- Ngày 8/12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Hải Phòng xác minh làm rõ thông tin "Có một Cát Tường ở Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng".
Trong công văn do Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa ký ghi rõ, Sở Y tế Hải Phòng phải tiến hành xác minh thông tin, khẩn trương gửi báo cáo về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 16/12.
Cụ thể, theo thông tin bài báo "Có một Cát Tường ở Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng", BS Đặng Quang Hưng - Trung tâm can thiệp tim và mạch máu của bệnh viện này đã thực hiện nhiều kỹ thuật vượt quá khả năng chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
Trung tâm can thiệp tim và mạch máu, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Ảnh: Pháp luật xã hội |
Trong ngày 28/3/2014, BS Hưng chỉ định đặt stent cho bệnh nhân Trương Bá Định (67 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) được chẩn đoán tắc động mạch vành.
Đến ngày 3/4, bệnh nhân Định tiếp tục được BS Hưng đặt stent lần 2. Tuy nhiên sau ít giờ, ông Định có biểu hiện đau ngực, toàn thân tím tái, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực ngoại, Bệnh viện 108 Hà Nội để mổ cấp cứu với chẩn đoán có dịch trong màng tim.
Đến ngày 4/4, ông Định tiếp tục được chỉ định mổ để lấy ổ dịch trong bụng. Hiện ông Định đã bảo toàn được tính mạng nhưng phải sống đời thực vật.
Trước đó, vào ngày 15/3/2013, BS Đặng Quang Hưng cũng đã tiến hành thủ thuật đặt stent cho bệnh nhân Vũ Văn Cần (trú tại TP.Hải Phòng). Tuy nhiên sau đó ít giờ, ông Cần đã tử vong do nhồi máu cơ tim cấp.
Trên thực tế, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng mới chỉ được Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chuyển giao thủ thuật đặt stent động mạch nhỏ. Việc đặt stent cho nhánh động mạch lớn phải chuyển người bệnh lên tuyến trên.
Đáng nói, khi có tai biến xảy ra, BS Hưng không thông báo với các bác sĩ chuyên khoa mà tự dùng kim hút máu màng tim, làm tổn thương gan, gây xuất huyết ổ bụng.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Hải Phòng, trong vòng 5 năm, Trung tâm can thiệp Tim và mạch máu của Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã làm chết 14 bệnh nhân. Một trọng số các nguyên nhân khiến người bệnh bị tử vong là các bác sĩ nhận bệnh nhân đến làm "dịch vụ" dù không phải ca trực của mình. Thậm chí, nhiều bác sĩ còn không chỉ đạo làm các xét nghiệm sinh hóa, thử máu, làm điện tim... mà tiến hành làm các thủ thuật luôn.
Bé 2 tuổi tử vong bất thường tại bệnh viện Cũng trong ngày 8/12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Hòa Bình xác minh làm rõ trường hợp bệnh nhi Bùi Hải Phong (32 tháng tuổi, trú tại TP.Hòa Bình) tử vong sau khi tiêm 2 mũi điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và có báo cáo trước ngày 16/12/2014. Bé Phong nhập viên lúc 10h45 ngày 5/12 với biểu hiện viêm phổi, viêm tai giữa, được đưa vào khoa Nhi của bệnh viện. Đến 14h cùng ngày, bé được tiêm 2 liều thuốc trị viêm phổi. Ngay sau đó cháu có biểu hiện tím tái và tử vong lúc 14h30 cùng ngày. |
Thúy Hạnh