- Bị cáo tại tòa khai nhớ, lúc không, còn phần trả lời thẩm vấn của HĐXX của các nhân chứng cũng chẳng khác gì so với phiên xét xử lần 3 diễn ra cách đây gần 1 năm.
Bị cáo lúc nhớ, lúc không
Trong phiên xét xử chiều ngày 18/5, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước đã công bố về 3 bản khai nhận tội hiếp dâm, giết người của bị cáo Lê Bá Mai ở giai đoạn đầu của vụ án và giai đoạn sau khi bản án “tử hình” bị Hội đồng thẩm phán thuộc TAND tối cao tuyên hủy theo thủ tục giám đốc thẩm. Cơ quan công tố có hỏi Mai lý giải về những lời khai nhận tội này như thế nào?
Một số điểm mà đại diện Viện KSND yêu cầu bị cáo Lê Bá Mai lý giải tại sao lại khai như thế? Như: các biên bản khai nhận tội có sự khác nhau? Cụ thể là biên bản tự khai đầu tiên Mai khai là giết Thị Út chứ không có tình tiết hãm hiếp; đến biên bản tự khai kế tiếp thì có cả giết lẫn hiếp nạn nhân. Lúc này bị cáo Lê Bá Mai xin hẹn “lúc bị cáo nhớ thì sẽ trả lời”.
Trả lời chất vấn của HĐXX thuộc TAND tỉnh Bình Phước về việc cán bộ điều tra nào đã đánh đập, ép cung? Thì Lê Bá Mai có lúc nói rõ tên của cán bộ điều tra đó là “anh Hiền, anh Phước”. Nhưng lại có lúc khẳng định là “không nhớ”.
Chủ tọa phiên tòa đề nghị luật sư tham gia vào phần xét hỏi bị cáo. Luật sư Trịnh Thanh (văn phòng luật sư Người Nghèo) đề nghị, do bị cáo quên, nên đến khi bị cáo trả lời phần xét hỏi của tòa và Viện thì lúc đó luật sư chính thức tham gia thẩm vấn.
Đến phần xét hỏi những người làm chứng, luật sư bảo vệ quyền lợi hớp pháp cho Lê Bá Mai, đề nghị HĐXX cho cách ly những người này. Tòa chỉ đồng ý chấp nhận một phần, tức chỉ cách ly khi thẩm vấn các nhân chứng có các lời khai khác nhau.
Nhân chứng khai… lộn xộn
Đầu tiên HĐXX thẩm vấn nhân chứng Điểu Cẩn (bố của nạn nhân Thị Út) xoay quanh việc tìm kiếm Thị Út sau khi không thấy Út về nhà, Trong đó một tình tiết đáng lưu ý là ông Điểu Cẩn khai, có dùng xe gắn máy chạy vào gần khu vực vườn Mít tìm con. Mà sau này tại khu vực vườn Mít tìm thấy thi thể của Thị Út. Được biết sau này hiện trường khu vườn Mít, có một số dấu vết bánh xe, mà cơ quan công an nghi ngờ là dấu vết bánh xe gắn máy của Mai điều khiển chở Út vào để thực hiện vụ giết, hiếp trên.
Trả lời thẩm vấn, ông Điểu Ky khai, theo lời con gái (tức Hằng) là lúc đó Mai có mang bình xịt màu xanh, bình đựng nước đá màu đỏ chở Thị Út đi. Tuy nhiên khi chủ tọa phiên tòa công bố biên bản ghi lời khai của ông Điểu Ky có ghi, Điểu Ky trình bày lúc đó Hằng có khai, thấy một thanh niên mang những đồ vật trên, gia đình ông nghi người thanh niên đó chính là Nguyễn Bá Mai (chứ không phải là Lê Bá Mai).
Về chi tiết tại sao có họ tên Nguyễn Bá Mai, thì ông Điểu Ky xác nhận chỉ biết tên Mai, còn việc ghi rõ “Nguyễn Bá Mai” là do cán bộ công an ghi vào.
Ông Điểu Ky còn nói “người dân tôc S’Tiêng chúng tôi, nói nghi nghĩa là đúng”. Được biết, trong phiên xét xử tháng 7/2010, Điểu Bách (cũng người dân tộc S’Tiêng, phiên dịch viên tại phiên tòa) đã khẳng định rằng, “Người S’Tiêng nghi ai đó là chưa xác định được ai, chứ không phải như ông Điều Ky nói”.
Tại tòa ngày 18/5, ông Trần Văn Sinh (là công an viên của xã An Khương) – nhân vật mà theo giới luật sư là điểm cần lưu ý trong vụ “kỳ án" trình bày, lúc đầu Thị Hằng khai người thanh niên trên là Mai, nhưng do thận trọng nên ông Sinh chỉ ghi vào biên bản là người thanh niên giống Mai. Tuy nhiên chi tiết này đã bị HĐXX phản bác vì trong biên bản ghi lời khai đầu tiên không có dòng nào ghi là “giống Mai” mà chỉ ghi là người thanh niên mà thôi.
Dự kiến ngày hôm nay (19/5) tiếp tục phần thẩm vấn các nhân chứng. VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến phiên xét xử “kỳ án vườn Mít” này.
Đàm Đệ