- PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ĐSQ Việt Nam tại Nigeria cũng như người dân sống tại châu Phi để có những thông tin nóng nhất về tình hình người Việt tại tâm dịch Ebola.

Thảm kịch tâm dịch Ebola qua lời kể người Việt

VietNamNet đã kết nối được với những người Việt Nam đang sinh sống tại Lagos (Nigeria) – nơi đang có dịch bệnh Ebola nguy hiểm.

Lao động tại Liberia đồng loạt về nước

Chiều 15/8, trao đổi với VietNamNet từ Accra (Ghana), chị Nguyễn Kim Thanh hiện đang làm kinh doanh tại đây cho biết, bà con người Việt tại Leberia - 1 trong 4 nước đang có dịch Ebola nghiêm trọng nhất đang rất lo lắng.

Theo chị Thanh, do làm kinh doanh nên chị vẫn thường xuyên kết nối với người Việt Nam ở các nước khác, thêm nữa các ông chủ bên Liberia cũng là chủ bên Ghana nên chị nắm thông tin khá rõ.

"Ở Liberia có 15 người Việt, chủ yếu quê Đà Nẵng. Dịch bệnh tại Liberia đang diễn tiến quá nặng nề", chị Thanh thông tin.

NGHE AUDIO CHỊ THANH KỂ LẠI:

Hiện tại, Việt Nam chưa đặt quan hệ ngoại giao với Liberia nên chưa có Đại sứ quán cũng như sứ quán kiêm nhiệm.

Được biết, do lo sợ diễn biến dịch nên nhiều lao động nước ngoài tại đây đã đặt vé về nước.

{keywords}
Có khoảng 15 người Việt Nam đang làm việc tại Liberia - đây là quốc gia có số người tử vong do Ebola cao thứ 2 tại Tây Phi sau Guinea.

Tính đến ngày 11/8, dịch Ebola tại Liberia đã khiến 670 người mắc, trong đó có 355 ca tử vong.

Đây là quốc gia có số người tử vong do Ebola cao thứ 2 tại Tây Phi sau Guinea.

Chính quyền thờ ơ, y tế đắt đỏ

Trao đổi về tình hình dịch bệnh Ebola tại các nước Tây Phi, ông Hoàng Ngọc Hồ - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam kiêm nhiệm Sierra Leone tại Nigeria cho biết, trong số 10 ca bị nhiễm Ebola tại Lagos (Nigeria), đã có 4 trường hợp tử vong.

6 người còn lại đang được điều trị cách ly đặc biệt. Chính phủ Mỹ cũng đã cử chuyên gia sang giúp đỡ.

Tình trạng tại Nigeria không nghiêm trọng như 3 quốc gia Tây Phi còn lại.

Hiện tại, chưa có trường hợp người Việt nào tại Nigeria bị nhiễm virus Ebola.

"Tại Nigeria, các hoạt động gần như vẫn diễn ra bình thường. Ngay cả Lagos cũng chưa có cơ quan hay trường học nào đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh. Duy chỉ có học sinh đang trong kỳ nghỉ hè thì được tiếp tục cho nghỉ đến khi nào chính quyền đánh giá đủ an toàn thì mới tiếp tục đến trường", ông Hồ cho hay.

{keywords}

Một khu chợ ở thành phố Lagos (Nigeria) vào ngày 14/8

Ông Hồ cho biết thêm, để kiểm soát dịch bệnh, có 2 quốc gia châu Phi đã tiến hành đóng cửa biên giới hoàn toàn.

NGHE AUDIO PHỎNG VẤN ÔNG HOÀNG NGỌC HỒ:

 

Về tình hình người Việt tại Sierra Leone, ông Đặng Quốc Dũng, Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria cho biết, Việt Nam có khoảng 20 người đang làm việc tại thủ đô Freetown.

"Tại những nước kiêm nhiệm và những nước xung quanh, sứ quán đã liên hệ và nắm được tình hình người Việt đều ổn, chưa có ai bị nhiễm Ebola. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc, cố gắng phòng bệnh, tránh lây bệnh", ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, ở Sierra Leone cách đây 2 tuần chính phủ đã giới nghiêm 1 ngày để đi khử trùng, phun thuốc tiệt trùng cho tất cả các hộ gia đình tại Freetown.

Có thể trong 1 vài ngày tới, Sierra Leone sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc gia.

Ông Dũng cho biết, Sierra Leone là một quốc gia khá nghèo, y tế yếu kém. Ở thủ đô Freetown điều kiện có khá hơn nhưng không phải là tốt. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các quốc gia tại châu Phi.

Ở Việt Nam, đối với các bệnh nhân nhiễm cúm A sẽ được điều trị miễn phí, còn tại Nigeria, theo ông Dũng rất khó có khả năng này, trong khi chi phí để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cực kỳ đắt đỏ.

"Đơn cử, đi khám chữa bệnh ở bệnh viện tư nhân, chẳng hạn 1 phòng khám nước ngoài, ghi danh thôi đã mất 50 USD. Chữa cảm cúm, nhức đầu thì chi phí trung bình khoảng 300 USD. Đây là chi phí điều trị ngoại trú chưa tính nội trú", ông Dũng dẫn chứng.

Cũng theo ông Dũng, tại Nigeria mật độ bệnh viện, phòng khám chữa bệnh rất thưa thớt, ngay cả thủ đô cũng rất thiếu.

"Những mô hình như trạm y tế, trạm xá như của mình rất nghèo nàn, lạc hậu. Những nơi vùng sâu, vùng xa họ tự khám ở nhà là chính, ngoài ra họ có thầy mo làng. Đó là lý do vì sao khi có dịch ở đây chết rất nhiều và tuổi thọ rất thấp", ông Dũng cho biết.

Điều lạ lùng, dù nằm ngay tâm dịch Ebola nhưng chính quyền Nigeria vẫn khá thờ ơ. Theo ông Dũng, hầu như trên các con đường không hề có biển thông báo hay cảnh báo gì. Họ trông chờ vào các tổ chức nước ngoài và tổ chức nhân đạo.

"Các đài địa phương tại đây có đưa tin nhưng ít, chủ yếu đưa tin về cuộc bầu cử trong năm tới", ông Dũng thông tin.

NGHE AUDIO ÔNG DŨNG KỂ LẠI:

Sân bay ở Ghana được thắt chặt

Trong khi đó, tại Cộng hòa Ghana, chị Nguyễn Kim Thanh  cho biết khoảng 70 bà con người Việt sinh sống và làm việc tại đây vẫn ổn.

Tình hình tại Ghana vẫn rất thanh bình do chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola.

Chị Thanh đánh giá, so với 4 quốc gia Tây Phi ở tâm dịch Ebola như Nigeria, Sierra Leone, Guinea và Lebira, người dân tại Ghana được tiếp nhận khá đầy đủ các thông tin về dịch bệnh nên người dân không hề hoảng sợ.

"Chính quyền thường xuyên cung cấp thông tin trên nhiều phương tiện để người dân biết về dịch bệnh, đưa ra những cách phòng tránh và kêu gọi người dân có ý thức tự bảo vệ", chị Thanh cho biết.

Hiện các sân bay ở Ghana đã được thắt chặt. Chính quyền thành lập các chốt kiểm tra, đo thân nhiệt hành khách, khi phát hiện người nào bị sốt sẽ cho cách ly ngay.

Cũng theo chị Thanh, do kinh tế phát triển hơn các quốc gia Tây Phi nên người dân tại Ghana dễ dàng tiếp cận được với hệ thống y tế.

Người dân có thể dễ dàng mua găng tay, khẩu trang y tế, thuốc sát khuẩn... trên khắp các con phố, trong chợ hay siêu thị.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin người Việt Nam tại châu Phi đối phó với dịch Ebola.

{keywords}
Click vào hình để xem ảnh to

Thúy Hạnh