- Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết vụ bé sơ sinh bị bong võng mạc sang nước ngoài mổ mắt…vẫn mù, bác sĩ C. chỉ cho số điện thoại.
Bác sĩ cho số điện thoại, gia đình tự quyết...
Sau 10 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ từ P.V về phản ánh của gia đình bé Nguyễn Thành K., Bệnh viện Mắt TP.HCM đã chính thức có công văn trả lời.
Cụ thể, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt đã đề nghị hai bác sĩ liên quan là Lê Thị Kim C. và Dương Quốc C. tường trình lại sự việc.
Bé Nguyễn Thành K. (sinh ngày 5/6/2014) được khám mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 với chẩn đoán mắt phải SIV B, xuất huyết võng mạc, xuất huyết pha lê thể, còn mắt trái bị SV A.
Cũng trong ngày 5/6, mẹ bé là chị Nguyễn Thị Xuân T. đưa bé đến phòng khám ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, được chẩn đoán bong võng mạc 2 mắt /ROP và hẹn ngày 9/6 để hội chẩn.
Bác sĩ đang khám mắt cho các bé sinh non. Ảnh: Thanh Huyền. |
Ngày 9/6, bác sĩ Dương Quốc C. đã khám và chụp hình đáy mắt cho bé. Sau đó, bác sĩ giải thích cặn kẽ cho gia đình về tình trạng và tiên lượng của bệnh.
Theo bác sĩ C., hiện tại bệnh viện chưa có khả năng phẫu thuật đối với bệnh này do không đủ điều kiện gây mê, hồi sức sau mổ đối với những bé sơ sinh, nhẹ cân và có những dị tật do sinh non đi kèm. Bệnh viện cũng không có kinh nghiệm trong phẫu thuật cho trường hợp của bé K.
Bệnh viện Mắt giải thích về việc giới thiệu cho bệnh nhân qua nước ngoài mổ: “Mẹ của bệnh nhi hỏi về việc phẫu thuật, điều trị ở nước ngoài. Bác sĩ C. trả lời chi phí đi nước ngoài điều trị rất tốn kém (khoảng 60 triệu đến 100 triệu đồng tùy thuộc bé có phải nằm lại theo dõi hay không), còn tại Singgapore chi phí điều trị tốn trên 10.000 USD.”
Tuy nhiên, bệnh viện nói thêm, bác sĩ C. chỉ cho số điện thoại để gia đình bệnh nhân tự thu xếp và quyết định đưa con qua Thái Lan điều trị. Bác sĩ đã giải thích về tiên lượng của ca phẫu thuật không cao.
Sau đó, như VietNamNet đã đưa tin, chị T. vay mượn đủ 100 triệu đồng, đưa con ra nước ngoài mổ. Kết quả, ca phẫu thuật thất bại, bé K. vẫn… mù.
Thu nhập của chị T. chỉ vẻn vẹn 500 ngàn/tháng. Khoản nợ 100 triệu đối với chị gần như không thể trả nổi. Giờ đây bé K. không thấy đường, thiếu vắng mẹ lại hoảng sợ khóc thét khiến người mẹ trẻ chẳng thể đi làm.
Mổ hay không vẫn…chung một kết quả
Trước bệnh tình và hoàn cảnh éo le của bé K., phóng viên đã tìm hiểu về quy trình khám cũng như điều trị bệnh bong võng mạc trẻ sơ sinh.
Một chuyên gia trong lãnh vực nhãn khoa trẻ em, hiện đang làm việc tại TP.HCM cho biết, trẻ sinh thiếu tháng, các mạch máu ở mắt phân bố chưa đầy đủ. Những mạch máu bị bệnh sẽ tiếp tục bò ra, phát triển theo kiểu bệnh lý, co kéo làm bong võng mạc và hủy luôn phần mạch máu bình thường.
Bệnh viện Mắt TP.HCM hợp tác tới Bệnh viện Từ Dũ khám mắt cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Thanh Huyền. |
Khi trẻ sinh non, bà mẹ không thể tự nhận biết các bệnh lý về mắt của con mà chỉ có thể thông qua sự kiểm tra của bác sĩ.
Có những bé, bệnh tự thoái lui, nhưng nhiều trường hợp lại tiến triển nặng. Các bé sinh non sẽ được theo dõi sát cho tới khi đủ 40 tuần tuổi không ghi nhận bất thường mới thôi.
Lịch khám của bé sinh non là 3 tháng – 6 tháng – 9 tháng – 12 tháng. Sau đó, cứ 6 tháng hoặc 1 năm lại phải khám một lần để phát hiện tật khúc xạ, lé, cận thị, nhược thị.
Khi phát hiện mạch máu ở mắt có những bất thường, bác sĩ có thể điều trị bằng cách chiếu laser để hủy những phần mạch máu bị bệnh, chỉ giữ lại thị lực trung tâm.
Còn một phương pháp điều trị khác là tiêm thuốc ức chế làm các mạch máu ở mắt không phát triển bất thường. Dù vậy phương pháp này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi có nguy cơ bị vong võng mạc cao nhất.
“Khi đã bị bong võng mạc rồi tiên lượng rất xấu. Phẫu thuật chỉ có tính chất bảo tồn để mắt không teo chứ không có tác dụng giữ chức năng của mắt. Trẻ bong võng mạc gần như không làm được gì. Trên thế giới cũng chỉ mổ để bảo tồn là chính, may ra một số bé nhận biết được sáng tối.”, vị bác sĩ này khẳng định.
Cho ý kiến về việc điều trị bong võng mạc trẻ sơ sinh ở nước ngoài hay Việt Nam có gì khác biệt về kết quả, vị bác sĩ nói thêm: “Thực ra chẳng có đột phá gì hết. Nước ngoài họ cũng chỉ phẫu thuật nhưng mang tính chất thử nghiệm mà thôi.”
Hiện tại Bệnh viện Mắt TP.HCM đang hợp tác với Bệnh viện Từ Dũ để hội chẩn về mắt cho các bé sinh non vào chiều thứ 2 và chiều thứ 4 hằng tuần. Trong buổi họp giúp cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh vào ngày 21/11 tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, mỗi năm Việt Nam mất 12.000 trẻ do sinh non có biến chứng, nhiễm trùng sơ sinh, ngạt, dị tật bẩm sinh. |
Thanh Huyền