- Ông Nguyễn Thành Trung - Nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết ý kiến xung quanh sự cố máy bay VN1266 của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Quốc tế Nội Bài tối 16/12.

Theo ông Trung, trong tình huống máy bay VN 1266 của Vietnam Airlines giảm áp suất đột ngột hôm 16/12, nếu phi công xử lý sai thì hành khách trên máy bay đã đã bị ngất và gặp nguy hiểm, do vậy không nên suy diễn phi công làm sai trong khi hành khách vẫn an toàn.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung xung quanh sự cố này:

{keywords}
Ông Nguyễn Thành Trung (ảnh:VnEconomy).

 - Ngày hôm qua (16/12) máy bay VN1266 của Vietnam Airlines bị giảm áp suất đột ngột và phải giảm độ cao gấp, ông đánh giá như thế nào về sự cố này?

Tình huống giảm áp suất chỉ xảy ra khi buồng kín bị hở gioăng nào đó, nó giống như quả bóng bơm căng có chỗ nào đó xì hơi ra thì sẽ bị giảm áp suất. Ở đây máy bay đang bay trên trời cũng giống như quả bóng được bơm khí căng nên khi hở gioăng thì lập tức giảm áp suất.

Trong đào tạo phi công tình huống giảm áp suất tất cả các phi công đều được học và xử trí vì sự cố kiểu này vẫn thường xảy ra trong ngành hàng không.

Do vậy, sự cố máy bay VN1266 của Vietnam Airlines ngày hôm qua không có gì ngạc nhiên và theo tôi các phi công đã xử lý tốt.

Vậy khi xảy ra trường hợp máy bay bất ngờ giảm áp suất, theo quy trình phi công phải thao tác như thế nào?

Đây là trường hợp nguy hiểm cho hành khách, vì hành khách đang bay ở độ cao 11km khi bị giảm áp suất trong vòng 2 phút nếu không có ống thở oxy rơi xuống thì hành khách sẽ ngất hết và gặp nguy hiểm.

Trong trường hợp này, phi công phải giảm độ cao gấp, giảm nhanh từ 11km phải xuống 4km ngay, đồng thời hệ thống ống thở oxy rơi xuống để hành khách chụp vào mũi thở, tránh trường hợp bị uy hiếp đến tính mạng.

-Trong trường hợp áp suất giảm đột ngột  phi công có phải bấm nút khẩn nguy không thưa ông?

Trong trường hợp này chẳng có nút gì để bấm cả. Ngay hệ thống ống thở oxy cũng sẽ tự động rơi xuống trước mặt hành khách. Còn trường hợp thực tập hay giả định thì phi công cũng có thể ấn nút để hệ thống ông thở oxy rơi xuống trước mặt.

Tiếp theo phi công phải ấn mã khẩn cấp báo cho không lưu biết để không lưu cảnh báo các máy bay khác đang bay ngược chiều với mình dành quyền ưu tiên cho mình sớm hạ cánh. Đồng thời ấn mã khẩn cấp để tất cả các máy bay khác biết.

- Nhiều người vẫn băn khoăn máy bay VN1266 bay từ TP.HCM đi Vinh nhưng khi gặp sự cố lại hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài?.

Theo tôi việc máy bay VN1266  từ TP.HCM bay đi Vinh nhưng khi gặp sự cố đã hạ cánh tại sân bay Quốc tế Nội Bài là đúng.

Thực tế trong trường hợp này nếu máy bay hạ cánh tại Vinh thì sẽ không có phương tiện giúp đỡ nên đã chọn hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài, nơi có đầy đủ điều kiện giúp máy bay hạ cánh an toàn.

- Có thông tin cho rằng tổ lái đã bấm nhầm nút báo hiệu không tặc thay vì khẩn nguy, ông nghĩ sao về tình huống này?

Nhiều người hỏi tôi phi công có bấm lộn nút khẩn cấp sang nút không tặc không, nhưng không tặc có nút gì mà bấm. Chúng ta không nên có tâm lý đổ sai cho tổ lái vì trong trường hợp ngày hôm qua, họ đã làm đúng.

Trong trường hợp này theo tôi tổ bay không có gì sai cả, phi công đã chủ động bấm mã khẩn cấp, chứ không phải nhầm. Bởi, khi phi công bấm khẩn nguy hay khẩn cấp thì phải xác nhận giữa 2 người rồi mới bấm chứ không phải cứ nói bấm là bấm ngay.  

- Xin cám ơn ông!

Vũ Điệp (thực hiện)