- Trước tòa, Huyền Như bật khóc và nhắc lại việc bị cáo muốn xin lại biệt thự cho mẹ: “Xin pháp luật xem xét mẹ bị cáo tuổi đã lớn, bị cáo có con nhỏ, chị gái bị cáo trong vụ án cũng có 3 con nhỏ nên thời gian tới có thể 4 đứa trẻ đều phải giao cho mẹ bị cáo chăm sóc”.

Ai quản lý tài khoản?

Mở đầu buổi làm việc chiều nay (16/12), đại diện Viện kiểm sát tiếp tục đưa ra các câu hỏi liên quan đến các quy định của pháp luật về hoạt động ủy thác, về việc có thu phí tài khoản không, mục đích của việc thu phí là gì, tiền khách hàng gửi có được coi là tài sản của ngân hàng không, khi nào thì tiền gửi của khách hàng được hạch toán vào hệ thống sổ sách của ngân hàng và một số vấn đề có liên quan.

Trả lời câu hỏi trên, đại diện ACB và Navibank cho biết tất cả các ngân hàng đều thu phí đối với tài khoản của khách hàng. Viện kiểm sát hỏi đại diện Vietinbank về mục đích của việc thu phí đối với tài khoản tiền gửi có phải là để quản lý tài khoản không, đại diện đơn vị này cho biết về bản chất đây chỉ là phí duy trì tài khoản chứ không phải là phí quản lý.

{keywords}

 Bị cáo Huyền Như sau phiên xử.

Viện kiểm sát hỏi thêm vậy ngân hàng nhận tiền của khách hàng để làm gì, đại diện Vietinbank trình bày “để sử dụng cho mục đích hoạt động của ngân hàng, cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng”.

“Vậy sau khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản tiền gửi mở tại ngân hàng, giữa khách hàng và ngân hàng có phát sinh quan hệ gửi giữ hay không?” – “Đối với tài khoản thanh toán thì không phát sinh quan hệ gửi giữ, chỉ tài khoản tiết kiệm mới phát sinh quan hệ gửi giữ”, vị đại diện trả lời.

Ngay sau đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã được mời lên trả lời câu hỏi: “Việc Vietinbank cho rằng không phát sinh quan hệ gửi giữ tài khoản tiền gửi giữa ngân hàng và khách hàng có đúng không?” – “Trả lời đúng hay sai ngân hàng Nhà nước không có chức năng”.

Viện kiểm sát cũng hỏi bị cáo Huyền Như và đại diện Vietinbank về việc tiền một số khách hàng gửi vào tài khoản tiền gửi mở tại Vietinbank được cập nhật từ khi nào, lần này các bên đều xác nhận tất cả đã được tự động cập nhật ngay trên hệ thống.

Về việc với vai trò Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, được duyệt hạn mức tín dụng tối đa 50 tỷ đồng, vậy Huỳnh Thị Huyền Như có phải là người có chức vụ và quyền hạn tại Vietinbank không? Đại diện Vietinbank và Huyền Như đều khẳng định Huyền Như không phải là người có chức vụ quyền hạn, chức danh trên chỉ là để quản lý nhân viên tại phòng giao dịch và tài sản tại chi nhánh.

Sau phần thẩm vấn các quy định chung, HĐXX và Viện kiểm sát chuyển sang thẩm vấn bị cáo Huyền Như và 5 bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo.

Siêu lừa: “bị cáo không lường trước hậu quả”

Bị cáo Huyền Như bật khóc và nhắc lại việc bị cáo muốn xin lại villa H2 The Nam Hai resort cho mẹ.

“Xin pháp luật xem xét mẹ bị cáo tuổi đã lớn, bị cáo có con nhỏ, chị gái bị cáo trong vụ án cũng có 3 con nhỏ nên thời gian tới có thể 4 đứa trẻ đều phải giao cho mẹ bị cáo chăm sóc”, nữ siêu lừa trình bày.

Đáp lại, HĐXX nêu quan điểm: “Nếu tài sản là của mẹ bị cáo thì đâu liên quan đến hoàn cảnh của bị cáo. Bà Lang (mẹ Huyền Như) sẽ có nghĩa vụ chứng minh và cơ quan pháp luật có trách nhiệm làm rõ. Bị cáo không kháng cáo nghĩa là bị cáo chấp nhận toàn bộ bản án sơ thẩm đúng không?” – “Dạ”.

{keywords}

Bị cáo Võ Anh Tuấn – người bị cáo buộc giúp sức Huyền Như lừa đảo hơn 1.600 tỷ đồng.

Trong phần thẩm vấn sau đó, Huyền Như thừa nhân việc chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng của 3 công ty là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên. Do hai công ty Phúc Vinh và Thịnh Phát không kháng cáo nên tòa mời đại diện Công ty Hưng Yên lên thẩm vấn.

Là đơn vị bị chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng, đại diện Công ty Hưng Yên từ chối việc Huyền Như phải bồi thường như phán quyết của cấp sơ thẩm và đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

Về hồ sơ mở tài khoản của Công ty Hưng Yên, bị cáo Như cho biết hồ sơ trên là thật nên tài khoản tiền gửi của công ty này là hợp lệ. Đại diện Vietinbank cũng xác nhận nội dung này.

Bị cáo Như cho biết toàn bộ số tiền Công ty Hưng Yên gửi vào đã được hạch toán trong hệ thống sổ sách và bị cáo đã giả chữ ký của chủ tài khoản, giả con dấu để lập lệnh chi giả rồi chiếm đoạt tiền của Hưng Yên.

Trước thủ đoạn chiếm đoạt tiền tinh vi của Huyền Như, Viện kiểm sát phải thốt lên: “Đó không phải là số tiền nhỏ vậy bị cáo đã chuyển số tiền đó đi đâu? Bị cáo suy nghĩ gì về hành vi của mình đã kéo theo biết bao nhiêu đồng nghiệp phải ra tòa?”“Bị cáo chuyển để trả nợ cho những chỗ khác. Bị cáo không lường trước được hậu quả ạ”.

Sau khi thẩm vấn Huyền Như, bị cáo Võ Anh Tuấn được mời lên thẩm vấn về việc hùn hạp vốn để Huyền Như thành lập Công ty Hoàng Khải và quá trình cùng Huyền Như ra Hà Nội huy động tiền của các Công ty Phúc Hưng, Thịnh Phát, Hưng Yên. Một số bị cáo khác cũng được mời lên thẩm vấn.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.

Mai Phượng