Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có ý tưởng tuyệt vời là mang đất ra Trường Sa để các chiến sỹ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, làm xanh các hòn đảo quanh năm vốn khô cằn trong nắng và gió biển.
Niềm trăn trở và ý tưởng bất ngờ
Thiếu tướng Hoàng Kiền có khoảng mười năm gắn bó với Trường Sa. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Học viện Lục quân, với quân hàm thiếu tá, ông được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 ở Đà Nẵng. Ngay khi về công tác ở đây, ông đã có mặt tại Trường Sa, thiết kế, chỉ đạo thi công các công trình chiến đấu. Điều khiến ông trăn trở là các đảo ở Trường Sa đều rất khô cằn, thứ cây có thể sống được chỉ là phong ba, muống biển. Các chiến sĩ thiếu rau xanh, ăn uống toàn đồ hộp trong khi thời gian nghĩa vụ quân sự thì dài, với chiến sĩ thì khoảng ba năm, còn cán bộ có khi tới chục năm.
"Đồng chí An quê Hà Nam, đảo trưởng đảo Song Tử Tây cũng mười mấy năm ở đảo. Do chế độ ăn uống nên anh em ở lâu dễ bị bệnh đường ruột. Mỗi lần trung đoàn ra đảo xây dựng, quà cho anh em chiến sĩ không có gì quý bằng rau xanh. Ai bị ốm, quà tới thăm hỏi cũng là rau củ để bồi bổ sức khỏe. Lúc ốm, thứ quý nhất lại là rau đấy", Thiếu tướng Hoàng Kền nhớ lại.
Nhưng nhu yếu phẩm của anh em đều trông vào các chuyến tàu tiếp tế của Hải quân. Mà mỗi năm, theo chương trình của Vùng 4 Hải quân ra đảo để cấp hàng thì chỉ có hai chuyến, một chuyến vào giữa năm và một chuyến vào dịp Tết. Trong số các nhu yếu phẩm, rau xanh đưa ra cho anh em cũng chỉ được vài ngày.
Từng là một người lính công binh Trường Sơn, những năm bảy mươi, thời kỳ bom đạn ác liệt nhất đi khảo sát, mở đường cũng như thời giant hi công ở đảo Bạch Long Vĩ, ông rất hiểu sự thiếu thốn của các chiến sĩ, cũng là đồng đội của mình. Ngay khi ấy kỹ sư Hoàng Kiền đã nghĩ phải làm như thế nào đó để giúp anh em có rau ăn, vừa cải thiện cuộc sống, vừa thêm gắn bó tình nghĩa giữa bộ đội ở đảo với công binh, vì các chiến sĩ hỗ trợ công binh trong xây dựng rất nhiều. Nhưng giúp cách nào khi đất màu không có, nước ngọt lại rất hiếm. Trước đó, bộ đội ở đảo cũng đã nghĩ nhiều cách, mỗi lần nghỉ phép đều mang hạt giống ra nhưng việc trồng rất khó khăn.
Thiếu tướng Hoàng Kiền trong một lần kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Kon Tum. (Ảnh: báo Quân đội nhân dân) |
Một ý tưởng đã hình thành rất nhanh chóng: Phải đưa đất màu ra đảo, mà người đưa ra không ai khác là công binh. Trung đoàn Công binh Hải quân 83 (nay là Lữ đoàn Công binh hải quân 83) là đơn vị xây dựng các công trình ở Trường Sa từ năm 1976 đến bây giờ. Mỗi năm, đơn vị ra đảo xây dựng công trình khoảng sáu tháng, tháng ba tới tháng tám, sang tháng chin vào mùa mưa bão thì rút về để huấn luyện.
"Mỗi năm chúng tôi đưa vật liệu ra Trường Sa bằng tàu vận tải loại bốn trăm tấn và loại nghìn tấn của Hải quân và Tổng cục Hậu cần. Để có thể đưa vật liệu ra cả đảo nổi, đảo chìm thì bình quân mỗi năm có khoảng bảy mươi chuyến cả tàu nhỏ, tàu to. Vậy thì, không có cách nào tốt hơn là mang đất ra đảo bằng chính những chuyến tàu ấy", Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.
Nhưng việc mang đất ra đảo cho bộ đội trồng rau không phải là nhiệm vụ của công binh, việc này cũng chả có cấp trên nào giao cho. Ông chủ động đem ý tưởng này ra bàn với Ban Chỉ huy Trung đoàn. Đây là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến việc phối hợp với tàu, công binh phải chuẩn bị và chuyển đất, nên sau đó được đưa ra Đảng ủy họp, thống nhất thực hiện và đưa vào nghị quyết mang ra Trường Sa giúp bộ đội trồng rau.
Lên rừng lấy đất chuyển ra đảo
Để có cả ngàn tấn đất đưa ra Trường Sa là cả một kỳ tích của Trung đoàn Công binh Hải quân 83. Hải quân Việt Nam đóng giữ chín đảo nổi gồm: Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang, Phan Vinh; 12 đảo chìm (các bãi đá ngầm) với tổng số 33 điểm đóng quân. Như thế cần một khối lượng đất rất lớn mới có thể cung cấp hết cho các đảo. Trong khi đó, Trung đoàn đóng quân ở Đà Nẵng, tàu chở vật liệu xây dựng ra đảo thì lại ở quân cảng Nha Trang và Cam Ranh. Nhưng tại Cam Ranh và Nha Trang không có đất màu. Vậy là an hem phải đưa xe lên rừng cách đấy hai, ba chục cây số, xúc đất màu, rồi tới trang trại nuôi trâu bò xin phân mang về phơi khô đem trộn lẫn với đất, đóng vào từng bao.
"Trên mỗi chuyến tàu chở vật liệu ra đảo, chúng tôi gửi một xe đất, khoảng bảy tấn. Một năm khoảng bảy mươi chuyến tàu thì lượng đất mang ra là rất lớn. Bắt đầu từ năm 1991 cho tới khi tôi không còn công tác ở Trung đoàn Công binh Hải quân 83 nữa (năm 1997), cả ngàn tấn đất đều đặn được mang ra các đảo", Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.
Đưa được đất lên đảo cũng là một kỳ công. Các điểm đảo đều rất xa đất liền, đảo gần nhất cũng khoảng 500km, đảo xa thì lên đến 1.000 km. Các đảo độc lập, không có cầu cảng, ngoại trừ Trường Sa Lớn, vì vậy các tàu đều phải neo cách đảo từ nửa cây số đến một cây số. từ tàu phải thả dây vào đến đảo, cột chặt lại, rồi thả xuống xuống, cẩu hàng xuống xuồng kéo vào bờ. Những năm sau chuyển sang thùng xuồng máy kéo.
Vườn rau tăng gia sản xuất, giúp đời sống các chiến sĩ hải quân được cải thiện mỗi ngày (Ảnh: ĐS&PL) |
"Khi mang được đất ra rồi, chúng tôi lại bàn với đảo, đề xuất với Bộ Tư lệnh Hải quân xem nên quy hoạch hòn đảo như thế nào, trồng rau ở đâu.Với đảo lớn, có thể làm vườn thì công binh giúp xây, vây quanh, che kín lại vì gió to, mùa mưa hứng nước, mùa mưa xây hố để thu nước tắm giặt để tưới.
Các đảo có diện tích nhỏ thì đào hố trồng bầu bí mướp leo lên giàn. Kết hợp trồng rau. Với đảo chìm, mỗi năm xây dựng xong, gỗ cốt pha rất nhiều, công binh tận dụng đem đóng thành hộc, cho đất vào đem tặng cho các chiến sĩ xếp quanh nhà để trồng rau.
Lần nào ra, chúng tôi cũng mang hạt giống ra, nhiều nhất là hạt rau cải, hạt rau muống. Hạt giống một phần do trên cấp, một phần chúng tôi mua để tặng an hem mỗi đảo một ít", Tướng Hoàng Kiền kể.
Xây kè quanh đảo
Vấn đề còn lại là làm thế nào để có nước ngọt sinh hoạt cũng như tưới cây. Đảo chìm thì ngập quanh năm, đảo nổi thì toàn đá, cát, san hô. Do độ xốp của đá cát phong hóa từ san hô nên khi trời mưa xuống, trừ những đảo lớn còn tích được một ít nước lợ, có thể tắm giặt; các đảo khác nước mưa trôi hết. Các đảo đều bị xói lở nghiêm trọng do sóng đánh vỡ cả công trình mà trung đoàn Công binh Hải quân 83 xây dựng.
Công trình xây dựng trên quần đảo Trường Sa năm 1989 (Ảnh: Petrotimes) |
"Lực lượng công binh Hải quân chúng tôi đề xuất vói quân chủng hải quân báo cáo lên bộ tham mưu xây kè quanh đảo. Đầu tiên xây bằng đá, nhưng sau thấy không an toàn nên chuyển sang đổ bê tông. Làm bê tông vây quanh đảo thành cái giếng kín, khi mưa đổ chúng tôi sẽ giữ nước ngọt lại, từ đó mới có nước ngọt cho sinh hoạt, nước được giữ lại thì cây xanh mới lên được", Thiếu tướng Hoàng Kiền kể lại.
Như thế từ ý tưởng đưa đất, đưa phân ra Trường Sa cho đến đề xuất xây kè chống xói lở, cũng là kè giữ nước ngọt của Thiếu tướng Hoàng Kiền các đảo đều có kè xung quanh, rau xanh cũng đã được trồng. Khi những mần rau nhỏ li ti nhú lên, không gì có thể lột tả niềm vui của các chiến sĩ nơi đảo xa. Lòng người chỉ huy Trung đoàn công binh Hải quân 83 dũng cảm thấy vô cùng ấm áp.
Những đóng góp của Thiếu tướng Hoàng Kiền đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc vói các chiến sĩ ở Trường Sa. Mặc dù đã gần 20 năm nay, Thiếu tướng Hoàng Kiền không còn công tác ở Trung đoàn Công binh 83, cũng là bằng ấy năm ông không còn thiết kế, chỉ đạo công trình ở đây, nhưng bây giờ nhắc tên ông thì không chiến sĩ nào ở Trường Sa không biết. Anh em chiến sĩ nhắc đến Thiếu tướng là nhắc đến người có công đầu khi đưa đất ra Trường Sa
(Theo Tin Tức - số Xuân Ất Mùi)