- Bão Thần Sấm đổ bộ biên giới Việt - Trung rồi suy yếu thành áp thấp, Quảng Ninh mất điện trên diện rộng...
Không chịu di dời, bão vào cuống cuồng gọi điện cầu cứu Sáng 19/7, khi bão bắt đầu đổ bộ, gió và mưa bắt đầu mạnh lên, ông Dơn đã gọi điện kêu cứu lực lượng cứu hộ. |
Bão mạnh nhất trong 10 năm qua
22h ngày 18/7: Trao đổi với VietNamNet từ TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết: Lúc 20h30 ngày 18/7 vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 109,9 độ kinh đông, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20km/h, hướng về phía biên giới Việt – Trung.
Dự báo khoảng từ 6 giờ sáng tới 10 giờ sáng 19/7 vùng tâm bão sẽ đổ bộ Móng Cái với sức gió mạnh cấp 11, 12.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đi kiểm tra tình hình tại Móng Cái - Ảnh: V.H
|
Tiếp tục thực hiện di dời dân những vùng xung yếu trước khi bão vào - Ảnh: V.H |
Ngay từ đêm nay, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15.
Các nơi khác ở đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7.
Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.
Dự báo 6-10 giờ sáng mai bão đổ bộ Móng Cái (Ảnh: NCHMF) |
Mưa lớn tập sẽ tập trung ở Đông Bắc và vùng núi Bắc Bộ (gồm cả Tây Bắc Bộ) với lượng 200-300mm, có nơi 300-400mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết vào thời điểm này, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão vẫn mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Như vậy, tối 18/7, vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ.
Đến 7 giờ sáng ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Họp khẩn lúc nửa đêm
22h30 ngày 18/7: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp khẩn với tỉnh Quảng Ninh để ứng phó với bão số 2 tại TP Hạ Long.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo về công tác di dân, kêu gọi tàu thuyền tránh bão, đưa khách du lịch ngoài các đảo về đất liền an toàn, gia cố các tuyến đê sông, biển..., Phó Thủ tướng nhận định, đây là cơn bão rất mạnh, không được phép chủ quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp tối 18/7 - Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh, trước giờ bão đổ bộ cần tiếp tục rà soát các phương án phòng chống, đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại.
Tại TP Móng Cái, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định đây là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh.
Do đó, Quảng Ninh cần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống và tiếp tục di dời các hộ dân đang ở nhà cấp 4, nhà tạm ngay trong đêm. Bộ trưởng Phát nhấn mạnh, vì cơn bão có phạm vi ảnh hưởng lớn nên tuyệt đối không được chủ quan.
Vào thời điểm 1h sáng ngày 19/7, thông tin từ nhóm PV, CTV và bạn
đọc VietNamNet tại Quảng Ninh và các tỉnh được xác định ảnh hưởng của
bão Thần Sấm cho biết vẫn chưa có mưa, gió vẫn nhẹ.
VietNamNet trân trọng mời quý độc giả cùng tham gia đưa tin về cơn bão số 2. Mọi thông tin, video, hình ảnh xin gửi về email: banxahoi@vietnamnet.vn. |
Hình ảnh bão số 2 chụp từ vệ tinh |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết lúc 4 giờ sáng nay, tâm bão số 2 ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15 - 16.
Dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Như vậy, sáng nay (19/7) vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung với cường độ mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ
quét và sạt lở đất trên diện rộng.
>> XEM THÔNG TIN NGƯỜI HÀ NỘI CHUẨN BỊ
ĐỐI PHÓ VỚI NGẬP LỤT
>> XEM HÌNH ẢNH BÃO CHƯA VÀO
HÀ NỘI ĐÃ THÀNH SÔNG HÔM 17/7
Bình lặng Cát Hải
4h sáng ngày 19/7: Một số địa bàn trong tỉnh như Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn... bắt đầu có mưa nặng hạt, gió mạnh dần lên.
Trong khi đó, tại nơi đầu sóng, ngọn gió thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải, Hải Phòng) đã có mưa nhỏ từ 5h sáng ngày 19/7.
Hiện tại, mưa gió vẫn chưa bé và gần như chưa ảnh hưởng gì đến huyện đảo này. Đáng lưu ý, một số người dân vẫn ra biển, đánh bắt thủ công gần bờ.
|
Một số người dân vẫn chủ quan ra gần bờ đánh bắt |
Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường.
Theo một lãnh đạo TP. Hải Phòng đang có mặt chỉ đạo công tác phòng chống bão, thì người dân vẫn phải đề cao cảnh giác, nhiều khả năng trong vài giờ tới mưa, gió sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo.
Vân Đồn, Móng Cái:
7h: Tại Vân Đồn, mưa bắt đầu nặng hạt và gió tăng dần lên cấp 8-9.
Tất cả các nhà dân trên huyện đảo Vân Đồn đều cửa đóng then cài. Các hàng quán trên thị trấn Cái Rồng cũng đều đóng cửa.
Cảng tàu Cái Rồng vắng hoe hoắt, chỉ có vài bóng người là những chủ tàu ở lại trông coi phương tiện.
Một trong những khu vực nguy hiểm nhất khi bão về là các bè cá lồng. Lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm tra tại khu vực này.
8h30: TP Móng Cái đang có mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh cấp 7, cấp 8.
Cửa khẩu Móng Cái sáng 19/7 - Ảnh: V.H |
Nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ninh cũng bắt đầu có mưa nặng hạt là Cẩm Phả, Hạ Long, Đầm Hà, Cô Tô, Vân Đồn...
Ngay trong đêm và rạng sáng 19/7, TP Móng Cái đã huy động lực lượng, phương tiện di dời hơn 2.000 người ra khỏi vùng xung yếu, về các đồn biên phòng, nhà văn hóa, trường học...
|
9h: Toàn TP vùng biên này đã mất điện. Cây xanh bắt đầu đổ ngã la liệt trên phố.
Gió thổi mạnh, hầu như không có phương tiện nào dám lưu thông trên đường.
Hủy, lùi một số chuyến bay
Do ảnh hưởng của bão Thần Sấm, tối 18/7, Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) thông báo hủy 2 chuyến (VN1182, VN1183) trên đường bay giữa TPHCM – Hải Phòng. 4 chuyến bay khác trên chặng này cũng được khởi hành muộn vào buổi trưa và chiều. Hãng hàng không Jetstar Pacific điều chỉnh giờ khai thác 3 chuyến chặng TPHCM - Hải Phòng và 2 chuyến chặng TP.HCM - Cam Ranh. Các chuyến TPHCM - Phú Quốc/Vinh cũng lùi 30 phút so với kế hoạch. Thúy Hạnh |
Thần sấm vào biên giới
9h30: Thông tin mới nhất của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW, bão số 2 đã đi vào khu vực biên giới Việt Trung.
TP Móng Cái và một số huyện ở Quảng Ninh đang nằm trong tầm ảnh hưởng của bão, sức gió cấp 9-10, giật cấp 11-12.
Hiện nay bão số 2 đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh. Tại Móng Cái có gió giật mạnh cấp 10, tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Quảng Hà, Tiên Yên có gió giật cấp 8 - 9.
Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 32mm; Móng Cái: 43mm; Cửa Ông: 20mm;…
|
Sinh hoạt tại TP Móng Cai ngưng trệ, không một bóng người ra đường - Ảnh: V.H |
9h45: Trong khi đó, tại huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng, người dân đã bắt đầu sinh hoạt trở lại. Tuy nhiên, tất cả các phương tiện tàu thuyền đều đang bị cấm hoạt động.
Gọi điện cầu cứu Tại Vân Đồn, 8h30 sáng ngày 19/7, một trường hợp chủ nhà bè đã bị xử lý hành chính, lập biên bản do vi phạm quy định an toàn tránh bão. Đó là trường hợp chủ nuôi cá tên Dơn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn). Chiều hôm trước, khi lực lượng chức năng xuống từng bè tuyên truyền, vận dộng người dân lên bờ, ông Dơn đã trốn khỏi nhà bè để tránh lực lượng chức năng.
Sáng 19/7, khi bão bắt đầu đổ bộ, gió và mưa bắt đầu mạnh lên, ông Dơn đã gọi điện kêu cứu lực lượng cứu hộ. Trạm kiểm soát biên phòng Cái Rồng đã cử một xuồng cứu hộ ra bè đưa ông Dơn về, đồng thời tiến hành cưỡng chế xử lý trường hợp vi phạm này. Trung tá Nguyễn Thế Thảo, Trạm kiểm soát Biên phòng Cái Rồng cho biết: “Cơn bão ông khi đổ bộ thường vào theo hướng Đông trước, sau đó đổ Nam là tan bão. Tuy nhiên, cơn bão này lại đổ Nam trước, rất trái quy luật thông thường”. Hiện tại, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Vân Đồn vẫn đang túc trực 24/24 tại khu vực Cảng Cái Rồng để đối phó với những ảnh hưởng từ cơn bão số 2. Thông tin từ Ban PCLB huyện Vân Đồn, tính đến sáng ngày 19/7, Vân Đồn
đã di dời hơn 2.000 người dân đến nơi trú bão an toàn; tổng số tàu bè
neo trú tránh bão là hơn 1.800 chiếc, trong đó có hơn 160 tàu bè của các
địa phương không thuộc Vân Đồn. Kiên Trung |
Quảng Ninh mất điện diện rộng
10h: Toàn bộ phía Bắc khu vực TP Móng Cái là nơi có gió mạnh nhất (cấp 10, cấp 11) khiến cây đổ, mái tôn bay…
Hiện nhiều địa bàn trong tỉnh Quảng Ninh đã bị mất điện.
|
Hình ảnh lúc 9h sáng tại TP Hạ Long và Móng Cái -
Ảnh: V.H |
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Thanh Hải, Phó GĐ TT Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đang có mặt tại TP Móng Cái cho biết: Đêm qua bão số 2 đã đi vào vịnh Bắc Bộ và sáng sớm nay đã đổ bộ vào khu vực sát phía Bắc thành phố Móng Cái với sức gió cấp 9, cấp 10, cấp 11.
Sau khi đổ bộ vùng tâm bão tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền và vị trí hiện tại của cơn bão đang ở khu vực biên giới Việt Trung – giữa Lạng Sơn và Trung Quốc với sức gió mạnh cấp 9.
Theo ông Hải, thời gian và cường độ đổ bộ của bão diễn ra như dự báo ban đầu.
11h15: Vẫn mất điện toàn bộ khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên...
|
Công ty Điện lực Quảng Ninh xác nhận và cho biết, vào khoảng 2h ngày 19/7, do ảnh hưởng trực tiếp của bão, gió mạnh đã khiến mái tôn, cây gẫy đổ làm đứt dây điện; nhiều tuyến cột điện bị đổ.
Bão Thần Sấm làm tốc mái 9 căn nhà, đổ 3 cột điện ở Móng Cái. Hàng trăm cây xanh trên địa bàn đã bị gãy, đổ. Hiện chưa có thống kê cụ thể.
Hiện mưa nhỏ dần, các cơ quan chức năng đang có mặt trên nhiều tuyến phố để khắc phục thiệt hại, giúp đỡ người dân.
Bão suy yếu thành áp thấp
12h, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết hiện nay bão số 2 đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh, tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 8, …
Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 44mm; Móng Cái: 109mm; Cửa Ông: 40mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 65mm;…
Hồi 11 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, nằm ngay trên khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11 - 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc.
Tối 18/7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác thị
sát công tác phòng chống bão tại Hải Phòng. Tại khu vực cảng cá Mắt
Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, nơi được xác định là một trong những
khu vực có thể năm trong tâm bão.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của Hải Phòng trong việc phòng chống cơn bão số 2.
Các lực lượng của thành phố đã chủ động và có biện pháp hữu hiệu kêu gọi các phương tiện trên biển vào bờ, tránh tình trạng số lượng lớn tàu thuyền tập trung tại một cảng gây nguy hiểm. Đồng thời, địa phương cũng có phương án di dân bảo đảm an toàn tối đa cho người và tài sản. Hải Phòng kiên quyết quy trách nhiệm nếu quận huyện nào có thiệt hại lớn thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, Hải Phòng cần phải tiếp tục theo dõi bởi cơn bão này đi vào Hải Phòng vào đêm. Tiếp tục rà soát ngay những khu vực dân cư nằm trong khu vực nguy hiểm. Yêu cầu cấp bách nhất vẫn luôn là không để thiệt hại đến người và của. Theo báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (PCLB&TKCN), đến 17h00 ngày 18/7 tất cả các phương tiện đã về bến neo đậu, bao gồm: tàu thuyền neo đậu tại bến: 3.000 phương tiện/ 12.000 lao động; lồng bè 521 bè/1.428 người (neo đậu tại Cát Bà). Trong âu cảng Bạch Long Vĩ chỉ có 1 phương tiện với 2 lao động; giàn khoan Trident 16, tàu BRV Veritas Viking II và 01 tàu bảo vệ vẫn hoạt động khảo sát địa chấn 3D tại lô 103 và 107 (quan sát trên rada Hải quân và của đồn Biên phòng Bạch Long Vỹ). Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trên khu vực cảng Hải Phòng hiện có 128 tàu vận tải neo đậu. Các tàu đã di chuyển ra nơi neo đậu đảm bảo an toàn. Công tác sơ tán nhân dân vùng xung yếu, căn cứ diễn biến của bão, các địa phương rà soát, điều chỉnh phương án sơ tán nhân dân tại chỗ. Đến 16h, ngày 18/7 đã tổ chức sơ tán 10.000 người ở các khu vực nguy hiểm về nơi an toàn. Số còn lại sẽ tổ chức sơ tán tùy theo diễn biến thực tế của bão. Q.Minh |
Thần Sấm (bão số 2) được dự báo là cơn bão mạnh và khó lường. VietNamNet trân trọng mời quý độc giả cùng tham gia đưa tin về cơn bão. Mọi thông tin, video, hình ảnh xin gửi về email: banxahoi@vietnamnet.vn. |
Nhóm PV