“Với những trường hợp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn hạn một tháng khi đăng ký khám chữa bệnh phải nộp 100 ngàn đồng coi như tiền thế chân. Tôi thấy quy định này rất bất hợp lý, gây thêm khó khăn, phiền hà cho người bệnh” - Đó là phản ánh của chị Lê Thị Thúy, 42 tuổi, tới khám bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM.


Tưởng đơn giản nhưng lại phiền hà

Sáng 19/8, Đoàn kiểm tra của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế do Phó cục trưởng Cao Hưng Thái làm trưởng đoàn đã đi thực tế, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh cũng như khảo sát thái độ của bệnh nhân ở Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương và Bệnh viện Quận 2 tại TP.HCM.

Tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, bệnh nhân Lê Thị Thúy, 42 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình phản ánh: “Tôi vô cùng khó chịu khi hạn thẻ BHYT vẫn còn tới 1 tháng mà bị bắt đóng tiền thế chân 100 ngàn đồng. Sao lại có quy định phiền hà như thế, rõ ràng thẻ của tôi còn thời hạn sử dụng cơ mà?”.

Không chỉ chị Thúy mà nhiều bệnh nhân cũng không đồng tình về chuyện phải đóng tiền thế chân cho thẻ BHYT, thậm chí còn dẫn phóng viên ra tận nơi dán giấy thông báo về quy định này tại quầy thu lệ phí.

{keywords}
Thông báo thu 100 ngàn đồng với các thẻ BHYT còn hạn một tháng làm bệnh nhân bức xúc - Ảnh: Thanh Huyền.

Những chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gây phức tạp, khó chịu cho bệnh nhân.

Anh Nguyễn Văn Định, đang chờ khám nội tiết kể: “Tôi không hiểu bệnh viện bắt phải mua sổ khám bệnh để làm gì. Mỗi lần vào khám bệnh, bác sĩ có dùng đến quyển sổ này đâu, kết quả chẩn đoán và toa thuốc được in ra một tờ giấy. Sau đó, nhân viên y tế lại cầm tờ giấy đó đính vào quyển sổ khám bệnh. Làm thế chi cho rắc rối vậy?”.

Bệnh nhân khổ vì…ký nhiều quá

Ngay chính bản thân bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại một số rắc rối về thủ tục hành chính khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu.

Đó chính là đối với giấy nghỉ bảo hiểm xã hội. Lúc trước chỉ cần chữ ký của bác sĩ thôi, bắt đầu từ 1/1/2014 thì phải có 2 chữ ký, một của bác sĩ, một của lãnh đạo bệnh viện, rồi đóng dấu.

Bệnh nhân phải tới xin chữ ký của bác sĩ rồi nhân viên y tế chuyển tờ giấy đó lên chờ ban giám đốc ký, đóng dấu.

Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán BHYT quá rườm rà, bệnh nhân phải ký quá nhiều chữ ký tại quầy thu phí, gây ách tắc. Theo quy định của bảo hiểm xã hội, bệnh nhân phải tự ký, trừ các trường hợp bị tàn tật mới ủy quyền cho người khác ký thay.

Giải thích về tình trạng bệnh nhân có thẻ BHYT còn thời hạn 1 tháng phải đóng 100 ngàn, phía Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương giải thích để đề phòng những trường hợp bỏ luôn thẻ, không tiếp tục mua thẻ BHYT mới sẽ làm bệnh viện thất thu.

Mặc dù Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện chỉ cần photo những giấy tờ thật sự cần thiết để giảm thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, những bệnh nhân từ các tỉnh thành lân cận, hoặc bệnh nhân nội trú vẫn phải nộp giấy photo thẻ BHYT.

Trước những thực trạng nêu trên Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái nhắc nhở: “Nếu phải photo giấy tờ mà bệnh viện chỉ bố trí một máy photocopy là quá ít. Chẳng may máy bị hỏng bệnh nhân phải tự ra ngoài tìm máy photo thì rất khổ”.

Được biết, mỗi ngày Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương khám cho khoảng 1.600 bệnh nhân.

Tại Bệnh viện quận 2, trong quá trình ghi nhận, có một trường hợp to tiếng, bức xúc vì chuyện bảng số điện tử nhảy số không theo lượt.

{keywords}
Một bệnh nhân khó chịu về số khám bệnh trên bảng điện tử không nhảy theo trình tự. Ảnh: Thanh Huyền.

Bệnh nhân này chia sẻ: “Tôi số 61. Thấy trên bảng hiện số 11, sau số 11 lại nhảy thành 54, sau đó lại tới lượt số 12. Tại sao lại có chuyện nhảy số thứ tự như thế, có chuyện ưu tiên hay chen ngang gì không? Vậy thì tôi bao giờ mới tới lượt?”.

Tuy nhiên, đó chỉ là một số sự cố liên quan đến kỹ thuật. Còn sau quá trình kiểm tra tại hai bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, phái đoàn Bộ Y tế đánh giá rất cao về cách tổ chức, bố trí tại Bệnh viện Quận 2.

{keywords}
Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái khảo sát ý kiến bệnh nhân. Ảnh: Thanh Huyền.

“Tại khoa Cấp cứu của bệnh viện mỗi giường bệnh đều có rèm che ngăn cách để tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân. Nhất là trong những trường hợp bệnh nhân cần thăm khám, hay đi vệ sinh, thay rửa tại chỗ. Là một bệnh viện quận mà làm được điều này rất đáng hoan nghênh, tưởng đơn giản nhưng các bệnh viện lớn chưa chắc đã có…”, ông Cao Hưng Thái khuyến khích.

Hay tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cũng có những cải thiện rất tích cực, cho thấy sự quan tâm tới bệnh nhân. Bệnh nhân trong lúc ngồi chờ đợi có thể truy cập mạng internet miễn phí bằng điện thoại để giải trí, kiểm tra công việc từ xa…

Nhìn chung thời gian chờ đợi khám bệnh của các bệnh viện đều giảm so với trước, số giường bệnh cũng tăng thêm nhằm khắc phục tình trạng nằm ghép.

Thanh Huyền