- Bị cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 14 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương không có chức năng kinh doanh tài chính, không được ủy thác đầu tư vốn nhưng Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc đã lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng tiền vốn đóng tàu chở dầu của công ty để ký hợp đồng ủy thác đầu tư vốn với VietinBank - chi nhánh Nhà Bè.
Bị cáo Phạm Anh Tuấn tại tòa |
Bản án sơ thẩm nhận định do đạt được thỏa thuận với Như về việc trả tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng Tuấn ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Vietinbank, ký với Vietinbank nhưng lại khi thực hiện hợp đồng lại không chuyển tiền vào Vietinbank mà lại chuyển đến tài khoản của Công ty Hoàng Khải (công ty do Như thành lập) dẫn đến bị Huyền Như chiếm đoạt.
Đến nay, Thái Bình Dương đã thu về tổng cộng 1.472 tỷ đồng bao gồm gốc và lãi, còn lại một hợp đồng trị giá 80 tỷ đồng không lấy được tiền. Bản án sơ thẩm kết luận Phạm Anh Tuấn đã hưởng lợi 121 tỷ đồng từ việc Như chi tiền ngoài hợp đồng.
Trong phần phát biểu quan điểm trước đó, đại diện VKSND Tối cao cho rằng sau khi cân đối khoản tiền đã chi và nhận về của công ty Thái Bình Dương, cho thấy công ty chỉ thiệt hại 21 tỷ đồng chứ không phải 80 tỷ đồng. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Tuấn và một số bị cáo khác trong vụ án từ 6 đến 12 tháng tù.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn, luật sư Nguyễn Huy Thiệp – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng đề nghị trên của VKS là có căn cứ. Dù vậy, theo luật sư mức đề nghị xem xét của VKS chưa thỏa đáng bởi số tiền thiệt hại đã giảm đi đáng.
Bên cạnh việc đưa ra các tình tiết giảm nhẹ, luật sư Thiệp cũng trình bày quan điểm gỡ tội cho thân chủ. Luật sư chỉ ra rằng bản án sơ thẩm quy kết dù Công ty Thái Bình Dương không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng vì hưởng lợi, bị cáo đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư để gửi tiền. Theo luật sư Thiệp, việc ủy thác trên không phải là hoạt động kinh doanh mà bản chất chỉ gửi tiền để hưởng lãi suất.
Mặt khác, nếu coi đây là hoạt động kinh doanh thì việc kinh doanh không đúng ngành nghề quy định trong giấy phép tương ứng với mặt khách quan của tội “kinh doanh trái phép chứ” chứ không phải tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.
Ngoài quan điểm gỡ tội, luật sư Thiệp cũng đề nghị HĐXX xem xét lại khoản tiền quy kết thân chủ mình hưởng lợi và cho rằng con số 121 tỷ đồng là không có cơ sở. Luật sư cũng đề nghị HĐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với một căn nhà trên đường Thạch Thị Thanh (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) bởi đây là tài sản chung duy nhất của vợ chồng bị cáo.
Tự bào chữa, bị cáo Phạm Anh Tuấn trình bày với vai trò người đứng đầu doanh nghiệp, bị cáo không bao giờ phủ nhận trách nhiệm với khoản tiền công ty bị thiệt hại. Tuy nhiên, bị cáo đồng tình với quan điểm của luật sư, xin HĐXX xem xét lại các tình tiết liên quan trong vụ án cũng như vấn đề kê biên tài sản là căn nhà.
Sau phần bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân, Tống Nguyên Dũng bị truy tố về tội “vi phạm quy định cho vay” cũng lần lượt trình bày quan điểm tranh luận.
Sáng mai, phiên tòa tiếp tục.
M.Phượng