– Trong khi người tâm thần đang gây ra những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân và cho cả cộng đồng bằng những án mạng đau lòng thì việc tuyên truyền kiến thức, kiểm soát, dự phòng, điều trị đối với căn bệnh này hiện còn rất hạn chế.
 

LTS:Thời gian gần đây có rất nhiều vụ án mạng thương tâm xảy ra do người tâm thần là hung thủ. Ngược lại, cũng có rất nhiều người tâm thần bị hãm hại, có thai và để lại hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia tâm thần học, đây là hệ quả tất yếu của việc kiểm soát người mắc bệnh tâm thần không tốt, nhiều người mắc bệnh mà không hề biết nên không được cách ly, điều trị kịp thời. Việc chung sống với người bị tâm thần đang trở thành nỗi lo lắng của cả cộng đồng vì họ có thể bị “làm thịt” bất cứ lúc nào.

Hiện nay khái niệm “tâm thần” ngày càng được mở rộng, nhất là trong xã hội hiện đại, các triệu chứng tâm thần xuất hiện ngày càng nhiều do sức ép lớn từ công việc, cuộc sống. Vì thế, việc tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng về bệnh tâm thần, việc đào tạo đội ngũ bác sỹ chuyên khoa tâm thần và đặc biệt là đẩy mạnh công tác dự phòng bệnh tâm thần đang trở nên cấp thiết.


Những con số báo động
 
Số người gặp các triệu chứng về tâm thần ngày càng nhiều, đặc biệt là các bạn trẻ (Ảnh minh họa: 24h)
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai) thì số liệu thống kê năm 2010 cho thấy 46% dân số nước ta bị trầm cảm, căng thẳng (với các biểu hiện như lo âu, căng thẳng, mất khả năng tập trung, suy giảm lòng tin, không bằng lòng với cuộc sống và không nhìn thấy tương lai, vv…).

Trong số 46% bị trầm cảm, chỉ có 0,2% tìm đến bác sỹ tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời, còn lại hoặc là không biết, hoặc biết nhưng không can thiệp hoặc can thiệp nhưng không đúng cách (do không có đủ hiểu biết về bệnh và cách trị bệnh). Trong khi đó, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây tự sát và tai nạn rất lớn.

Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 mới được công bố cho thấy, trong số hơn 10.000 thanh thiếu niên có tới hơn 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tử tử.

So với số liệu cuộc điều tra vào năm 2003 thì tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên cao, đặc biệt cảm giác nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên khoảng 30%. Thế nhưng, số người được chẩn đoán hoặc tự biết mình có bệnh tâm lý chỉ chiếm dưới 20%, còn lại không biết mình có bệnh.

Hiện nay, các rối loạn tâm thần chủ yếu gồm 5 loại: rối loạn khả năng định hướng; rối loạn tri giác; rối loạn tư duy; rối loạn cảm xúc và suy giảm trí nhớ. Điều đáng ngại là đối tượng bị bệnh tâm thần ngày càng được trẻ hóa.

Vài năm trở lại đây, trong số các bệnh nhân bị tâm thần phải vào viện khám và điều trị, có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi). Số người bị tâm thần do các yếu tố ngoại sinh (hoàn cảnh, môi trường sống, tai nạn giao thông, vv…) ngày càng nhiều.

Thống kê năm 2002 trên cả nước cho thấy: Tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh tâm thần là 14,9%. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng nhận định: “Sau 9 năm, tỷ lệ này chắc chắn đã tăng cao hơn nhiều bởi môi trường sống đã thay đổi rất nhiều”. Số liệu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho thấy có trên 30% dân số Việt Nam bị rối loạn cảm xúc. Nếu không được tháo gỡ, những rối loạn này sẽ đẩy người bệnh vào “vòng xoắn” cực đoan, gây ra hành động khó lường.

Kiểm soát bệnh nhân tâm thần không hiệu quả

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, hiện nay việc dự phòng và kiểm soát bệnh nhân tâm thần chưa hiệu quả vì công tác này chưa được chú trọng đúng mức. Vì thế, nhiều người bị tâm thần nhưng vẫn được “thả rông”, vô tư sống trong cộng đồng và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Hiện cả nước chỉ có 36 trung tâm, khoa và bệnh viện về tâm thần (trong tổng số 63 tỉnh thành). Còn lại ở các địa phương vẫn phải duy trì việc chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần trong các bệnh viện đa khoa hoặc các trung tâm chữa bệnh xã hội. Đặc biệt là vẫn còn Điện Biên đang “trắng xóa” đội ngũ bác sĩ và cơ sở y tế dành cho người tâm thần.

Hiện nay, theo đánh giá của các các chuyên gia y tế thì hệ thống dự phòng đối với bệnh tâm thần ở Việt Nam đang thể hiện vai trò rất mờ nhạt. Việc tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu để ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh tâm thần hiện rất hạn chế (Ảnh minh họa: Giaoducsuckhoe.com)

Cùng chung quan điểm này, bác sỹ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán, TP.HCM cho rằng lực lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần hiện quá mỏng, dù đã đưa hệ thống cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần xuống đến tận phường, xã nhưng vẫn không thể nào quán xuyến hết được.

Bên cạnh đó, ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn bị coi nhẹ: “Tại một số nước tiên tiến, người ta có các trung tâm trông nom bệnh nhân tâm thần theo diện bán trú để người thân yên tâm đi làm. Đối với đối tượng bệnh nhân nguy hiểm, có nguy cơ giết người hoặc từng giết người sẽ được cho vào khu biệt lập, có cấu trúc đặc biệt, được giám sát 24/24h, có công an và bác sĩ điều trị túc trực. Đấy là nói chuyện nước người ta, chứ nước mình còn bao thứ phải lo, kinh phí đâu ra mà đầu tư cho người tâm thần nhiều như thế. Đến bệnh nhân bình thường còn chẳng có chỗ mà nằm nữa là!” – Bác sĩ Thắng chia sẻ.

Một nguyên nhân khác khiến việc kiểm soát và dự phòng bệnh tâm thần không hiệu quả là do nhiều người dân chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh, không ít người còn thành kiến với ngành tâm thần, thậm chí giấu giếm bệnh tật. Một số ý kiến cho rằng điên thì chữa thế nào được, đi khám cho mất công. Đó là quan điểm hết sức ấu trĩ.

Mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán khám cho từ 500 đến 600 bệnh. Số bệnh tâm thần phân liệt mãn tính phải điều trị suốt đời chỉ chiếm từ 0,5 đến 1%. Còn lại, đa số là các bệnh nhân đến chữa, xin tư vấn về bệnh trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Những bệnh lý này có thể chỉ cần điều trị một thời gian ngắn là sẽ khỏi hẳn.

Việc không kiểm soát được người tâm thần một cách triệt để còn gây ra những hệ lụy xã hội phức tạp. Có nhiều người tâm thần là nữ đã bị hãm hiếp và có thai. Họ không đủ khả năng nhận thức nên cái thai thường vẫn phát triển bình thường rồi chào đời, gây ra những gánh nặng cho cộng đồng.

Cẩm Quyên – Thanh Huyền

Tự cắt “của quý” vì người khác... xui khiến
Do mắc chứng “ảo thanh” nên người này thường xuyên nghe thấy những lời xui khiến văng văng trong đầu, nói rằng “chỗ ấy của ngươi là con chó xấu xí, hãy tiêu diệt nó”.
 
Nghe tiếng chuột, chó cũng nghi vợ ngoại tình
Nửa đêm, nằm cạnh vợ, hễ cứ nghe tiếng chuột, chó chạy ngoài vườn là T. lại bật dậy, soi đèn pin đi tuần, quyết bắt cho được cái thằng đi “chim chuột” vợ người khác.