- Liên quan đến vụ bà Thạch Kim P.(SN 1946, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đột tử không để lại di chúc với khối tài sản trị giá ngàn tỉ đồng, em trai bà đã khởi kiện cháu nuôi ra tòa, không đồng ý việc cô gái khai nhận di sản thừa kế đối với căn nhà lúc sinh thời chị ông cư ngụ.

Kiện cháu nuôi đòi nhà

Theo đơn khởi kiện, ông T.V.P. (SN 1958, em trai bà P.) cho biết cha mẹ ông có 8 người con. Năm 1973, cha mẹ ông mua lại một thửa ruộng với diện tích 3.000 m2 để cất nhà ở và làm cơ sở sản xuất bún. Căn nhà và mảnh đất này nay mang số 110/1 Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, diện tích là 2.798m2.

Năm 1987, do cha ông đã mất còn mẹ già yếu, thấy bà Thạch Kim P. là chị gái sống độc thân, một số anh em đang ở nước ngoài nên những anh chị em còn lại thống nhất ủy quyền cho bà P. quản lý, sử dụng toàn bộ nhà đất trên. Sau khi mẹ mất, các anh chị em trong gia đình vẫn chưa phân chia di sản thừa kế mà tiếp tục để cho bà P. quản lý, sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với căn nhà trên vào năm 2004.

{keywords}
Một trong số nhà xưởng bà P. để lại.

Ngày 10/3/2011, bà T.K.P. đột tử không để lại di chúc. Ngày 7/8/2012, Phòng công chứng số 1 TP.HCM có văn bản thông báo về việc con gái nuôi của bà P. là T.H.H.L.(SN 1987) khai nhận di sản thừa kế khối di sản do bà P. để lại, trong đó có căn nhà trên. Phía nguyên đơn không đồng ý, đề nghị tòa không công nhận việc khai nhận di sản thừa kế trên của bị đơn, buộc bị đơn trả lại căn nhà và lô đất trên cho ông và các chị em trong gia đình.

Đình chỉ vì hết thời hiệu

Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, ngày 25/8/2014, TAND TP.HCM có công văn yêu cầu phía nguyên đơn trong thời hạn 30 ngày cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến vụ kiện. Ngày 27/10/2014, TAND TP.HCM ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Quyết định trên cho biết tại biên bản làm việc ngày 12/8/2014, phía bị đơn trình bày căn nhà và lô đất trên 2.700m2 trên là tài sản do mẹ nuôi cô là bà P. đứng tên nên cô không chấp nhận việc nguyên đơn cho rằng đây là tài sản thừa kế do ông bà ngoại nuôi để lại.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế là 10 năm, đến năm 2012, ông T.V.P. mới làm đơn khởi kiện nên thời hiệu khởi kiện đã hết, tòa không thể thụ lý vụ việc.

Mặt khác, nếu coi tranh chấp trên của ông T.V.P. là tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì đây là tranh chấp phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Tại biên bản làm việc, hai bên đều xác nhận chưa tiến hành hòa giải nên từ đó, tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Trước đó, việc bà P. đột tử không để lại di chúc từng gây xôn xao dư luận. lúc sinh thời, bà làm nghề bán bún gạo. Bà không lập gia đình, có một cô con nuôi duy nhất là T.H.H.L.(SN 1987). Sau khi bà mất, các anh chị em và con nuôi là T.H.H.L. bất ngờ phát hiện bà để lại rất nhiều tài sản. Từ đó, các bên phát sinh tranh chấp.

Nhằm bảo toàn khối tài sản của bà để lại, các anh chị em của bà P. cùng bà L. đã mời văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đến kiểm kê, lập vi bằng ghi nhận lại khối tài sản trên. Đây là có thể coi là một quá trình kiểm kê, lập vi bằng với khối tài sản để lại và thời gian làm việc kỷ lục từ trước đến nay. Văn phòng Thừa phát lại đã phải huy động từ 5-6 người làm việc ròng rã cả tuần lễ mới xong.

Tổng số tài sản kiểm đếm được khiến ai nghe đến cũng phải giật mình. Ngoài 100 lượng vàng, nhiều kim cương, bà P. còn để lại 5 sổ tiết kiệm có tổng số dư gần 1,8 triệu USD, 2 chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn có giá trị lần lượt 49.794 USD và 11,6 tỉ đồng, 12 thẻ tiết kiệm lãi suất thả nổi gồm gần 4,5 tỉ đồng và hơn 380.000 USD...cùng hàng loạt giấy chứng nhận quyền sở hữu các lô đất, nhà xưởng...

Do bà P. không để lại di chúc nên việc phân chia di sản sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong khi H.L. là con nuôi hợp pháp duy nhất nên theo quy định của pháp luật cô là người được hưởng khối di sản khổng lồ trên. Từ đó, giữa anh em của bà P. và cô L. phát sinh tranh chấp đến nay vẫn chưa có hồi kết.

M.Phượng