Liên quan đến việc người phụ nữ lượm ve chai (Huỳnh Thị Ánh Hồng, 36 tuổi, quê Quảng Ngãi) nhặt được 5 triệu yên Nhật trong một chiếc loa thùng vào tháng 4/2014, theo luật thì đến hết tháng 4/2015 tới là tròn 1 năm mà CA quận Tân Bình (TP.HCM) đã công khai thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ hợp pháp không đến nhận, số tiền sẽ được chính thức tuyên bố là vô chủ.

Nhặt được 5 triệu Yên Nhật: Chồng về quê chăn bò, vợ buôn ve chai

Một cán bộ CA quận Tân Bình cho hay, chị Ánh Hồng sẽ trở thành người chủ hợp pháp, nên sẽ lãnh trọn số tiền này từ Kho bạc Nhà nước (quy đổi ra, tương đương hơn 897 triệu VND, theo tỷ giá hiện hành).

Chiều 23/3, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cho biết, CA phường 10 đã mời vợ chồng chị đến trụ sở đơn vị này để hướng dẫn làm lại đơn để gửi lại cho CQĐT CA quận Tân Bình, nhằm cũng cố hồ sơ liên quan vụ nhặt tiền.

{keywords}
Số tiền hơn 5 triệu Yên mà chị Ánh Hồng đã nộp cơ quan CA quận Tân Bình. Đã hơn 1 năm trôi qua, chị mong nhận được số tiền này mà chị đã "mua" lại, để hy vọng có tiền cho hai con ăn học nên người

Chị Hồng cho biết, những nội dung mà CA yêu cầu chỉnh sửa lại trong lá đơn lần này là các nội dung khai báo địa chỉ tạm trú để CA chứng nhận lại. 

Làm và chứng lại nội dung mà vợ chồng chị này vô tình nhặt được tiền; thời gian nhặt được, thời gian giao số tiền trên cho CA phường để đơn vị này chuyển lên CQĐT CA quận để nhờ giữ giùm do vợ chồng bà cảm thấy bất an sau khi nhặt được tiền.

Vụ việc xảy ra vào ngày 22/3/2014. Lúc đó, vợ chồng chị tháo một cái loa cũ mà vợ chồng chị mua được trong đống ve chai thì phát hiện gói tiền trên. Vụ việc nhanh chóng được lan đi và có nhiều người đến tự nhận là chủ của gói tiền và đòi vợ chồng chị phải chia lại cho họ. 

Lo sợ xảy ra việc chẳng lành nên vợ chồng chị đã trình báo sự việc ra CA phường. Sau khi thụ lý và lấy lời khai những người liên quan sơ bộ ban đầu, đơn vị này đã chuyển hồ sơ cùng số tiền trên lên CQĐT CA quận Tân Bình thụ lý điều tra tiếp. 

Tại đây, cũng đã có một số người đến tự nhận là chủ của số tiền kia nhưng chưa có ai chứng minh đầy đủ các vấn đề liên quan đến chuyện chính họ là chủ sở hữu.

“Đến tận hôm nay (chiều 23/3/2014, một năm sau khi xảy ra sự việc), chẳng có ai tranh chấp với vợ chồng tôi về nguồn gốc của số tiền này", chị Hồng khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cho biết đang chờ mong đến ngày được nhận số tiền “từ trên trời rơi xuống” mà CA quận Tân Bình đang tạm giữ giúp.

Chị kể, từ ngày thông tin về việc hai vợ chồng chị nhặt được tiền thì họ hàng, người thân ai cũng hỏi thăm, chúc mừng cho vợ chồng chị. Khi nào cơ quan chức năng mời chị lên thì chị sẽ gọi chồng vào để cùng đi nhận.

{keywords}
Bà con ở cái "xóm ve chai" cũng cầu mong cho gia đình chị Hồng (giữa), nhận được số tiền "từ trên trời rơi xuống" này, để gia đình chị bớt cơ cực

Chúng tôi hỏi: “Nếu nhận được toàn bộ số tiền, chị có dự định một "kế hoạch đổi đời" trong tương lai hay không?”. “Tui sẽ gửi ngân hàng để dành cho hai con ăn học”, chị Hồng cười.

Chị kể, hai vợ chồng chị đều nghèo, ước mong lớn nhất của cả hai là hai con được ăn học nên người. “Tui chỉ nghĩ đơn giản có số tiền đó thì gia đình tui bớt khổ, con tui có cơ hội ăn học nên người.”. Đó là một khoản lớn mà chị sẽ dành ra cho các con ăn học. Còn lại, gia đình chị cũng dự định mua một vài vật dụng trong nhà, cho bà con họ hàng một ít và cũng phải chừa phần để làm từ thiện vì "lộc trời cho thì phải san sẻ lại với những người cùng hoàn cả hoặc khó khăn hơn mình, mới phải đạo.", chị Hồng chia sẻ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP. HCM) thì, vợ chồng người mua ve chai là người đã phát hiện ra số tiền trong cái loa, là tài sản mà họ mua tại nhà của mình. Đương nhiên người bán loa chỉ định đoạt về quyền sở hữu với cái loa chứ không định đoạt số tiền ẩn chứa trong đó. 

Trong khi Điều 241 BLDS quy định “người nào nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên…”. Vật bị đánh rơi, bỏ quên phải là vật do chủ sở hữu vô ý từ bỏ, vật đó đã ra ngoài kiểm soát, chiếm hữu trái với ý chí của chủ sở hữu. Thêm nữa, vật bỏ quên, đánh rơi được người nhặt được tại vị trí nhất định như tại nhà, trên xe buýt, chợ, nơi công cộng…

Có thể số tiền trên là vật bỏ quên (cất giấu trong loa rồi quên). Tuy nhiên, cách bỏ quên không hẳn giống như quy định tại Điều 241. Hơn nữa, người mua ve chai cũng không nhặt được số tiền trên. Như thế, trường hợp này người mua ve chai phát hiện ra tài sản mà không biết ai là chủ sở hữu và cũng không có căn cứ xác định được chủ sở hữu là ai thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 239 BLDS là phù hợp. 

Bởi lẽ Điều 239 là quy định chung, còn Điều 240 (xác lập quyền sở hữu với vật bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy), Điều 241 (xác lập quyền sở hữu với vật đánh rơi, bỏ quên) là quy định riêng. Nếu quy định riêng không thỏa mãn các điều kiện khi áp dụng thì quay về áp dụng quy định chung.

"Tóm lại theo tôi, trường hợp này áp dụng khoản 2 Điều 239 BLDS để xác lập quyền sở hữu toàn bộ 5.240.000 Yen cho chị Hồng là hoàn toàn hợp lý, hợp tình",
vị luật sư nhận định

(Theo Gia đình & Xã hội)