa án xét xử trên cơ sở chứng cứ.
Trong vụ kiện này, việc trùng khớp con số 70.895,81 USD quả thực là "lạ" và cần làm rõ bởi mỗi vụ án rất cần một sự thật và sự thật chỉ có một.
Nếu quả thực bà T. đã tất toán sổ tiết kiệm sau đó lợi dụng sự sở hở, sai sót của ngân hàng rồi tiếp tục đòi tất toán sổ thêm một lần nữa thì hành vi đó là "chiếm đoạt tài sản".
Tuy nhiên, để cho rằng bà T. chiếm đoạt tài sản thì ngân hàng phải chứng minh được điều này.
Pháp luật quy định rõ đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh. Nếu những gì phía ngân hàng trình bày là thật thì trong trường hợp này, quy định nghĩa vụ chứng minh vô hình dung đã có lợi cho phía nguyên đơn nhưng đó là quy định của pháp luật dân sự.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng phán quyết trên của tòa là hợp lý vì tòa án xét xử trên cơ sở chứng cứ.
Tuy nhiên, nếu phía ngân hàng có thêm chứng cứ mới để chứng minh việc đã tất toán sổ tiết kiệm 053 cho bà T. thì có thể đề nghị giám đốc thẩm bản án để xem xét lại.
Như vậy, liệu ngân hàng có còn cơ hội?
M.Phượng