Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc trên đường đèo, dốc xảy ra khiến dư luận không khỏi giật mình. Câu hỏi làm thế nào để an toàn khi đi qua những cung đường này đang được nhiều người cầm vô lăng quan tâm...

Từ tai nạn thảm khốc Lào Cai, kỹ thuật sinh tử lái xe xuống đèo, dốc

'Mất phanh' được cho là nguyên nhân bước đầu gây ra vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra tại Lào Cai. Tuy nhiên các tay lái già lại cho rằng điều quan trọng là do tài xế thiếu kinh nghiệm điều khiển xe...

Xác định nguyên nhân tai nạn thảm khốc ở Lào Cai

 Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa chỉ đạo thu hồi có thời hạn Giấy phép kinh doanh vận tải của Doanh nghiệp chính và doanh nghiệp chi nhánh của Công ty Sao Việt tại Hà Nội để phục vụ điều tra.

Vụ tai nạn mới nhất xảy ra vào tối 1/9 tại đoạn Tòng Sành - Dốc ba tầng trên quốc lộ 4D thuộc địa phận xã Tòng Sành (Bát Xát, Lào Cai).

Chiếc xe khách Sao Việt chở 53 khách từ Sa Pa về TP.Lào Cai đã lao xuống vực sâu khoảng 200m sau khi va chạm với một xe Kia Moring 4 chỗ chạy ngược chiều.

Vụ tai nạn khiến 12 người chết, 41 người bị thương.

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định do xe khách bị mất phanh, tài xế mất bình tĩnh, không làm chủ được tay lái nên lao xuống vực.

{keywords}
Đường đèo gấp khúc trên đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng. Ảnh: Phuot.vn

Tài xế Nguyễn Hữu Thọ (SN 1972, Thanh Ba, Phú Thọ), người lái chiếc xe khách Sao Việt đã từng có thâm niên 11 năm lái xe, trong đó cung đường Lào Cai cũng đã chạy hơn 1 năm.

Đáng nói, đây không phải là vụ tai nạn duy nhất xảy ra trên đường đèo. Chỉ tính từ giữa năm 2013 đến nay đã có ít nhất 4 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường đèo dốc.

Trong đó vụ tai nạn trên đèo Khánh Lê (Sơn Thái, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vào tháng 6/2013 làm 7 người chết, 23 người bị thương; Vụ xe khách lao xuống vực tại xã Yên Sơn (Bảo Yên, Lào Cai) vào tháng 10/2013 khiến 7 người chết, 29 người bị thương...

Để an toàn và hạn chế tai nạn trên đường đèo dốc, nhiều tài xế chia sẻ kinh nghiệm lên dốc số nào thì xuống dốc bằng số đó.

Nhưng cũng có tài xế già bằng kinh nghiệm thực tế của mình chỉ ra rằng, rất ít con dốc,đèo có dộ dốc khi lên và xuống giống nhau nên không thể máy móc áp dụng 'lên số nào, xuống số nấy'. 

Có ý kiến lại cho rằng nên hạn chế dùng phanh tối đa. Vì với các xe chở nặng, việc mỗi lần cua lại rà phanh sẽ khiến tăm-bua bị nóng, trơ lì má phanh, thậm chí sôi dầu phanh khiến cả hệ thống phanh vô tác dụng.

Do vậy, để lái an toàn tại những khúc cua, tài xế nên về số thấp, giảm dùng phanh tối đa.

Tuy nhiên thực tế phần lớn xe ô tô hiện nay sử dụng số tự động. Nhiều người quan niệm, đã là xe số tự động thì khi leo đèo không cần dùng số bán tự động mà để hộp số tự chọn số.

Xung quanh những chia sẻ này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi.

Để cung cấp những thông tin hữu ích giúp các tài xế lái xe an toàn trên những cung đường khó, VietNamNet mở diễn đàn "Lái xe an toàn trên đường đèo, dốc".

Mọi câu chuyện, ý kiến, bài viết chia sẻ xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.

VietNamNet