- Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h của Bộ Y tế hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, dư luận nghi ngờ về tính khả thi của dự thảo khi áp dụng tại đất nước có "văn hóa ăn nhậu" như Việt Nam.

>> "Trước mắt cấm rượu bia từ 22h ở quán nhậu, bar"

Tốt, nhưng chưa hợp lý

Dự thảo luật Phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia của Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia từ 22h -6h sáng hôm sau, người uống rượu bia sau 22h cũng có thể bị xử phạt.

Xung quanh dự thảo này, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ, cho rằng đây là chủ trương tích cực khi hướng tới mục đích bảo vệ sức khỏe cho người dân.

"Lâu nay dân mình quen với văn hóa nhậu nhẹt, vui nhậu, buồn nhậu, hợp đồng cũng trên bàn nhậu... Nhậu xong một bữa mà về sợ đến mấy ngày, nên cứ làm sao hạn chế được bia rượu là tôi ủng hộ", anh Hoàng Văn Thái, kỹ sư xây dựng hào hứng nói.

{keywords}
Cảnh ăn nhậu của người Việt diễn ra ở khắp nơi. Ảnh: M.Anh

Anh Thái chia sẻ, nhiều khi vì đặc thù công việc, mình không uống không được. Ở ta nhậu là phải "không say không về", hễ không uống là bị nói "khinh người", "không nhiệt tình"... Vậy nên ý thức được là hại, nhưng không tránh được.

Với chị Thảo (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), dự thảo của Bộ Y tế như cứu cánh cho các bà vợ.

"Việc cấm bán rượu bia là hoàn toàn đúng, đáng ra nên cấm từ lâu. Bia rượu quá chén sinh ra tệ nạn, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông... Nhậu nhẹt nhiều ảnh hưởng công việc, sức khỏe. Các nước đã hạn chế từ lâu, giờ mình mới đề xuất nhưng dù sao muộn còn hơn không", chị Thảo lý giải.

Hiện Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Mỗi năm, người Việt tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít tương đương 32 lít bia/người/năm. Theo dự kiến, đến 2015, con số này sẽ là 45 lít bia/người/năm.

Theo báo cáo, 40% vụ tai nạn tại Việt Nam có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia. Lạm dụng rượu bia cũng là nguyên nhân của 70% số ca bạo lực gia đình.

Mỗi năm, người Việt Nam mất khoảng 6.000 tỷ đồng để... nhậu.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người, dự thảo trên còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Thời điểm cấm từ 22h-6h sáng hôm sau không phải là khung giờ cao điểm nhậu nhẹt. Theo thói quen, thời điểm người dân nhậu nhiều nhất là từ 17h -22h.

"Dân mình tan sở là nhậu nên trước 22h đã say rồi, gây hậu quả rồi, vậy cấm từ sau 22h có ý nghĩa gì? Cấm là đúng, cấm được thì tốt quá nhưng phải nghiên cứu cấm thế nào chứ", bác Công (63 tuổi, Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt câu hỏi.

Trong dự thảo luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cũng quy định các trường hợp dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú... không được uống rượu bia và quy định kiểm soát mỗi cá nhân chỉ được uống 2-3 lon bia hoặc 2-3 chén rượu.

Nói về hướng quy định này, anh Thành, chủ quán nhậu trên phố Lê Đức Thọ (Cầu Giấy, Hà Nội) cười xòa: "Làm sao có đủ lực lượng để đi kiểm soát, căn ke từng chút như vậy được. Các quán nhậu cũng không đủ nhân viên để đi kiểm tra CMND từng người uống xem đủ 18 tuổi chưa, chị phụ nữ kia có phải đang bầu hay cho con bú hay không, anh kia đã uống được 3 chén hay 5 chén...".

Khó áp vào thực tế

Phản ứng nhiều nhất với dự thảo của Bộ Y tế là chủ các đơn vị kinh doanh.

Chủ quán nhậu trên phố Tạ Hiện - con phố Tây nổi tiếng tại thủ đô lo lắng việc cấm bán bia rượu vào buổi đêm sẽ khiến doanh thu sụt giảm mạnh.

"Rất nhiều khách tối muộn mới vào quán, vậy sau 22h tôi phải đuổi khách hay thu lại số bia trên bàn? Nếu đề xuất này thành luật thì khó lòng chúng tôi làm ăn tiếp được", bà chủ quán thở dài.

{keywords}
Cảnh đông đúc trên phố Tạ Hiện về đêm. Ảnh: M.Anh

Trong trường hợp chỉ cho phép một số địa điểm, khu đặc thù mới được kinh doanh, nhiều người lo ngại về tình trạng quá tải khi những người thích nhậu đêm khắp nơi đổ dồn về đó gây mất an ninh trật tự, tăng giá, lách luật...

Chưa kể, dự thảo chỉ áp dụng với các điểm bán lẻ để uống ngay tại chỗ, vậy trường hợp khách tự mang bia rượu đến quán thì xử lý ra sao và nếu nhà hàng, quán nhậu nào cũng treo biển khuyến khích khách nhậu mang đồ uống đến thì phạt thế nào?

Nếu dự thảo được luật hóa, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu sẽ là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong năm 2013, ngành bia rượu và nước giải khát Việt Nam đóng góp cho ngân sách gần 21.000 tỷ đồng.

"Dự thảo mới chỉ tính đến mục đích hướng đến là vì sức khỏe nhưng chưa cân đo được xem sẽ ảnh hưởng đến ngân sách bao nhiêu, đến quyền lợi của các nhà sản xuất thế nào", anh Bình (nhân viên bảo hiểm) phân tích.

Theo anh Bình, dự thảo của Bộ Y tế cũng chưa chỉ ra cơ quan chức năng nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các quán nhậu, cơ chế nào để đảm bảo việc thực thi là minh bạch?

"Chỉ tính riêng Hà Nội này có đến hàng trăm nhà hàng, hàng nghìn quán nhậu từ phố to đến ngõ nhỏ, vỉa hè. Vậy cơ quan nào, đối tượng nào được quyền kiểm tra, cưỡng chế? Sợ nhất sinh ra luật rồi một bộ phận công quyền dựa vào đó để sách nhiễu, làm khó dân", anh Bình nghi ngại.

Nói về tính khả thi của dự thảo, anh Thành, chủ quán nhậu trên phố Lê Đức Thọ cho rằng rất khó để áp dụng vào thực tế.

Theo anh Thành, Bộ Y tế nên lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, cân bằng giữa quyền bình đẳng của người dân với lợi ích kinh tế, câc nhắc tính thực thi trong từng quy định nhất là khi ý thức tự giác của người dân chưa cao.

"Nếu không được tính toán kỹ, quy định cấm rượu bia rất dễ thành "luật treo" giống như một số quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gọi điện ở cây xăng, phạt đổ rác sai quy định...", anh Thành nêu quan điểm.

Quý độc giả có đồng ý với Dự thảo cấm bia rượu sau 22h, xin gửi mail về địa chỉ: banxahoi@vietnamnet.vn

M.Anh