Từ đầu năm tới nay, TPHCM xảy ra 4 vụ nổ liên quan đến hoá chất, làm 7 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại tài sản 34 tỷ đồng. Chưa kể tới vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng mới xảy ra tại Q12...

Nổ hoá chất là… thảm hoạ

Sáng 22/10, UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp khẩn liên quan đến tình hình mua bán, sử dụng hoá chất gây cháy nổ, gây tâm lý bất an trong nhân dân, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

{keywords}
Vụ nổ với thiệt hại khủng khiếp ở Q.12 đang còn trong giai đoạn điều tra

Cuộc họp diễn ra khi vụ nổ tại chi nhánh công ty Đặng Huỳnh (Q.12) vẫn đang trong vòng điều tra và khắc phục hậu quả.

Ông Nguyễn Toàn Thắng,– Chủ tịch UBND Q.12, thông tin thêm, đến chiều 22/10 cơ quan điều tra CA.TPHCM cùng Sở TN&MT đã kết thúc công tác khám nghiệm tại hiện trường, xử lý xong việc làm sạch môi trường tại khu vực xảy ra vụ nổ.

Đến hết ngày 24/10, trung tâm giám định sẽ hoàn tất công tác giám định xong 86/150 căn nhà bị ảnh hưởng từ vụ nổ, làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ cũng như tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Ông Thắng kiến nghị, hiện tài khoản của giám đốc công ty Đặng Huỳnh, tức Huỳnh Văn Hải bị cơ quan công an phong toả để đảm bảo quá trình tố tụng, nhưng trước mắt có thể trích ra một phần tiền để các hộ gia đình trên sữa chữa nhà cửa….

Đại tá Trần Thanh Châu,– Phó GĐ Sở CSPCCC TP.HCM thông tin, đầu năm 2014 đến nay, địa bàn TP.HCM xảy ra 4 vụ nổ liên quan đến hoá chất, làm 7 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại tài sản lên đến 34 tỷ đồng. Vụ nổ ở Q.12 mới đây chưa kể đến vì đến nay vẫn chưa có thống kê chi tiết về tổng thiệt hại.

{keywords}
Vụ nổ ở chi nhánh công ty Đặng Huỳnh được xác định là do mua hoá chất về sản xuất phân bón

Nguyên nhân các vụ nổ hoá chất, theo ông Châu, do các cơ sở cố tình vi phạm trong quá việc vận chuyển, tàng trữ, chế biến hoá chất. Khi xảy ra nổ thì hậu quả thiệt hại về người và nhân mạng cực lớn, đó là chưa kể đến tác động nghiêm trọng đến môi trường rất khó đánh giá được.

“Hoá chất có nhiều tiền chất dùng để tạo chất nổ, có thể bị lợi dụng trong các hoạt động tội phạm, khủng bố…do vậy tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường”, đại tá Châu khẳng định.

Mua hoá chất dễ hơn mua rau…

Đại diện Sở CSPCCC thông tin thêm, đơn vị này có rà soát, nắm gần 500 công ty, cơ sở kinh doanh hoá chất, trong đó có 139 cơ sở nằm trong khu dân cư. Thực tế các hoá chất được các cơ sở tàng trữ, vận chuyển, mua bán…không thuộc danh mục cấm.

Chủ cơ sở, công nhân không được trang bị kiến thức về hoá chất, cháy nổ; các cơ sở khi xây dựng cũng không có khả năng xử lý được khi xảy ra sự cố.

{keywords}
Mua hoá chất ở chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) dễ như mua rau.

Tại chợ hoá chất Kim Biên (Q.5) lớn nhất TPHCM, có thể tìm mua bất kỳ loại hoá chất nào, bất kể khối lượng bao nhiêu cũng có. Có 17 cửa hàng bên trong chợ và 51 cửa hàng xung quanh buôn bán hoá chất có giấy phép, nhưng thiết kế diện tích nhỏ, sát nhau, không lối thoát hiểm, chứa hoá chất ngổn ngang…Khi kiểm tra thì phát hiện nhiều loại hoá chất không có nhãn mác, được nhập lậu.

Thiếu tướng Phan Anh Minh,– Phó GĐ CA.TPHCM nói, “chính quyền TP.HCM từng có ý tưởng di đời chợ Kim Biên nhưng xem ra là rất khó”.

Về quản lý Nhà nước liên quan đến hoá chất, ông Minh cho rằng, luật có quy định cụ thể nhưng phân công quản lý chồng chéo, nhiều bất cập, lộ nhiều sơ hở, lỏng lẻo….

Ông Minh viện dẫn hàng loạt quy định rối rắm như: hoá chất sản xuất nông nghiệp thì trách nhiệm của Bộ và sở nông nghiệp; hoá chất xếp vào nhóm có tiền chất ma tuý, dùng sản xuất tân dược thì Bộ Y tế; dùng cho nghiên cứu thì Bộ Công an; phục vụ sản xuất công nghiệp thì Bộ Công thương; trong công nghiệp quốc phòng thì Bộ Quốc phòng quản lý…

Riêng hóa chất thuộc lĩnh vực môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, có quy định trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế nhưng cũng có quy định lại “đᔠcho Bộ Nông nghiệp...…

{keywords}
Thiếu tướng Phan Anh Minh: “lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan đến hoá chất đang rất phức tạp, bất cập, chồng chéo…”.

Ông Minh phân tích, với doanh nghiệp kinh doanh hoá chất, phía công an chỉ có cảnh sát môi trường kiểm tra nhưng phải có văn bản. Trong 2 năm qua, ông Minh ký lệnh kiểm tra đối với 74 cơ sở, sau đó lập hồ sơ, kiến nghị UBND xử phạt hành chính với 63 trường hợp.

“Cảnh sát khu vực không đủ chuyên môn, nếu kiểm tra chắc chắn sẽ có đơn khiếu nại của doanh nghiệp về nhũng nhiễu…”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng cảnh sát khu vực phải chịu trách nhiệm, vì thấy có dấu hiệu thì phải báo cáo ngay, chứ không thể là ngành này “đổ” cho ngành khác.

“Ông Minh cũng nhấn mạnh lại rằng, công an không đùn đẩy, nhưng cần phải nhắc lại, lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hoá chất đang rất phức tạp, bất cập, chồng chéo.

Tại đây, ông Lê Hoàng Quân đã yêu cầu chính quyền 24 quận, huyện trên địa bàn cần nghiêm túc xem xét công tác quản lý địa bàn. Các sở ban ngành có liên quan cũng cần làm ngay việc nâng cao năng lực, siết chặt quản lý, có phương án di dời, giải tỏa các công ty, doanh nghiệp liên quan đến hoá chất ra khỏi địa bàn khu dân cư.

Đàm Đệ