- Ca nghi nghiễm Ebola ở Đà Nẵng đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhưng câu hỏi cả cơ quan chức năng lẫn người dân đặt ra là tại sao bệnh nhân C. từ tâm dịch Ebola trở về Việt Nam đã 5 ngày và bị sốt như vậy vẫn lọt qua hệ thống kiểm tra của 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng?
Suốt 2 ngày qua, nhiều người dân đã “nín thở” theo dõi thông tin cảnh báo về dịch Ebola khi bệnh nhân tên C. từ tâm dịch Ebola trở về đến Đà Nẵng bị sốt cao phải nhập viện.
Chị Hoa (Quảng Nam), người có 2 con trai đang làm việc cho một dự án nước ngoài tại Đà Nẵng đã đứng ngồi không yên kể từ khi biết thông tin về một bệnh nhân sốt cao sau khi từ tâm dịch Ebola ở Guinea trở về Đà Nẵng.
“Nếu bệnh nhân C. nhiễm Ebola, tui sẽ xin nghỉ phép năm để đưa 2 đứa con trai “di tản” về quê nội ở Quảng Nam. Cả ngày hôm qua tui nín thở theo dõi thông tin kết quả xét nghiệm Ebola lần 2 với bệnh nhân C. Ơn trời, điều đó không xảy ra nên đêm qua tui mới có được giấc ngủ ngon" - chị Hoa kể.
Cuộc họp khẩn của ngành y tế để đối phó, không chủ quan lơ là. |
Không chỉ người dân, cơ quan chức năng cũng lo 'sốt vó' trước thông tin này. Ngay khi có thông tin, các ngành chức năng Đà Nẵng đã quyết liệt vào cuộc.
Bác sĩ, GĐ Sở Y tế Đà Nẵng Phạm Hùng Chiến đã khẳng định tại cuộc họp khẩn đầu tiên vào 14 giờ ngày 1/11 khi tiếp nhận bệnh nhân C. rằng: "Hãy xem đây là ca nhiễm Ebola thật sự! Không chủ quan lơ là mất cảnh giác. Nhiệm vụ chúng ta là bằng mọi giá không để Ebola nếu có lây ra cộng đồng!"
Theo người đứng đầu ngành y tế Đà Nẵng, bắt đầu 10 giờ 30 ngày 1/11, bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ trong tình trạng sốt cao. Đến 11 giờ 30, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện ĐK Đà Nẵng.
Còn PGĐ Sở Y tế Đà Nẵng, BS Ngô Thị Kim Yến, người được phân công là “tổng chỉ huy” chiến trường ngăn chặn dịch Ebola cho biết, ngành y tế Đà Nẵng đã chuẩn bị thực hiện diễn tập, ứng phó với tình huống xuất hiện ca nghi nhiễm Ebola trên địa bàn TP.
"Chúng tôi chưa kịp triển khai diễn tập thì xuất hiện tình huống một người từ Guinea (vùng dịch) trở về Việt Nam, đến Đà Nẵng và phát sốt, khiến cả ngành y tế được đặt trong tình trạng không cần “diễn” mà triển khai ngay phương án ứng phó nhanh nhất" - BS Yến nói.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến kể lại, thời điểm đưa bệnh nhân về Bệnh viện ĐK Đà Nẵng điều trị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và chờ kết quả là khoảng thời gian cả ban giám đốc Sở Y tế dường như... nghẹt thở.
“Mẫu xét nghiệm đầu tiên được thực hiện tại Đà Nẵng cho kết quả bệnh nhân dương tính với sốt rét. Đồng hồ lúc đó chỉ 21 giờ 30 ngày 1/11. Lúc đó tui chỉ kịp thông báo nhanh kết quả cho lãnh đạo và cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhờ kết quả bệnh nhân C. dương tính với sốt rét đã có đủ cơ sở để loại trừ bị nhiễm Ebola. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục chờ kết quả từ Viện vệ sinh dịch tễ TW mới đủ cơ sở kết luận” - BS Yến nhớ lại.
Cuối cùng, đến 14 giờ 30 phút chiều 2/11, Viện Vệ sinh dịch tễ TW thông báo, bệnh nhân C. âm tính với virut Ebola. Lúc đó, cả ngành y tế và chính quyền Đà Nẵng mới thở phào nhẹ nhõm.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bảo rằng, đây là “cuộc diễn tập” với tính huống thật đã khẳng định ngành Y tế Đà Nẵng ứng phó một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, theo chủ trương kiên quyết bằng mọi giá không để dịch bùng phát và lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng như ngành y tế, qua cuộc “diễn tập” thật này, nhận thấy việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, nhất là với những người từ vùng tâm dịch Ebola chưa được nghiêm và có nguy cơ bỏ lọt.
Bởi, theo qui định, đối với những người từ tâm dịch Ebola phải được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu, trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Và câu hỏi cả cơ quan chức năng lẫn người dân lo lắng là tại sao bệnh nhân C. từ tâm dịch Ebola trở về Việt Nam đã 5 ngày và đã bị sốt cao vẫn lọt qua hệ thống kiểm tra của 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng?
Bệnh nhân nghi nhiễm Ebola 'lọt' qua các sân bay thế nào? Sau khi có kết luận cuối cùng về tình trạng bệnh không liên quan đến virut Ebola, anh C được xác định chỉ bị sốt rét và đang được điều trị ở Khoa truyền nhiễm BV Đa khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các bác sĩ, anh C vẫn sẽ phải nằm ở đây đúng 21 ngày để tiếp tục theo dõi. Cho đến sáng nay, tình trạng sức khỏe của anh C đã có nhiều tiến triển. Anh C cho biết, đã hoàn toàn khỏe mạnh và ăn hết được một suất cơm. Theo anh C, đã sang châu Phi lao động được 2 năm, tại nước Guinea. Gần đây, do tình hình công việc khó khăn cùng với dịch Ebola, sốt rét bùng phát nên anh quyết định trở về. Thông tin trên báo Tiền phong, anh C cho biết hành trình về Việt Nam, từ Guinea anh đi máy bay qua Marốc, nhưng bị trễ chuyến ở đây 3 ngày 2 đêm trong tình trạng bị sốt, rất mệt mỏi. “Khi nhập cảnh ở Marốc, họ kiểm tra thân nhiệt rất kỹ. Lúc đó tôi cũng hoàn toàn khỏe mạnh, không vấn đề gì. Tuy nhiên, khi ở sân bay Casablanca, tôi mệt mỏi lắm, nhưng tôi cũng chủ động mua thuốc uống” - anh C kể. Sau thời gian trễ chuyến, anh C lại đáp máy bay từ Casablanca sang quá cảnh ở sân bay quốc tế Doha (Qatar) để về Tân Sơn Nhất. Khi quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, theo như lời kể của anh C là anh không bị sốt nên máy soi chiếu thân nhiệt từ xa cũng không phát hiện được gì. Anh C cũng cho biết, có làm tờ khai y tế và ở sân bay Tân Sơn Nhất biết anh trở về từ vùng dịch. Ở TP.HCM thêm 3 ngày, đến ngày thứ 4 anh C bay ra Đà Nẵng và có biểu hiện sốt cao rất mệt mỏi nên anh đã đến BV Hoàn Mỹ khám bệnh. Từ đây, các bác sĩ ở khoa cấp cứu BV Hoàn Mỹ mới phát hiện ra, bệnh nhân sốt bất thường trở về từ vùng dịch Ebola. “Chúng tôi đi qua sân bay nào cũng bị kiểm tra y tế, đo thân nhiệt hết. Họ kiểm tra kỹ lắm. Nếu tôi bị sốt bên đó thì chắc không về tới Việt Nam. Khi đi từ Marốc qua Qatar tôi không bị sốt, chỉ khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu có triệu chứng sốt. Và khi về tới sân bay Đà Nẵng thì cơn sốt mới nặng thêm…”, anh C. cho biết trên VTCnews. Trước câu hỏi, tại sao biết mình trở về từ châu Phi, khi bị sốt ngay từ ở Marốc mà không khai báo với cơ quan chức năng, anh C tự tin cho biết, chắc chắn mình không bị Ebola. “Ở bên đó tôi tìm hiểu kỹ lắm, các triệu chứng của tôi không phải Ebola” - anh C khẳng định trên Tiền phong. Đ.B (tổng hợp) |
Vũ Trung