- Chiều 18/7, các điểm được xác định tâm bão và ảnh hưởng lớn của bão chuẩn bị sẵn sàng, an toàn đón bão.

Bão Thần Sấm ngày càng mạnh, giật cấp 16-17

Bão Rammasun (thần sấm) đang mạnh cấp 14-15 giật cấp 16-17 và còn cách Móng Cái (Quảng Ninh) 420km. Đây là cơn bão có xu hướng mạnh dần lên do đang đi trong khu vực có nhiệt độ cao trong biển Đông (31 độ).

Quảng Ninh:

Sáng 18/7, chính quyền và người dân huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) đang gấp gáp đối phó với cơn bão Thần Sấm.

Phó Chủ tịch Thị trấn Cái Rồng, ông Đinh Quốc Đoàn đã phụ trách một tổ công tác liên ngành (gồm các đoàn thể của thị trấn, Công an, Biên phòng…) đến từng nhà bè để vận động, tuyên truyền.

{keywords}
Một gia đình di dời khỏi lồng cá

{keywords}
Bé gái mang theo người bạn là gấu bông xuống thuyền

{keywords}

{keywords}

Và ngồi yên vị giữa thuyền chờ cha mẹ

Mặc dù từ bè lên đất liền chỉ khoảng 30 phút chèo thuyền, nhưng tất cả các chủ bè đều phải lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng khi bão về.

PV ghi lại được cảnh bé gái chạy bão cùng cha mẹ. Trong lúc người lớn hối hả đưa các vật dụng trên bè xuống thuyền để đưa vào bờ, bé gái cũng không quên ôm theo chú gấu bông – có thể là người bạn gắn bó với bé, để xuống thuyền vào đất liền.

Cũng trong buổi đi vận động bà con dời bè vào đất liền tránh bão, tổ công tác cũng gặp một “ca” hy hữu.

Chủ ghe tên Kiếm đi vắng. Trên nhà lồng tạm chỉ có một người phụ nữ và ba đứa trẻ. Khi tổ công tác tuyên truyền, người phụ nữ này không đáp, thay vào đó là ra hiệu bằng tay, miệng ú ớ…

Anh Se, bộ đội biên phòng huyện đảo Vân Đồn, thành viên của tổ công tác cho biết, người phụ nữ này bị câm điếc bẩm sinh. Anh Se phải nhờ cháu lớn tuổi nhất làm “thông dịch” cho người mẹ câm điếc, về việc cả nhà phải nhanh chóng rời bè để vào bờ tránh bão.

{keywords}

Ba mẹ con người phụ nữ câm điếc

Được đứa con “chuyển ngữ” lại, người mẹ ra hiệu lấy tay và cơm vào miệng, sau đó chỉ tay về hướng đất liền. Đoàn công tác thở phào khi người phụ nữ câm kia đã hiểu. Ý của chị này, là “ăn cơm xong sẽ vào bờ ngay”.

Theo PCT Thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn kiên quyết 100% người dân nuôi cá bè phải vào đất liền trú bão. Mỗi bè chỉ được phép ở lại một đàn ông khỏe mạnh, có trang bị áo phao cứu sinh để ở lại trông coi tài sản trên bè.

“Trường hợp gia đình nào không tuân thủ, chúng tôi sẽ cưỡng chế và xử lý hành chính. Tất cả các hộ đều đã ký giấy cam kết với địa phương khi họ bắt đầu xin thủ tục ra nuôi cá lồng ngoài biển” – ông Đinh Quốc Đoàn cho biết.

{keywords}

Chằng buộc bảo vệ cây cối tại TP Hạ Long

{keywords}

Biển quảng cáo được cuộn gọn lại.

{keywords}

Di chuyển nhà bè vào vụng kín gió

{keywords}

Gia cố các mái nhà

{keywords} 

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn khi bão về - (Ảnh báo Quảng Ninh)

Hải Phòng: Cấm toàn bộ tàu thuyền ra Cát Hải

Đến cuối chiều ngày 18/7, người dân thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng mới bắt tay vào công việc kiên cố thuyền bè, nhà cửa. Các hộ dân trong diện nguy hiểm được di dời để đối phó với cơn bão số 2.

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Chiều 18/7, tàu thuyền đã neo đậu an toàn vào nơi trú ẩn

Nhiều hộ dân đã chuẩn bị bao tải cát, gạch để xếp trước cửa nhà, hạn chế nước ngập vào trong.

Hơn thế, nhiều gia đình đã dùng những tấm ván gỗ để nẹp vào cửa, hạn chế tối đa hư hỏng.

“Mỗi lần có bão nước ngập đến nửa nhà, mọi đồ đạc trong gia đình đều hư hỏng hết. Cơn bão này gia đình tôi phải chuẩn bị thật kỹ, lấy gạch kê cao hết mọi đồ đạc trong nhà...” – bà Lan, một người dân nơi đây chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV, tính đến cuối chiều 18/7, thời tiết ở đây vẫn oi bức. Tuy nhiên, theo nhiều người có kinh nghiệm, đây là dấu hiệu của một trận bão lớn sắp về.

Thông tin từ lãnh đạo TP Hải Phòng, từ 12h ngày 18/7, đã cấm toàn bộ các tàu thuyền đi ra huyện đảo Cát Hải. 

{keywords}

{keywords} 

Người dân Cát Hải chằng chống, gia cố nhà cửa trước bão

Bình lặng Thái Thụy

17h ngày 18/7, thời tiết tại huyện Thái Thụy (Thái Bình) vẫn nắng gắt, tuy nhiên không vì thế mà công tác phòng chống bão bị lơ là.

Theo ghi nhận, kế hoạch phòng chống bão vẫn được chính quyền và người dân thôn, xã huyện Thái Thụy triển khai một cách bài bản.

{keywords}

{keywords}

Bà con xã Thái Đô quây lưới ven bờ để bảo vệ thủ hải sản nuôi trồng.

Tại các đầm nuôi trồng thủy hải sản, đề phòng mưa to nước ngập, bà con quây lưới dưới đầm và quây cao vây quanh bờ.

Ông Bùi Ngọc Hiện - Chủ tịch xã Thụy Xuân cho biết: Hiện xã có 76 ha nuôi trồng thủy hải sản đã được bà con thực hiện xong công tác phòng chống khi bão tới, mưa lớn.

“Thường kèm theo với bão là mưa lớn, nhưng do hệ thống kênh của xã khá tốt nên có thể đảm bảo tiêu nước khi cần thiết”, ông Hiện nói.

{keywords}

Các bao tải cát đã được bố trí sẵn, nếu mưa lớn sẽ cho ngăn thành đập không cho nước ngập vào đồng ruộng.

Trực tiếp đến vị trí xung yếu là cầu phao Sông Hóa thuộc xã Hồng Quỳnh, ông Nguyễn Duy Cam - Phó chủ tịch huyện Thái Thụy đã chỉ đạo cán bộ tại đây phải trực 24/24 cho đến khi bão đi qua, đề phòng mưa lớn nước dâng cao.

“Nước dâng là phải cho chồng bao tải ngăn nước ngập vào trong đê ngay. Nếu chần chừ mưa to nước dâng nhanh sẽ không kịp trở tay”, ông Cam nói với cán bộ trạm thu phí cầu phao Sông Hóa.

Trong khi đó, từ lúc 14h, tận dụng chủ trương tháo nước đề phòng ngập úng trước bão, người dân đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi úp, quăng lưới bắt cá ở các đầm cạn.

Để tập trung dồn sức chống bão, UBND huyện Thái Thụy đã chủ đồng hủy tất cả các cuộc họp không liên quan đến lụt bão...

{keywords}

{keywords}

Nhiều DN hoạt động ven biển cũng đã đóng cửa nhà máy, cho hạ tháo hệ thống đèn cao áp đề phòng bão đến gây thiệt hại lớn.

{keywords}

Người dân tranh thủ lúc bão chưa tới đi đánh cá ven các kênh mương bên đồng ruộng.

{keywords}

Xe tuyên truyền đi khắp các thôn xã yêu cầu bà con không được lơ là trong việc chống bão.

Thần Sấm (bão số 2) được dự báo là cơn bão mạnh và khó lường. VietNamNet trân trọng mời quý độc giả cùng tham gia đưa tin về cơn bão. Mọi thông tin, video, hình ảnh xin gửi về email: banxahoi@vietnamnet.vn.

Kiên Trung - Vũ Điệp - Quốc Tiến