- Bão số 2 mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15, 16 và còn cách quần đảo Hoàng Sa 460km về phía Đông Đông Nam.
Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn cách ứng phó với bão số 2 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện bão đang mạnh cấp 13, giật cấp 15 - 16.
Bão đang đi vào vùng ấm nhất của biển Đông và trước khi vào đảo Hải Nam (TQ) sẽ đạt cường độ cao nhất (cấp 13-14), sau đó bão tiếp tục tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ và suy yếu 1-2 cấp.
“Dự báo trưa mai (18/7) bão sẽ đổ bộ đảo Hải Nam, chiều 18/7, bão bắt đầu ảnh hưởng đến phía Đông Vịnh Bắc Bộ.
Dự kiến ngày 19/7, bão ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh tới Thái Bình với cường độ cấp 10, 11, gió giật cấp 13, 14, không loại trừ khả năng mạnh hơn, sóng biển cao 5-6m” – ông Cường thông tin.
Bão số 2 đang cách Hoàng Sa 460km (Ảnh: NCHMF) |
Vùng trọng tâm bão được xác định là Quảng Ninh - Thái Bình. Vùng tâm bão dự kiến đổ bộ lúc 8-10 giờ sáng 19/7, nhưng vùng gió mạnh đã ảnh hưởng từ 4h sáng. Nếu tâm bão cập bờ muộn vào lúc 3-4 giờ chiều thì khoảng 9 sáng 19/7 vùng gió mạnh đã ảnh hưởng đến bờ.
Vùng gió mạnh ảnh hưởng sẽ kéo dài từ 8 giờ sáng tới 3 giờ chiều với sức gió cấp 8, cấp 9 sau đó mạnh lên cấp 10, 11. Vùng biển từ Nam Định - Ninh Bình tuy không phải trọng tâm nhưng có gió cấp 6-7 tăng dần lên 8, vùng sâu hơn như Lạng Sơn có gió cấp 7, 8 khi bão đi qua.
Do ảnh hưởng của bão, từ 18-22/7 sẽ có mưa lớn với lượng mưa 200-300mm, cục bộ một số nơi 350-400mm. Mưa tập trung vào thời điểm chiều, đêm 19/7 và sáng 20/7, khu vực Tây Bắc Bộ mưa kéo dài 21/7, cần chú ý lũ trên hệ thống sông Thái Bình, sông Thao, sông Lô.
Bão số 2 cách Hoàng Sa 390km Lúc 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 2 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 7 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 07 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Từ chiều ngày 18/7, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 – 6 mét. |
Hải Phòng lên phương án đối phó bão
Chiều 16/7, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn phương án phòng, chống bão số 2.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, Đài thông tin duyên hải Hải Phòng thông tin về diễn biến của bão đến các ngành, địa phương và phương tiện hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, đã thông báo cho 3023 phương tiện khai thác thuỷ sản, gần 500 lồng bè với gần 1.000 lao động, 95 chòi canh với 100 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết thông tin về bão để chủ động phòng, tránh.
Trong đó có 863 phương tiện/2.610 lao động đang hoạt động trên biển; 2160 phương tiện/5700 lao động, 378 tàu du lịch, dịch vụ/542 lao động, 30 tàu vận tải/92 lao động đang neo đậu tại các bến...
Tại Bạch Long Vĩ có 305 phương tiện/454 lao động đang neo đậu trong Âu cảng, khoảng 195 phương tiện hoạt động cách đảo từ 1 đến 5 hải lý đang di chuyển vào đảo tránh trú.
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra khi bão đổ bộ vào bờ, Chủ tịch TP. Hải Phòng yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương thông báo, kêu gọi, di chuyển tàu thuyền, sơ tán lồng bè, tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản về nơi trú tránh an toàn và phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 18-7.
Đặc biệt, các phương tiện khai thác thuỷ sản hiện đang neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vỹ phải được di chuyển về đất liền tránh bão ngay trong sáng 17/7. Mọi hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa cũng phải dừng từ 18 giờ ngày 18/7;
Các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư, chân đồi núi, mỏ đất đá… nhất là khu vực Thuỷ Nguyên, Cát Bà, Kiến An, Đồ Sơn; các lực lượng ứng trực sẵn sàng thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, mưa lớn có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ...
Quảng Ninh di dời các hộ dân nằm trong vùng sụt lún
Cũng trong chiều 16/7, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra tình hình sạt lở đất tại tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) và chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố sụt lún đất tại khu vực này.
Qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy hàng chục mét taluy tuyến đường thuộc dự án Đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân đã bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của 6 hộ dân sống ở khu vực phía trên, thuộc tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy.
Cùng với đó, một phần đồi phía trên cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang, nứt dọc tạo thành những khối trượt lớn.
Theo người dân ở đây, các điểm sạt lở tại khu vực này xảy ra bắt đầu từ ngày 26/6 với các điểm sạt lở nhỏ và bắt đầu sạt lở lớn từ ngày 5/7.
Ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, để đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân khu vực sạt lở, thành phố đã Ban hành quyết định về việc di dời khẩn cấp 6 hộ dân và phá dỡ các công trình có dấu hiệu nguy hiểm bị ảnh hưởng bởi sự cố sụt lún, nứt nhà và đất tại tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy.
Qua kiểm tra của ngành chức năng và địa phương đã xác định khu vực này là khu vực rất nguy hiểm, nhất là đối với các vết nứt dọc, nứt ngang phía trên đồi; các vết nứt này chênh cốt 50-60 cm. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo phường Bãi Cháy và lực lượng chức năng, trước 18 giờ ngày 16-7 phải di dời toàn bộ 6 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin thời sự về diễn biến cơn bão số 2.
Cẩm Quyên - Kiên Trung