- Trả lời VietNamNet, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện cả 2 quốc gia trên đều chưa có thông tin xác nhận công dân của họ có nhiễm virus Ebola hay không. Việt Nam sẽ tăng cường kiểm dịch y tế ở các cửa khẩu, tập huấn cho các bệnh viện trong tuần này.

{keywords}

Tăng cường kiểm dịch y tế tại các sân bay (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)

Ngay trong ngày hôm nay (11/8), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài đối với các hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ các quốc gia đang có dịch do virus Ebola.

Hà Nội yêu cầu giám sát động vật nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi

Ngoài việc giao cho Sở Y tế, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các biện pháp và phòng, chống dịch trên động vật, nhất là động vật nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi.

Cần tổ chức theo dõi chặt tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus Ebola trên gia súc, khi phát hiện virus Ebola trên gia súc, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành y tế để triển khai chống dịch lây lan sang người.

Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thú y phối hợp với Cục Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, tổ chức điều tra ngăn chặn và thực hiện thu giữ, xử lý nghiêm việc nhập lậu các loại động vật rừng nhiệt đới vào Thành phố.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giám sát, kiểm tra các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành có tổ chức cho khách du lịch đi, đến từ vùng dịch, thông báo kịp thời các trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng bệnh cho ngành y tế để triển khai các biện pháp xử lý.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội cho biết hiện không có chuyến bay thẳng nào từ khu vực Tây Phi tới Việt Nam, các chuyến bay xuất phát từ khu vực này đều quá cảnh ở các quốc gia khác.

Do đó, trên các chuyến bay không chỉ có hành khách đến từ khu vực Tây Phi đang có dịch Ebola mà còn có hành khách đến từ các quốc gia khác (kể cả người VN).

Việc kiểm soát dịch, vì thế, sẽ gặp không ít khó khăn, phải phối hợp chặt chẽ với phía an ninh sân bay để kiểm tra.

Hiện cũng chưa có số lượng thống kê chính xác số hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay xuất phát từ khu vực đang có dịch Ebola.

Tại buổi làm việc sáng 9/8 của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương vềngăn chặn dịch do virus Ebola, Bộ Y tế cho biết trong ngày hôm nay (11/8), Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào vận hành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh (EOC) làm đầu mối phối hợp quốc tế, kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu – Chánh văn phòng – cho biết Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC) sẽ tiếp nhận, tổng hợp, xác định, phân tích thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tổ chức đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng theo quy định.

EOC sẽ trực thuộc Bộ Y tế, còn tại địa phương sẽ có đội phòng chống dịch cơ động cùng phối hợp. Việt Nam đã ban hành kế hoạch ứng phó với3 kịch bản và hiện vẫn đang ở tình huống 1.

Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các Bộ, ban, ngành và các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch chủ động.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Ebola

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng lây nhiễm virus Ebola cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.

Cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.

Virus có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm. Người cũng có thể mắc Ebola do tiếp xúc với các dụng cụ hoặc đồ vật của  bệnh nhân bị nhiễm như quần áo, chăn, kim tiêm đã sử dụng.

Cẩm Quyên