- Lần đầu tiên 13 bệnh viện Trung ương ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, đảm bảo 1 bệnh nhân/giường bệnh. Tuy nhiên xung quanh cam kết này vẫn còn nhiều băn khoăn.

Danh sách 13 bệnh viện đầu tiên ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép trước Ngày thầy thuốc 27/2 gồm: Nhi Trung ương, Việt Đức, Lão Khoa, Viện E, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Tâm thần Trung ương 1, Da liễu Trung ương, Trung ương Thái Nguyên, Răng hàm mặt Trung ương, Nhiệt đới, Châm cứu Trung ương, Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Trung ương Huế.

Các bệnh viện ký cam kết theo 3 mốc thời gian, chậm nhất sau 48 giờ phải bố trí mỗi người bệnh có một giường nằm.

Lo chạy theo 'bệnh thành tích'

Thông tin 13 bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, chấm dứt tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm qua khiến người bệnh thực sự vui mừng.

Song, nhiều người không khỏi băn khoăn về tính khả thi của cam kết cũng như lo ngại quyền lợi khám chữa bệnh bị ảnh hưởng.

{keywords}
Tình trạng quá tải, nằm ghép 2-4 bệnh nhi/giường từng thường xuyên diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào đại dịch sởi 2014 - Ảnh: C.Quyên

Đang chăm sóc con tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lan (Hưng Yên) lo lắng việc bệnh viện cam kết chỉ tiêu 1 bệnh nhân/giường bệnh có thể khiến nhiều bệnh nhi bị hạn chế khám bệnh hoặc buộc phải xuất viện sớm để tránh quá tải.

Đây cũng là lo lắng chung của nhiều bệnh nhân, đặc biệt với những trường hợp sau hậu phẫu buộc phải thuê trọ bên ngoài để tiếp tục điều trị.

Trước những băn khoăn của người bệnh, bác sĩ, TS.Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, việc bệnh viện ký cam kết là có cơ sở và hoàn toàn không ảnh hưởng đến mức độ an toàn cũng như hài lòng của người bệnh.

"Người dân luôn có quyền nghi ngờ. Nhưng trong ngành y, vấn đề cam kết luôn phải đặt sự an toàn của người bệnh lên trên hết. Khi đến bệnh viện, chúng tôi luôn phải đảm bảo tiêu chí khỏi bệnh chứ không dám làm những chuyện sai nguyên tắc nghề nghiệp", ông Điển khẳng định.

TS Điển cho biết, trung bình một ngày Bệnh viện Nhi tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhi đến khám và điều trị, tuy nhiên khi dịch sởi bùng phát vào đầu năm 2014, con số này trội lên hẳn khiến bệnh viện không kịp trở tay, tình trạng 3-4 bệnh nhi/giường diễn ra phổ biến...

Sau đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đồng loạt các giải pháp như mở rộng khoa, kê thêm 290 giường, nâng cao năng lực quản lý, khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới; mỗi bác sĩ chỉ được khám 50-60 bệnh nhân/ngày thay vì 80 bệnh nhân như trước kia...

Cũng theo ông Điển, để tránh tình trạng quá tải, các khoa phải báo cáo số lượng bệnh nhân 3 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều để khi phát hiện thiếu giường, bệnh viện sẽ điều tiết ngay.

"Kết quả, 4 tháng nay, Bệnh viện Nhi Trung ương không còn nằm ghép trong vòng 24 giờ", ông Điển thông tin.

Khi được hỏi việc giảm số lượng bệnh nhân được khám/1 bác sĩ có làm giảm quyền lợi khám bệnh của người dân, ông Điển khẳng định không có chuyện đó!

"Bệnh viện tập trung tăng cường nhân lực tại khoa khám bệnh vào buổi sáng, cứ 1 tiếng sẽ kiểm tra một lần, nếu buồng nào đông sẽ phải tăng cường thêm bác sĩ. Việc khám kĩ để sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu, trường hợp nào đủ điều kiện nhập viện thì cho nhập viện, có thể điều trị tuyến dưới thì chuyển về tuyến dưới, ca nào điều trị được ở nhà cho về nhà...", ông Điển cho hay. 

Dù đã có kết quả bước đầu, nhưng theo TS Điển phải đợi đến giữa 2015 mới đánh giá được có bền vững hay không. Về lâu dài, bệnh viện sẽ đưa tòa nhà 16 tầng vào hoạt động và xây dựng thêm cơ sở 2.

Cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối từng thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, hiện nay tình trạng nằm ghép đã không còn xảy ra tại bệnh viện này.

Theo ông Quyết, hiện số lượng bệnh nhân tại Việt Đức chưa khi nào lên tới 1.050 người trong khi cả giường, cả cáng tại Việt Đức lên tới 1.100 giường.

Ông Quyết cho biết, trường hợp phát hiện trưởng khoa không điều tiết để bệnh nhân nằm ghép sẽ bị xử phạt bằng tiền.

Bộ Y tế sẽ cử đoàn giám sát

Đánh giá về việc các bệnh viện tự nguyện ký cam kết, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đây chính là mong đợi của người dân, là mục tiêu của ngành y tế.

Để có được những cam kết này là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện.

{keywords}
 Số liệu tổng hợp bệnh nhân tại các khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương vào 16h chiều 21/1

Ông Khuê cho hay, để có được những cam kết này, Bộ Y tế đã phải cùng các bệnh viện họp bàn trong nhiều phiên. Mỗi bệnh viện đề ra nhiều nhóm giải pháp về chuyên môn, quản lý, sàng lọc người bệnh, luân chuyển cán bộ, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới....

PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, việc thực hiện không nằm ghép đối vối người bệnh nội trú là một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên người dân không nên lo lắng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

"Trách nhiệm của người thầy thuốc là không được phép từ chối, cứu chữa người bệnh. Mục đích tối thượng vẫn là vì sức khỏe người bệnh nên không có lý do gì để từ chối, để không khám kỹ, không đón tiếp người bệnh đúng chuyên môn", ông Khuê nhấn mạnh.

Trước lo lắng các bệnh viện chỉ ký cam kết và để đó, ông Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các bệnh viện và đánh giá thông qua báo cáo trực tuyến số liệu hàng tuần của các cơ sở này.

Cũng theo ông Khuê, Bộ Y tế đã ban hành trên 17.500 danh mục kỹ thuật cũng như hướng dẫn điều trị, phác đồ điều trị để các bệnh viện áp dụng. Đây chính là văn bản pháp lý để có thể soi xét.

"Sau hậu cam kết, nếu vẫn còn quá tải, nằm ghép, Bộ Y tế sẽ cùng chung tay cùng các bệnh viện thực hiện đúng mục tiêu. Dĩ nhiên đây là điều không ai mong muốn xảy ra vì chúng tôi tin vào danh dự của các thầy thuốc", ông Khuê chia sẻ.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, ngoài 13 bệnh viện ký cam kết đợt đầu, sẽ có thêm 25 bệnh viện trực thuộc Bộ ký cam kết trong năm 2015.

T.Hạnh