– Bộ Y tế đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá để giảm số người hút thuốc, dẫn tới giảm bệnh tật, tử vong và các gánh nặng khác do thuốc lá gây ra. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tượng trong xã hội.

Tăng thuế thuốc lá để giảm nhu cầu sử dụng

Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hiện tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam chiếm 41,6% giá bán lẻ (chiếm 65% giá xuất xưởng). Mức thuế này khiến VN là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp (80%), Đức (73%), Úc (60%)

{keywords}
Học sinh hút thuốc lá

Có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ trong độ tuổi 13-15 cho biết có ý định sẽ hút thuốc lá trong tương lai.

Thuế thuốc lá thấp khiến giá bán thuốc lá thấp. Điều này làm thúc đẩy sử dụng thuốc lá, đặc biệt là với đối tượng người nghèo và học sinh, thanh thiếu niên.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, số thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết tỉ lệ người nghèo hút thuốc lá ở VN cũng cao hơn người giàu.

Theo Bộ Y tế, tăng thuế sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, đặc biệt với thanh thiếu niên và người nghèo – đối tượng có nhu cầu sử dụng thuốc lá cao. Bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy việc tăng giá thuốc lá (do tăng thuế) có tác động mạnh tới việc giảm nhu cầu sử dụng.

Nghiên cứu của WHO năm 2003 cho thấy, tính trung bình giá một bao thuốc tăng 10% sẽ làm nhu cầu sử dụng thuốc lá giảm 4% (tại các nước có thu nhập cao) và giảm 8% nhu cầu sử dụng thuốc lá ở nước có thu nhập thấp.

Đề xuất tăng thuế thuốc lá lên 105% vào 2015

Bộ Y tế đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm thuốc lá tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% và năm 2018 đồng thời tiếp tục xem xét tăng thuế lên 155% vào năm 2020. Sau đó tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020.

Mức tăng này được kì vọng sẽ làm giảm khoảng 8% tỷ lệ hút thuốc lá trong vòng 8 năm (từ 2012-2020). Nếu đúng như tính toán, đến năm 2020, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới sẽ giảm từ 47,4% xuống còn 39%.

Điều này đồng nghĩa với việc số người hút thuốc giảm từ 15,3 triệu người xuống còn 13,1 triệu người và sẽ cứu sống được 726 ngàn người khỏi tác hại của thuốc lá, giảm được nhiều gánh nặng về bệnh tật và sức khỏe, kinh tế - xã hội.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho biết nếu chỉ tăng mức 10% vào năm 2015 (lên 75%) và tăng tiếp 10% (lên 85%) vào năm 2018 (bằng mức tăng vào năm 2006-2008) như đề xuất của Bộ Tài chính thì sẽ không làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá trong dài hạn và tỷ lệ giảm hút thuốc theo mục tiêu quốc gia sẽ không đạt được.

Thực tế cho thấy trong lần tăng thuế thuốc lá thêm 10% vào năm 2006 và 2008 cũng không làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá được. Lý do là vì mức tăng quá thấp, không đủ bù lạm phát nên thực tế là giá thuốc vẫn rất thấp, càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng.

Nhiều hình thức “lách luật”

Theo kết quả sơ bộ từ nghiên cứu “đánh giá tình hình thực thi việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh tại Việt Nam” được thực hiện bởi Trường Đại học Y tế công cộng thì về cơ bản các công ty thuốc lá thực thi nghiêm túc việc in hình ảnh cảnh báo đúng kích cỡ, màu sắc và thông điệp cảnh báo.

{keywords}
Các hãng thuốc lá vẫn có nhiều hình thức "lách luật" để tăng lượng tiêu thụ (Ảnh: K.L)

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn tồn tại nhiều bao thuốc theo mẫu mã cũ (không có hình ảnh cảnh báo). Ngoài ra, có những công ty lách luật bằng cách ra các mẫu bao thuốc mới, đóng cây/tút kiểu giấy bọc nilon để tránh phải in hình cảnh báo to trên vỏ bao.

Tình hình vi phạm quy định về trưng bày quá 1 bao/1tút của 1 thương hiệu thuốc lá còn tồn tại với tỷ lệ cao (hơn 80%). Đặc biệt, nhiều thương hiệu thuốc lá vẫn sử dụng những cách tiếp thị vi phạm pháp luật như cho người đi giới thiệu, quảng cáo và mời sử dụng thuốc lá tại các nhà hàng, địa điểm công cộng,

Cẩm Quyên