- Khi các bác sĩ tới nơi và tổ chức cấp cứu tới 5h30 (ngày 21/10) thì cháu Nhung trút hơi thở cuối cùng; thế nhưng khi  bệnh viện báo lên Sở Y tế Hà Nội lại ở vào thời điểm khác: 7h00 ngày 21/10...

Sở Y tế báo cáo khẩn vụ bé gái tử vong ở Quốc Oai

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.Hà Nội về trường hợp người bệnh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai.

Gia đình kể bác sĩ chẩn đoán bệnh

Sáng 22/10, một ngày sau khi bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung tử vong bất thường tại bệnh viện Quốc Oai, gia đình anh Nguyễn Xuân Tình (39 tuổi, bố Nhung) đã hoàn tất thủ tục an táng tại địa phương.

{keywords}
Nhiều người đến nhà cháu Nhung chia buồn với gia đình.

Trong ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong thôn 10, xã Thạch Thán (Quốc Oai, Hà Nội), nhiều người thân hai bên nội ngoại ngồi quây quần ở gian giữa trước bàn thờ cháu gái không khỏi xót thương…

Trước nỗi đau mất đi con gái, anh Tình cố gắng kìm lại nước mắt, thuật lại sự việc.

Theo anh Tình, vào sáng 19/10, cháu Nhung có biểu hiện đau bụng và được đưa vào bệnh viện huyện Quốc Oai. Tại đây, Nhung được siêu âm và chẩn đoán bị đau ruột thừa. Tới chiều, các bác sĩ siêu âm lại và thông báo Nhung không bị đau ruột thừa mà bị rối loạn tiêu hóa nhưng chưa tiến hành điều trị.

Đến sáng 20/10, Nhung tiếp tục được nội soi và các bác sĩ vẫn khẳng định Nhung bị rối loạn tiêu hóa. Tới 11h cùng ngày, Nhung được truyền 3 chai nước (2 chai lớn, 1 chai nhỏ).

Sau khi truyền nước, Nhung có biểu hiện nôn ra dịch màu vàng. Khi được hỏi thì gia đình được y tá cho hay đó là “dịch trào ngược”.

18h, chai nước thứ 3 được y tá lấy ven truyền cho Nhung nhưng nước không chảy và cháu Nhung tiếp tục nôn ra nhiều dịch vàng.

Thấy biểu hiện lạ, anh Tình lên phòng trực ban gặp điều dưỡng Trung và một nữ y tá thì nhận được câu trả lời “dịch trào ngược không việc gì”.

Gần 1 tiếng sau không có ai lên theo dõi bệnh tình của con gái, anh Tình lại lên phòng trực một lần nữa. Lúc này, nữ y tá mới lên giường bệnh rút mũi truyền nước.

21h cùng ngày, điều dưỡng Trung bất ngờ chuyển Nhung xuống phòng tầng 1 tại khoa cấp cứu. Sau 5 lần lấy ven không được, điều dưỡng này nhờ một y tá khác ở khoa Nhi sang lấy ven. Lúc này Nhung bắt đầu thiếp ngủ và mê sảng - anh Tình kể.

Thời gian tử vong không khớp nhau

Đến 3h30 ngày 21/10, Nhung có biểu hiện khó chịu, người co lại và nôn liên tục.

Thấy cháu nhà tôi có biểu hiện bất thường tôi vội gọi điện cho vợ và anh em trong gia đình đến hỗ trợ. Đến lúc này, điều dưỡng Trung mới gọi điện thoại thông báo tới các bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện. Khi các bác sĩ tới nơi và cấp cứu tới 5h30 thì cháu Nhung chút hơi thở cuối cùng” - anh Tình nhớ lại.

{keywords}
Báo cáo khác nhau.

Cũng theo anh Tình, khi cháu Nhung tử vong anh được giám đốc bệnh viện mời vào phòng và thông báo con gái anh bị viêm màng não. Quá bất ngờ vì trước đó, các bác sĩ chẩn đoán 2 lần đều khẳng định cháu Nhung bị rối loạn tiêu hóa.

Sáng 22/10, nhiều người thân của cháu Nhung rất bức xúc trước báo cáo của lãnh đạo bệnh viện lên Sở Y tế Hà Nội về thời gian tử vong của cháu Nhung không khớp nhau.

Theo một người thân của nạn nhân, không hiểu sao trong bản tường trình, điều dưỡng Trung và giám đốc bệnh viện Đỗ Văn Vy xác nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung (10 tuổi) tử vong lúc 5h30 ngày 21/10.

Thế nhưng, trong bản báo cáo sự việc lên Sở Y tế cuối ngày 21/10 thì thời điểm xảy ra sự việc trên lại được thông báo lúc 7h00 ngày 21/10 khác với 5h30 như bản tường trình trước đó.

Cũng theo bản báo cáo lên Sở, ca trực tối ngày 21/10 gồm bác sĩ Vũ Danh Tấn - Phó GĐ, bác sĩ Đặng Thu Hương, bác sĩ thường trú gây mê hồi sức Đỗ Duy Dương, điều dưỡng Nguyễn Phú Trung và điều dưỡng Bùi Thị Thúy.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung nguy kịch, gia đình cầu cứu thì kíp trực không có một bác sĩ nào mà chỉ có điều dưỡng Nguyễn Phú Trung và Bùi Thị Thúy.

Danh sách các bác sĩ tiến hành hội chẩn cấp cứu sau khi nạn nhân nguy kịch chỉ có hai BS Hoàng Thị Minh Lý và Nguyễn Trọng Vinh mà không có tên các bác sĩ trong kíp trực”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc này.

Nhị Tiến