- Trong phần thẩm vấn chiều nay, HĐXX cho biết trong vụ án Huyền Như một số bị cáo còn ký các hợp đồng tiền gửi giả sau đó đem thế chấp vay tiền, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng nhưng quá trình điều tra đã bỏ sót, để lọt hành vi này.

Tiếp tục buổi làm việc chiều nay, HĐXX tiến hành thẩm vấn các vấn đề xung quanh thủ đoạt chiếm đoạt của Công ty An Lộc 170 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) 165 tỷ đồng, Công ty CP chứng khoán Phương Đông hơn 380 tỷ đồng và 274 tỷ đồng của bà Giã Thị Mai Hiên và hành vi của nhóm bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo.

“Bị cáo không ngờ Huyền Như lừa đảo”

Theo bản án sơ thẩm, khoảng đầu năm 2011, do đang cần tiền để trả cho các cá nhân cho Như vay lãi cao, Như nói dối với Huỳnh Hữu Danh (nhân viên Ngân hàng VIB - chi nhánh TP.HCM) là Như có tiền nhờ người thân và bạn bè đứng tên đã gửi vào Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè nhưng chưa đến hạn, nay cần tiền muốn thế chấp các hợp đồng tiền gửi đó để vay tiền của VIB – chi nhánh TP.HCM.

{keywords}
 Bị cáo Huyền Như sau phiên tòa chiều 17/12

Sau khi được Danh đồng ý, từ ngày 29/1/2011 đến ngày 8/9/2011, Như đã nhờ 12 người là bạn bè, người thân của Như gồm: Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung,Bùi Minh Hải, Dương Thanh Tâm, Hùng Vạn Đức, Nguyễn Thanh Nhã…ký vào 40 hợp đồng tiền gửi do Như làm giả để làm tài sản thế chấp, cầm cố vay của VIB 480,3 tỷ đồng và hiện còn chiếm đoạt 165 tỷ đồng.

Với hành vi trên, 4 bị cáo bị cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức gồm: Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung. Khi được tòa mời lên thẩm vấn, các bị cáo trên đều thừa nhận việc đã ký vào hợp đồng tiền gửi để Huyền Như thế chấp chiếm đoạt tiền nhưng họ đều cho rằng do quá tin tưởng Huyền Như.

Bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi giúp Huyền Như ký vào hợp đồng tiền gửi trị giá 15 tỷ đồng, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Huyền Như) bật khóc khi tòa hỏi về động cơ sai phạm.

“Bị cáo là chị gái của Như, cũng là người làm công cho Như, Như nói là có tiền gửi tại ngân hàng nhưng không tiện đứng tên và bảo bị cáo ký nên bị cáo ký. Bị cáo không ngờ Huyền Như lừa đảo cả chị gái mình. Bị cáo có 3 con nhỏ cần chăm sóc, mẹ bị cáo tuổi đã cáo, sức khỏe yếu nên không thể chăm sóc cho các con bị cáo, bị cáo xin HĐXX xem xét”, người phụ nữ nói trong nước mắt.

Tương tự bị cáo Hạnh, bị cáo Trần Thị Tố Quyên thì khai rằng bị cáo vốn chỉ là nhân viên phụ quán cơm. Sau khi được Như nhận vào làm tại công ty Hoàng Khải, Như nói gì bị cáo làm theo chứ hoàn toàn không biết và không có động cơ tiếp tay để Như thực hiện hành vi phạm pháp.

Hàng chục tỷ đồng bị bỏ sót?

Trước đó, HĐXX mời đại diện Công ty An Lộc và Công ty Phương Đông lên trả lời thẩm vấn. Cũng giống như quan điểm của Công ty An Lộc, đại diện Công ty Phương Đông giữ nguyên yêu cầu đề nghị Vietinbank trả tiền. Ngoài tiền gốc, phía Công ty Phương Đông còn yêu cầu thêm hơn 100 tỷ đồng tiền lãi.

Trước yêu cầu trên, HĐXX đã mời đại diện các công ty lên trả lời thẩm vấn để làm rõ một số vấn đề liên quan. Trong đó, khi được hỏi về hành vi làm giả các lệnh chi và số lần, số tiền làm giả tại các lệnh chi, bị cáo Huyền Như nhiều lần lặp lại điệp khúc “bị cáo không nhớ, bị cáo không biết”. HĐXX đã công bố lại lời khai của Như trong quá trình điều tra, bị cáo này thừa nhận là đúng và giữ nguyên những lời khai này.

Là đơn vị bị chiếm đoạt 165 tỷ đồng, khi được tòa thẩm vấn về nội dung kháng cáo, đại diện VIB đề nghị cấp phúc thẩm buộc Huyền Như và 11 cá nhân khác liên đới bồi thường số tiền chiếm đoạt cho VIB. Trước đó, cấp sơ thẩm chỉ buộc Huyền Như và 2 bị cáo là Huỳnh Mỹ Hạnh và Đào Thị Tuyết Dung phải liên đới bồi thường. Trong đó, bị cáo Dung và bị cáo Hạnh liên đới trong phạm vi khoản tiền 15 tỷ đồng đã giúp Như chiếm đoạt.

Cũng trong phần thẩm vấn liên quan đến quá trình 4 bị cáo trong số 12 cá nhân ký hồ sơ tiền gửi giả để Huyền Như thế chấp vay tiền của VIB, HĐXX cho biết bị cáo Trần Thị Tố Quyên và Nguyễn Thị Lành ngoài việc ký hợp đồng giả ghi trị giá 15 tỷ đồng, hai bị cáo này còn ký vào hai hợp đồng tiền gửi giả khác, ghi trị giá mỗi hợp đồng là 15 tỷ đồng.

Như vậy, hành vi ký vào hồ sơ giả đối với khoản tiền 30 tỷ đồng trên cấp sơ thẩm đã bỏ sót chưa truy tố và xét xử. Cả hai bị cáo đều thừa nhận nội dung này và mong được xem xét.

M.Phượng