- Theo các bác sĩ, một số loại thủy hải sản chứa độc tố, ký sinh trùng, ăn phải sẽ bị dị ứng, hôn mê, thậm chí mất mạng.

Hải sản lạ dễ chứa độc tố

Vừa qua, dư luận hết sức bàng hoàng về 3 ngư dân ở Hà Tĩnh hôn mê và tử vong sau khi ăn một loài ốc lạ đánh bắt được trên vùng biển Lộc Hà.

3 nạn nhân đều trong độ tuổi rất trẻ (từ 22 đến 45 tuổi).

{keywords}

Loài ốc "lạ" khiến 3 ngư dân ăn vào và tử vong. (Ảnh do Chi cục ATVSTP Thanh Hóa cung cấp).

TS – BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, chuyên gia về bệnh do ký sinh trùng cảnh báo, đã có rất nhiều trường hợp gặp phải hậu quả nghiêm trọng do ăn phải thủy hải sản lạ, chứa độc hoặc ký sinh trùng.

Khác với thủy sản nước ngọt, hải sản ít chứa ký sinh trùng nhưng có thể chứa độc tố.

Bên cạnh cá nóc, sứa biển, cá biển lạ, so biển là loài hải sản nguy hiểm chết người.

Con so giống với sam nhưng nhỏ hơn nên dễ bị nhầm. Vào mùa sinh sản, trong trứng so chứa kịch độc. Chẳng may ăn nhầm so biển nguy cơ tử vong gần như cầm chắc.

Không chỉ thế, cá biển bị ươn có khả năng phóng thích histamin dễ gây ngộ độc.

Đó còn chưa kể cá biển có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ chất thải công nghiệp. Phụ nữ có thai ăn phải hải sản nhiễm thủy ngân sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh của thai nhi.

Theo bác sĩ Siêu, ốc sên, cua đá hay một số loại ốc bò trên cạn như ốc bươu, sên trần rất dễ nhiễm ký sinh trùng.

Viêm màng não vì ăn ốc sên

Mọi người vẫn chưa quên kết cục đau lòng của cậu sinh viên trường kỹ thuật tại Tiền Giang tên L.T.Đ.. Đang ngồi chơi với bạn, thấy ốc sên bò ngoài hiên nhà, Đ. bắt nướng làm mồi nhậu.

{keywords}
 Bộ Y tế cảnh báo người dân tuyệt đối không ăn ốc sên.

Sau khi ăn, cả hai rơi vào hôn mê, phải chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu.

Bạn của Đ. may mắn hồi phục, còn Đ. sống thực vật gần 6 năm trời.

Thấy con trai vẫn hôn mê, không có tri giác sau nhiều năm, mẹ Đ. đành ngậm ngùi xin cho con xuất viện về quê để tiện chăm sóc.

Tháng 7/2014, khoa Nhiễm Việt – Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới lại tiếp nhận thêm một trường hợp nguy kịch do ăn ốc sên.

Bé trai tên L.H.Đ. (9 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội, sốt cao kèm theo nôn ói.

Một tháng trước Đ. cùng bạn bắt ốc sên ngoài vườn nướng ăn.

Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não do ký sinh trùng sống trong ốc sên gọi là Angiostrongylus cantonensis.

Theo các bác sĩ, giun Angiostrongylus cantonensis trưởng thành sống trong động mạch phổi của chuột, đẻ trứng, nở thành ấu trùng. Ấu trùng theo phế quản lên khí quản rồi được nuốt xuống ruột, theo phân chuột ra ngoài.

Ấu trùng Angiostrongylus cantonensis sống ở đất ẩm, trên các nhánh lá rau, hoặc ở trong vũng nước, ao hồ, sau đó bị các loài ốc nước ngọt nuốt vào.

Người bị nhiễm Angiostrongylus cantonensis khi ăn ốc nấu chưa chín, rau sống, uống nước lã có chứa ấu trùng.

Tất cả vùng nông thôn Việt Nam đều có nhiều chuột sinh sống, cộng với môi trường vườn tược ẩm ướt là nơi lý tưởng cho giun Angiostrongylus cantonensis phát triển.

Tình trạng ăn ốc sên bị hôn mê ngày một nhiều, tới mức Bộ Y tế đã phải khuyến cáo.

“Người dân tuyệt đối không sử dụng ốc sên, ốc bươu, ốc ma tự nhiên để chế biến thành thức ăn dưới bất kỳ hình thức nào. Và người dân phải vệ sinh sạch sẽ đối với ốc, sò tự nhiên nếu muốn chế biến thành thức ăn”, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế lưu ý.

Ngoài ra, ngành y tế còn cảnh báo mọi người sau khi ăn ốc, ốc sên bị sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nổi ban... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

“Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng từ cua đá. Chủ yếu ở vùng tây Bắc, trẻ em hay ra suối bắt cua đá ăn. Cua đá chứa sán lá phổi, nướng chưa kỹ sẽ nhiễm bệnh. Một số bệnh nhân biểu hiện như lao phổi cả 10 năm trời nhưng điều trị kháng sinh vẫn không hết. Người nhiễm sán lá phổi thường khạc ra đàm màu nâu”, bác sĩ Siêu kể.

Từ những nguy cơ trên, bác sĩ Siêu khuyên mọi người hãy cẩn trọng trước khi lựa chọn thực phẩm cho bản thân và gia đình.

“Dân mình thích ăn cá đồng hoặc thủy hải sản tự nhiên, nhưng loại này có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao. Thủy hải sản nuôi an toàn nhưng lại bị chê vì thịt không ngon và chắc”, bác sĩ Siêu nói.

Thanh Huyền