- Khoảng 7.000 kg gồm chim, gà, heo, bò, xúc xích, mì, gia vị và trứng gà...không đạt chuẩn ATVSTP đã bị phát hiện và tiêu hủy trong chiến dịch kiểm tra trước Tết Nguyên đán.

Xử phạt 1,2 tỷ đồng

Ngày 10/2, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ ngày 25/12/2014  đến thời điểm này đã có 1.417 cơ sở được thanh tra.

Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện 375 cơ sở vi phạm, đã xử lý được 259 cơ sở với số tiền phạt lên tới trên 1,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, 7 cơ sở đã bị đình chỉ, 22 cơ sở bị thu hồi thực phẩm. Lượng thực phẩm bắt buộc tiêu hủy khoảng 7.000 kg gồm chim, gà, heo, bò, xúc xích, mì, gia vị và trứng gà.

{keywords}
Đoàn kiểm tra thực tập tại các chợ đầu mối. Ảnh: Thanh Huyền.

“Hiện tại chúng tôi đang phối hợp xử lý một cơ sở sản xuất mứt Tết ở quận 11 và khu sản xuất mứt Tết tại quận 3. Lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở này là điều kiện vệ sinh chế biến không đảm bảo ”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, các đoàn thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán 2015 cũng gặp phải sự đối phó của doanh nghiệp vi phạm... 

“Khi biết có thanh tra xuống, họ cố gắng dọn dẹp khu chế biến sản xuất trông cho ra vẻ sạch sẽ, gọn gàng. Thế nhưng cái họ không thể ngụy tạo được chính là sự xuống cấp của cơ sở vật chất và thiếu sót giấy tờ, hồ sơ.”, ông Hòa kể.

Hướng dẫn người dân ăn Tết an toàn

Năm nào cũng vậy, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng dẫn tới các nguồn cung phải tăng theo. Sự gia tăng đột xuất với số lượng quá lớn đương nhiên phát sinh nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm.

Từ ngày 19/12/2014, Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP đã ban hành văn bản, khuyến cáo người dân về an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết.

Theo đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như căng băng rôn, phát loa hướng dẫn người dân cách lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp, Công thương, Y tế và Ủy ban tại 24 quận, huyện TP.HCM cùng phối hợp để việc thanh kiểm tra thực phẩm Tết được rà soát kỹ lưỡng nhất.

TP.HCM đã thành lập 3 đoàn liên ngành (một đoàn kiểm tra công tác quản lý, một đoàn chuyên kiểm tra về phụ gia, đoàn còn lại đi thực địa tại cơ sở).

Ngoài đoàn kiểm tra liên ngành còn có các đoàn chuyên ngành. Sở Y tế có 5 đoàn, Sở công thương có 3 đoàn (phối hợp với lực lượng quản lý thị trường), Sở Nông nghiệp có 6 đoàn và 24 quận/huyện, mỗi quận huyện có ít nhất một đoàn kiểm tra.

Không chỉ thế, TP.HCM còn tổ chức chương trình bình ổn thị trường gắn liền với an toàn thực phẩm.

Các đơn vị tham gia chương trình này đã được kiểm tra về lượng hàng hóa dự trữ, đủ cung ứng cho người dân thực phẩm sạch mà giá cả vừa phải.

Để tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp năm mới, ông Hòa khuyên mọi người nên lên trang web của Chi cục ATVSTP nhằm được hướng dẫn cách lựa chọn rau củ, thịt cá…

Ngoài ra, khi mua hàng, người dân nhớ kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tránh mua các loại thực phẩm bao bì, nhãn mác không rõ ràng.

Mọi người cần biết bảo quản thực phẩm sao cho đúng cách trong những ngày Tết. Thịt sống và chín phải để riêng. Từng ngăn của tủ lạnh có nhiệt độ khác nhau, vì thế hãy để các loại thực phẩm sao cho phù hợp. Tủ lạnh phải được vệ sinh sạch sẽ, nếu không sẽ trở thành ổ bệnh.

Thanh Huyền