- Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, cùng với sự phản ánh liên tục của các cơ quan báo chí và việc vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng Hà Tĩnh, tình trạng xe quá tải, xe cơi nới thành thùng ở huyện Kỳ Anh - nơi được xem là "lãnh địa" xe quá tải đã có chiều hướng giảm.

Bộ trưởng đích thân bắt xe quá tải tại công trường

Chiều ngày 14/6, trong quá trình thị sát hiện trường dự án cải tạo nâng cấp QL1A qua Hà Tĩnh, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát hiện một số xe tải chở vật liệu phục vụ thi công của nhà thầu Hoàng Hiệp có biểu hiện chở quá tải.

Mạnh tay "trấn áp" xe quá tải

Là một trong nhưng nơi nhiều tuyến đường trọng điểm chạy qua (QL1A, QL1B, QL12C) và siêu dự án Formosa đang trong quá trình xây dựng - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là một trong những nơi có tình trạng xe quá tải, xe cơi nới thành thùng hoạt động rầm rộ nhất cả nước.

{keywords}

Hình ảnh xe quá tải thường thấy ở QL12C. Xe quá tải chạy xuyên ngày đêm, rầm rập như đi hội, nay đã hạ nhiệt.

Ngày 16/4, báo VietNamNet đã đăng loạt bài phản ánh thực trạng xe quá khổ, quá tải ngày đêm tung hoành các tuyến đường trong khi các cơ quan chức năng không xử lý. Đặc biệt là loại xe “Hổ vồ”, từ mà sau này được dùng đến rất nhiều khi nhắc đến xe quá tải.

Đến chiều 14/6, khi kiểm tra dự án QL1 mở rộng tại địa bàn huyện Kỳ Anh, tận mắt chứng kiến thực trạng xe quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay việc kiểm tra các trường hợp xe chở quá tải ngay từ trong các công trường.

Sau khi cùng với cơ quan chức năng trực tiếp kiểm tra xe quá tải tại hiện trường, Bộ trưởng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phải cam kết xử lý triệt để tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn.

{keywords}

Cảnh thường thấy những ngày này tại huyện Kỳ Anh. QL12C, nơi thường xuyên bị xe quá tải giày xéo, giờ đã vắng bóng xe quá tải.

Ngày 22/10, Báo VietNamNet tiếp tục phản ánh tình trạng xe quá tải, xe cơi nới thành thùng tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hoạt động về đêm. Ngay sau đó (ngày 24/10), thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản gửi Tổng cục đường bộ, Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiếp đó, ngày 25/10, trong quá trình kiểm tra hiện trường Dự án nâng cấp QL1A đoạn Thanh Hoá - Hà Tĩnh, Bộ trưởng Thăng đề nghị lãnh đạo Hà Tĩnh không chỉ làm trên các tuyến đường mà vào tận mỏ, xử lý xe quá tải qua hóa đơn, phiếu xuất hàng của các mỏ VLXD. Nếu phát hiện xe của mỏ nào chở quá tải thì cấm không cho mỏ đó hoạt động nữa.

Trước sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Thăng, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng nêu trên.

Xe quá tải đã "hạ nhiệt"

Ông Nguyễn Trần Toản, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, kiêm trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng xe cơ giới Hà Tĩnh cho biết, chỉ riêng trạm cân huy động 100% quân số, làm việc 24/24h và 7 ngày/tuần. Mỗi ngày có 3 tổ làm việc (tổ cân xe, tổ lưu động xử lý các xe dừng đỗ gần trạm cân và tổ trực chiến, sẽ điều động khi có sự việc).

{keywords}

Hình ảnh Bộ trưởng Thăng trực tiếp “bắt” xe quá tải của nhà thầu Đại Hiệp ở Hà Tĩnh ngày 14/6.

Ông Toản khẳng định, việc xe quá tải lọt trạm cân là không có. Vào thời gian trước, tình trạng tài xế cho dừng, đỗ ven đường, tại các cây xăng dầu hay các tài xế đóng cửa bỏ đi, không chấp hành việc cân vẫn còn xuất hiện. Tuy nhiên, sau khi có xe đặc chủng 13 tỷ thì các tài xế đã chấp hành.

Số xe vi phạm về tải trọng đã giảm xuống rõ rệt trong những tháng gần đây. Điều này chứng tỏ qua số xe được cân và tỷ lệ vi phạm, ông Toản chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, Đội trưởng Đội CSGT phía nam Hà Tĩnh cho hay, ngoài việc phối hợp với các đơn vị liên ngành kiểm tra, xử lý xe quá tải, xe cơi nới thành thùng thì đơn vị cũng thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát.

Thiếu tá Bùi Đức Thuận, Phó trưởng Phòng CSGT công an Hà Tĩnh thông tin, khoảng 50% quân số của phòng được điều động vào Kỳ Anh để phối hợp cùng với thanh tra, đăng kiểm, cục QLĐB xử lý nạn xe quá tải.

Cùng với siết chặt việc kiểm tra, xử lý thì ý thức chấp hành của tài xế, chủ mỏ VLXD trong việc chở đúng tải trọng đã có những chuyển biến rõ rệt, vẫn lời thiếu tá Thuận.

Còn ông Đào Văn Minh - Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ 2 cho biết, ngày 25/7, Cục đã cử tổ công tác tiến hành cắt gọt xe "hổ vồ" cơi nới thành thùng hoạt động tại Kỳ Anh, và từ đó đến nay (21/11) đoàn vẫn tiếp tục kiểm tra, xử lý xe quá tải, xe cơi nới thành thùng.

Tuy vẫn một vài hành động mang tính chống đối, trốn tránh của tài xế, chủ xe nhưng nhìn chung lượng xe quá tải ở Kỳ Anh đã giảm nhiều, ông Minh nhận định.

Từ những biện pháp mạnh tay siết chặt xe quá tải thì theo trực quan và nhận định, ông Trần Xuân Hòa, Hạt phó Hạt QLĐB huyện Kỳ Anh cho hay, tình trạng xe quá tải chạy ngang nhiên như trước là không còn. Thế nhưng có được lâu dài và triệt để hay không thì phải có thêm thời gian để khẳng định.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, lãnh đạo CSGT, sở GTVT, cục QLĐB cũng đang tìm cách để xử lý những hiện trượng "trồi lên" trong quá trình kiểm soát tải trọng xe như thay đổi cung giờ hoạt động hay nhiều chủ xe thuê xe ôm theo dõi hoạt động của thanh tra liên ngành gây khó cho việc xử lý, bên cạnh đó ý thức chấp hành một số lái xe chưa cao…

Từ 3/3 - 19/11, Trạm kiểm tra tải trọng xe đã kiểm tra 7.521 phương tiện, lập biên bản vi phạm 1.007 xe, xử phạt hơn 9 tỷ đồng đối với lái xe và chủ xe, yêu cầu hạ tải gần 9.000 tấn hàng hóa, tước giấy phép lái xe có thời hạn hơn 1.000 trường hợp.

Trong đợt cao điểm từ 10/10 - 19/11, kiểm tra 2.411 phương, lập biên bản 246 xe, xử phạt lái xe và chủ phương tiện hơn 2 tỷ đồng.

Văn Đức - Duy Tuấn