- “Việc cảm hóa, giáo dục người vi phạm liệu có đạt được? Và sẽ phát sinh nhiều những hệ quả còn lớn hơn như: tiêu cực trong tâm lý dẫn tới vi phạm pháp luật về hình sự, hạnh phúc tan vỡ, con cái họ xấu hổ, mặc cảm, mọi người dè bỉu,...”.
UBND thành phố Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội bổ sung Điều 22 trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm với nội dung tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm, công khai danh tính của người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.
Hình ảnh vụ một diễn viên múa môi giới và bán dâm bị cơ quan công an khám phá |
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Người mua dâm trước tiên không phải là tội phạm. Ngay cả tội phạm khi bị Tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo và giao cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục thì đa phần cũng không công khai đưa ra ra kiểm điểm giáo dục trước đoàn thể, chính quyền địa phương.
Hành vi mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính. Do đó những qui định xử lý người mua dâm phải tuân theo các qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
Cụ thể, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 qui định: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”.
Theo ông Thơm, chúng ta không thể coi hành vi mua dâm là nghiêm trọng hơn hơn so với những hành vi vi phạm hành chính khác như: bán dâm, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí thô sơ,…để áp dụng thêm biện pháp công khai danh tính của người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục sau khi đã bị xử phạt bằng tiền.
Như vậy có đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý các hành vi phạm hành chính?
Hệ lụy
Vẫn theo ông Thơm, từ trước đến nay, qua việc xử phạt vi phạm hành chính người mua dâm thì cơ quan công an cũng đã phải xác minh rõ người mua dâm qua chính quyền địa phương thì mới có thể xử phạt hành chính theo qui định.
Như vậy, về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng đã được cơ quan công an thông báo về người mua dâm.
Có thể chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp giáo dục, nhắc nhở công khai trong phạm vi đối tượng vi phạm.
Nhưng nếu như áp dụng biện pháp công khai người mua dâm ra trước đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm điểm giáo dục thì vô hình chung như là đưa người đó ra bêu rếu trước mọi người.
“Mục đích của việc xử lý người vi phạm ngoài việc răn đe xử phạt ra còn có ý nghĩa giáo dục họ. Nhưng nếu đưa ra công khai như vậy thì việc cảm hóa, giáo dục người vi phạm liệu có đạt được? Và sẽ phát sinh ra rất nhiều những hệ quả khác còn lớn hơn như: tiêu cực trong tâm lý dẫn tới vi phạm pháp luật về hình sự, hạnh phúc tan vỡ, con cái họ xấu hổ, mặc cảm, mọi người dè bỉu,..”, lời luật sư Thơm.
Luật sư cho rằng, theo qui định hiện hành, người bán dâm cũng chỉ bị xử phạt hành chính mà không bị áp dụng thêm biện pháp đưa vào Trại phục hồi nhân phẩm.
Do đó, nếu áp dụng thêm các biện pháp xử lý người mua dâm thì có phần đi ngược lại xu hướng hiện nay.
Công khai danh tính về địa phương giáo dục, kiểm điểm thì cần phải đánh giá những hệ quả mang lại trong mục đích giáo dục cảm hóa người vi phạm, đảm bảo sự bình đẳng xử lý các hành vi vi phạm hành chính khác theo đúng qui định của pháp luật.
T.Nhung