- Có rất nhiều người không ủng hộ việc đưa quyền được chết vào luật. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nói về quyền được sống, để từ đó có cái nhìn chính xác hơn về quyền được chết.

Quyền được sống

Bệnh nhân nặng, người nhà yêu cầu rút máy thở, mang về. Bác sĩ khám bệnh, bằng kinh nghiệm lâm sàng, cho rằng bệnh nhân này khó mà qua khỏi, giải thích cho người nhà. Người nhà kí giấy mang về. Bệnh nhân hôn mê sâu, theo bác sĩ thì cần phải mổ mới có khả năng cứu sống, mặc dù khả năng cứu sống chỉ 5% đến 10%. Gia đình không đồng ý, không cho mổ, cuối cùng khi bệnh nhân chết, gia đình mang về mai táng.

Bệnh nhân bị ung thư di căn nhiều chỗ, nhưng vẫn không đầu hàng số phận, nhất định đề nghị bác sĩ mổ, xạ trị, hóa trị. Bác sĩ thấy việc làm của mình vô ích, từ chối tiếp tục điều trị, còn ân cần dặn người nhà: Thôi, về thích ăn gì thì cho ăn đi, chẳng được bao lâu nữa đâu.

{keywords}
Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Trong một câu chuyện, tôi kể rằng tôi đã từng nổi điên, chửi và đuổi con của một ông cụ, vì dứt khoát không đồng ý cho chúng tôi mổ để cứu ông ấy. Không có một bác sĩ nào, nhất là các bác sĩ đã từng làm cấp cứu, mà trong cuộc đời hành nghề của mình không gặp ít nhất một trường hợp bất nhẫn, khi thân nhân người bệnh quyết định ngưng điều trị. Điều này còn vô cùng bất nhẫn khi người bệnh là các cháu bé, mà cha mẹ chúng có toàn quyền bắt chúng phải chết, hoặc khi những người con của người bệnh già so bì, tị nạnh, rồi quyết định ngưng điều trị cho cha mẹ mình.

Trong tất cả các câu chuyện trên, người thầy thuốc và người nhà của người bệnh đã ra quyết định để cho người bệnh chết, hoặc gián tiếp để cho họ chết thông qua việc không tiếp tục chữa trị.

Vấn đề là quyết định này hoàn toàn không xuất phát từ nguyện vọng của chính người bệnh. Đồng ý rằng người bệnh hôn mê, không thể hỏi ý kiến được, nhưng điều đó vẫn không thể biện minh cho việc chúng ta quyết định chấm dứt một mạng sống mà chúng ta không sở hữu.

Tôi đã từng kể về một trường hợp thương tổn thân não, hôn mê sâu, ngưng thở, mất hết các phản xạ, kể cả phản xạ ho sặc. Cứ mỗi lần định rút máy thở thì cha bệnh nhân lại quỳ lạy. Sau nhiều tháng trời, bệnh nhân sống lại.

Nhiều năm sau, tôi tình cờ gặp lại, bệnh nhân gần như bình thường. Tôi nhớ rằng khi tôi kể câu chuyện này, có nhiều bạn đã đưa ra nhiều câu chuyện kì diệu có thật khác. Như vậy, liệu rằng những quyết định tước đi mạng sống của người bệnh nói trên có đúng hay không?

Chắc chắn sẽ có nhiều người nói là chúng ta làm đúng, luật pháp cho phép việc đó. Đúng rồi, luật pháp cho phép, không ai bị kiện cáo cả, không ai bị kết tội cả. Thầy thuốc và thân nhân người bệnh đều cảm thấy thoải mái.

Sau một thời gian đau buồn, thầy thuốc và thân nhân người bệnh trở lại cuộc sống thường ngày, với lương tâm trong sáng. Chúng ta lại vui vẻ tận hưởng cuộc sống. Và không ai biết rằng, cái người bệnh đã đi sang thế giới bên kia có thấy sự ra đi của mình là thỏa đáng hay không?

Rõ ràng là chúng ta, những người không sở hữu cái mạng sống kia, đã tự ý quyết định chấm dứt nó, mà không có ý kiến của chủ sở hữu. Chúng ta lí luận đủ thứ, nào là làm sao có đủ máy thở, làm sao có đủ tiền bạc… Chúng ta quên mất một điều, tất cả những lí do mà chúng ta mang ra để chấm dứt sớm cuộc sống của một con người, đều không phải để mang lại điều tốt đẹp cho con người đó.

Việc rút ống nội khí quản, tắt nguồn dopamin (hay các thuốc vận mạch khác) trong khi tim vẫn còn đang đập (cho dù là đập do vận mạch), sự trao đổi oxy vẫn đang diễn ra ở các phế nang (cho dù là nhờ sự hỗ trợ của máy móc), có là việc làm đúng hay không? Việc đó, khi chưa có sự đồng ý của người bệnh, có đồng nghĩa với việc tước đi quyền được sống của người bệnh hay không? Xin nhấn mạnh, bắt họ phải chết, trong khi không biết họ có thực sự muốn chết hay không.

Tại sao hành động rút máy thở, khóa dây truyền dopamin, ngắt đi sự sống của một con người khi không biết là họ có muốn chết hay không thì được chúng ta đồng ý, mà chúng ta lại phản đối việc tiêm thuốc độc cho một người, để họ được chết theo đúng như mong muốn của họ?

Hãy tôn trọng quyền được sống và cả quyền được chết của con người!

Quyền được chết

Bạn đứng đó, nhìn người bệnh quằn quại trong đau đớn từ ngày này sang ngày khác mà chẳng làm gì được cho người ta. Người bệnh thì chỉ muốn được giải thoát. Với họ, mạng sống không còn giá trị gì nữa, ngoài việc làm cho nỗi đau khổ của họ kéo dài thêm.

Khi đó, người bệnh muốn được chết. Tất nhiên bạn sẽ giải thích cho họ, mạng sống quí giá như thế nào, rằng chúng ta phải nuôi hi vọng, rằng chúng ta phải trân trọng mạng sống mà Đấng tạo hóa ban cho… Bạn nói hay lắm, nhưng bạn đâu có đau đâu mà biết cái khát vọng được chết kia lớn như thế nào.

Ngày nào bạn cũng đứng nhìn người bệnh quằn quại, la thét, đòi chết. Ngày nào bạn cũng cố gắng thuyết phục người bệnh, dũng cảm lên, đừng có nghĩ đến cái chết, có khi bạn còn nhỏ những giọt nước mắt, có khi bạn vừa nuốt nước mắt, vừa cố vui đùa, nói tếu với người bệnh… Và bạn cảm thấy thanh thản, vì bạn không giết người.

Con người có quyền được sống, vậy thì họ cũng có quyền được chết.

Mạng sống quý giá thật, sự sống quý giá thật, nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, vào một thời điểm nhất định, đối với một con người nhất định, nó mất đi sự quý giá, và trở thành nguồn gốc cho những đau khổ mà họ phải gánh chịu. Chủ sở hữu của cái cuộc đời đang mang cái sự sống ấy phải có quyền được lựa chọn, cái gì là tốt nhất cho họ.

Nếu người thầy thuốc quan niệm rằng việc giúp cho một người bệnh được chết khi không còn khả năng cứu chữa cho họ, khi họ mong muốn chấm dứt cái sự sống gây đau khổ cho họ, là một phương pháp chữa bệnh, là giúp họ giải thoát khỏi những đau đớn của cuộc đời, sẽ cảm thấy thanh thản hơn.

Hãy nghĩ đi, để cho mình được có cảm giác thanh thản, rằng mình không giết người, chúng ta để mặc cho người bệnh chịu đựng sự đau khổ của họ, không đếm xỉa đến nguyện vọng được chết của họ. Như vậy là nhân đạo hơn, hay giải thoát cho người bệnh, đúng theo nguyện vọng của họ, là nhân đạo hơn?

Đồng thời, chúng ta cũng phải hiểu rằng, không ai có quyền quyết định thay người bệnh, trong việc bắt họ tiếp tục sống, hay để cho họ được chết theo mong muốn, kể cả khi người đó là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột thịt.

Đôi khi, việc duy trì tình trạng đau đớn của người bệnh mà không cho họ chết theo nguyện vọng, có thể được hiểu theo cách khác, rằng chúng ta mong muốn họ phải chịu đau đớn nhiều hơn.

Tất nhiên, nếu chúng ta ủng hộ quyền được chết, chúng ta phải có đầy đủ các qui định pháp lý, các quy trình cụ thể, để có thể xác định thực sự người bệnh đã hết hi vọng cứu chữa, và nguyện vọng được chết của người bệnh không phải do một trạng thái tâm thần bất thường chi phối, cũng không phải là một nguyện vọng nhất thời.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

*Tiêu đề do VietNamNet đặt