- Những tranh luận trái chiều về đề xuất tịch thu xe càng lúc càng nóng bỏng. Nhiều ý kiến cho rằng không thể tùy tiện tịch thu tài sản của người dân, và trong trường hợp lái xe chỉ là người làm thuê, thì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hàng loạt.

Theo nhiều người dân, xe là tài sản công dân, tài sản hợp pháp đã được luật pháp bảo hộ. Nếu công dân vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, có thể bị phạt tiền, tước bằng lái có thời hạn hoặc vĩnh viễn, thậm chí bỏ tù lái xe.

"Xử lý đúng và trúng vào đối tượng vi phạm như vậy sẽ tăng tính răn đe, cảnh báo mạnh mẽ tới người sử dụng phương tiện. Tịch thu phương tiện, trong trường hợp đó là tài sản của công dân đã là vấn đề cần phải bàn đến chứ không dễ thực hiện ngay được" - anh T. làm nghề lái xe ở Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt mối băn khoăn khác liên quan đến đề xuất tịch thu phương tiện.

Cụ thể, trường hợp người lái xe chỉ là người làm thuê, và tài sản đó lại thuộc một đối tượng khác: chủ cho thuê xe, chủ doanh nghiệp, hoặc là tài sản công thì sao?

Người lái xe cho cơ quan công quyền uống bia rượu, bị tịch thu xe của công (thường trị giá lên đến hàng tỉ đồng hoặc vài tỉ đồng), liệu lái xe có đền nổi hay không?

Chủ một DN vận tải ở Hà Nội lại băn khoăn: Những công ty cho thuê xe sẽ phải đóng cửa hàng loạt vì làm sao dám giao xe cho lái xe hoạt động độc lập khi chở khách, có khi đến cả tuần trên đường, và sao dám giao xe cho người lạ khi không thể kiểm soát được khách thuê xe sau khi thuê có dùng bia rượu hay không?

{keywords}

Còn có hàng loạt mối băn khoăn liên quan đến đề xuất tịch thu phương tiện.

Đặc biệt hơn nữa, theo vị này, nếu lái xe thuộc các doanh nghiệp hoạt động vận tải mà vi phạm, xe bị tịch thu thì giải quyết thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trong cuộc tọa đàm hôm 11/3 tại Hà Nội, đã có những tranh luận trái chiều căng thẳng. Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, các tài xế phải có trách nhiệm đền bù cho chủ xe nếu xe bị tịch thu; và trên một số diễn đàn, trang mạng, luật sư Trần Vũ Hải cũng giải thích là: “Nếu người chủ xe vô can, thì xe sẽ trả lại cho chủ (Điều 126), như vậy chủ doanh nghiệp không hề gì, còn lái xe buộc phải nộp phạt số tiền bằng giá trị xe”.

Tuy nhiên, dư luận đang không đồng tình với các ý kiến này. Trao đổi, đại diện một hãng taxi có tiếng tại Hà Nội bày tỏ: “Làm sao lái xe có thể đền cho chủ doanh nghiệp những chiếc xe trị giá vài trăm triệu hoặc hàng tỉ đồng, khi mà đa phần trong số họ là những người phải lo chạy từng bữa ăn cho gia đình? Hơn nữa, phương tiện sẽ bị tạm giữ cho đến khi nào lái xe vi phạm hành chính hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt (Điều 126). Như vậy, trong trường hợp không thể cưỡng chế được lái xe nộp phạt hàng tỉ đồng, phương tiện của chủ doanh nghiệp sẽ bị thu giữ đến bao giờ?".

Theo vị này, điều đó có khác nào phương tiện bị tịch thu? Trong thời gian đó, lẽ ra phương tiện được dùng để kinh doanh thì lại nằm chết một chỗ, ép doanh nghiệp đi vào 'đường cùng'.

Tương tự, đại diện Ban Giám đốc của một công ty cho thuê xe tại TP.HCM cũng bức xúc khi nhắc đến đề xuất này: “Tịch thu mà không cần phân biệt rõ người vi phạm và chủ phương tiện, như vậy thì các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại vô cùng nặng nề, và phát sinh quá nhiều bất công. Lái xe vi phạm thì chỉ xử phạt đúng vào người lái thôi chứ? Doanh nghiệp có vi phạm đâu mà cũng bị “xử phạt” vậy?”.

Đặc biệt, theo đại diện của nhiều DN trong ngành vận tải ô tô, chắc chắn họ sẽ lâm vào cảnh khó khăn chồng chất và hàng triệu người lao động có thể mất việc làm nếu nhà nước tịch thu xe của doanh nghiệp.

“Chúng tôi không phản đối chủ trương đúng đắn nhằm kiềm chế, kéo giảm tỉ lệ thương vong bởi TNGT hàng năm. Vấn đề là cách chúng ta làm như thế nào để vẫn giữ nghiêm kỷ cương nhưng phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong xã hội. Một số nước văn minh trên thế giới cũng áp dụng biện pháp tịch thu xe, nhưng chỉ trong trường hợp tái phạm nhiều lần hoặc sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp: phạt tiền, thu bằng có thời hạn đến vĩnh viễn, phạt cải tạo công ích hoặc giam giữ” - đại diện một hãng vận chuyển hành khách Bắc Nam kiến nghị.

Được biết, ngành vận tải đường bộ (gồm các hãng vận chuyển hàng hóa, vận tải hành khách và vận tải taxi, các doanh nghiệp cho thuê xe ô tô) với số phương tiện khoảng 2 triệu xe, chịu trách nhiệm tới hơn 90% về vận chuyển hành khách và hàng hóa tại Việt Nam.

Đa số tài xế điều khiển 2 triệu phương tiện này không phải là chủ sở hữu. Vì vậy, ngành vận tải ô tô Việt Nam chính là đối tượng đang đối mặt với rủi ro quá lớn và nguy cơ phá sản nếu đề xuất được thông qua mà không xét đến yếu tố quan trọng là phải tách bạch rõ khái niệm chủ sở hữu phương tiện và người vi phạm.

Đông Sơn