- Từ bao đời sống bằng nghề bẫy chim trời, những người 'thợ sát chim' tại xóm Trung, thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái đã được thừa hưởng nhiều “ngón nghề độc nhất vô nhị” của lớp người đi trước. Họ cũng 'không ngừng học hỏi' và phát triển thêm cái nghề cha ông truyền lại cho mình...
TIN LIÊN QUAN:
Diện kiến những cao thủ 'sát chim'
Mỗi năm, những “kẻ sát chim” này đã “kết liễu
sinh mạng” của hàng tỉ con chim, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như cu
gáy, yểng.
|
"Tiễn" chim về trời
Bỏ ra nhiều công sức thuyết phục, cuối cùng, ông Hà cũng đồng ý cho chúng tôi đi theo và tận mắt chứng kiến một buổi bẫy chim ngói.
Với bộ đồ nghề thô sơ: 4 cành lá cót, một lồng nhốt chim mồi, một cuộn dây chạc, một vỉ ruồi, hai tấm lưới khổ 2x5m, 4 cọc tre cao 2,5m (không vót nhọn đầu) có một đầu được buộc với đinh nhọn, ông Hà nhanh chóng giăng thành một cái bẫy gồm hai cánh lưới ngả ra hai bên đường.
Ở giữa 2 tấm lưới là một con chim ngói mồi được khâu 2 mắt và đặt trên một vỉ ruồi có nối dây để máy từ xa. Người bẫy chim sẽ chọn một nơi thích hợp rồi cắm những cành cây cót làm nơi ẩn náu để quan sát và giật bẫy.
Khi thấy những đàn chim ngói bay gần bẫy chim, ông Hà giật giật đoạn dây gắn với vỉ ruồi để máy chim mồi. Chim mồi hết bay lên lại hạ xuống như báo hiệu với đồng loại đang có thức ăn ở trong khu vực đặt bẫy. Khi đàn chim ngói sà xuống đúng bẫy, ông giật bẫy chim làm cho hai tấm lưới úp vào nhau.
Đàn chim đã nằm gọn trong lưới. Công việc còn lại của người bẫy chim là gỡ lưới và thu “chiến lợi phẩm” của mình. Với cách bẫy này, thợ bẫy chim có thể áp dụng đối với cả chim sẻ và chim cu gáy (chỉ khác ở chim mồi).
Mỗi loại chim có một cách bẫy khác nhau - (Ảnh: Minh Phúc) |
Thường thì mỗi lần đi bẫy, người bẫy chim mang theo vài trăm que chông để cắm thành bãi rộng. Những chiếc chông được cắm so le nhau, que nọ cách que kia 25cm.
Ngoài ra, để dụ cò từ trên cao xuống, thợ bẫy chim phải sử dụng đến một con cò mồi (sống) và nhiều cò mồi khác bằng gỗ để tượng trưng có nhiều cò đang ăn ở bãi đất đặt bẫy (thế mới có câu “Cò gỗ mổ cò thật”). Khi cò sà xuống, 2 cánh của nó sẽ chạm vào những que chông cắm chằng chịt và mắc bẫy. Ngoài cách này, có thể bắt cò bằng bẫy lưới (mô hình gần giống bẫy chim ngói).
Đối với chim chào mào, cách thông dụng nhất để bắt là dùng bẫy lồng. Trong lồng sẽ chứa những loại thức ăn mà loài chim này ưa thích như trái dâu chín, trái vải. Các loại thức ăn này được gắn với một lẫy sập cửa lồng. Khi chim chui vào lồng mổ trái chín thì cửa lồng sẽ đóng lại.
Ngày nay, do được sự trợ giúp của loa đài, nhiều thợ bẫy chim còn thâu tiếng chim kêu để sử dụng trong các lần đánh bắt. Hiệu quả mà nó đem lại là rất lớn, và tất nhiên kèm theo đó là số lượng chim trời bị diệt cũng lớn theo.
Những người “ngây thơ” pháp luật?
Khi chúng tôi hỏi một số thợ sát chim ở đây rằng, bẫy chim như thế thì có vi phạm pháp luật không? Họ đều trả lời là: “Tôi chẳng làm gì trái pháp luật cả”.
Nhưng có một điều làm chúng tôi thắc mắc là tại sao họ lại nói một đằng mà làm một nẻo. Nếu họ không làm gì sai thì việc gì cứ phải dấu dấu diếm diếm đồ nghề trong nhà để càng ít người trông thấy càng tốt? Khi ra ngoài bẫy chim việc gì phải che thật kín lồng và lén la lén lút lẩn tránh cán bộ thanh tra môi trường? Tại sao chính quyền xã lại ngồi yên xem “màn kịch có thật” mang tên: “tận diệt chim trời” như thế này?
Khi thâm nhập vào "gian nhà tù chim” kín đáo của anh M, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi hình ảnh vài chục con chim ngói đang nhao nhác trong chiếc lồng sắt to như cái máy giặt.
Đây chính là “chiến lợi phẩm” anh thu được sau một chuyến đi. Ở nhà anh còn có 3 con chim cu gáy đã đủ tháng xuất chuồng. Liệu anh M có biết rằng, những hành động của mình là trái pháp luật hay không? Câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn trong đầu chúng tôi dai dẳng.
Số phận chim sa lưới
Thông qua những người thợ bẫy chim trong xóm, chúng tôi biết đến một đầu nậu chuyên thu mua chim ở khắp các xã trong vùng để giết thịt hoặc kinh doanh chim cảnh.
Anh tên là Nguyễn Văn H trước đây cũng làm nghề bẫy chim. Anh H cho biết, vào trái vụ (từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch), giá thu mua một con chim sẻ là 6 ngàn đồng và bán ra 7 ngàn đồng, chim chào mào mua vào 35 ngàn và bán ra 40-50 ngàn đồng, chim ngói mua vào 50 ngàn và bán ra 55 ngàn đồng, chim cuốc nhập 40 ngàn và bán ra 45 ngàn, chim cò nhập 19 ngàn và bán ra 25 ngàn đồng.
Còn nếu vào mùa vụ đánh bắt chim (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), giá chim sẽ thấp hơn, tuy nhiên nguồn lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán vào túi anh Hòa vẫn không thay đổi. Ngoài ra, nếu ai có nhu cầu bán những loại chim quý như cu gáy, yểng,… anh H cũng không ngần ngại ra giá để kiếm lời.
Người đàn ông này còn tiết lộ thêm, do làm ăn có uy tín, được nhiều thợ bẫy chim quý mến nên vào mùa vụ, những mối hàng thân thuộc của anh có thể cung cấp hàng ngàn con chim các loại.
Đối với những loại chim như sẻ, cuốc, cò, ngói gia đình anh Hsẽ trực tiếp vặt lông, mổ sạch rồi cho vào tủ lạnh. Khi khách gọi điện đặt hàng sẽ giao đến tận nơi. Còn đối với những “của quý” như cu gáy, yểng, anh sẽ liên hệ với những “ông lớn” có túi tiền căng nịch để giao dịch. Nếu bán thành công một con chim, đầu nậu này ít nhất cũng được 500 ngàn đồng.
Chim sa bẫy - (Ảnh: Minh Phúc) |
Tại thị trường ăn uống của người Việt, cứ món ăn nào gắn đằng sau nó chữ “rừng” hoặc “hoang dã” là y như rằng giá “đắt như tôm tươi”. Bởi lẽ, những loại “sơn hào hải vị” này thường dùng để phục vụ những 'thượng đế' có hầu bao rộng rãi.
Càng ngày cuộc sống càng phát triển, kéo theo đó là nhu cầu ăn uống cũng nâng cao lên, những món ăn được chế biến từ thịt chim ngày càng được ưa chuộng. Đây là 'chìa khóa' để lý giải, tại sao số lượng những người thợ bẫy chim tại xóm Trung lại đông đảo như vậy...
Chim chết, môi trường than khóc
Sâu bệnh và một số loài côn trùng phá hoại mùa màng là thức ăn yêu thích của các loài chim. Như vậy, có thể nói, chim là bạn của con người, là những “người nuôi dưỡng mùa màng bội thu”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mật độ đánh bắt ngày càng dày đặc đã làm cho số lượng các loài chim giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái.
Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành. Người nông dân buộc phải sử dụng những hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến sự ô nhiễm nguồn tài nguyên đất, nước… và cũng chính họ là người phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường.
Ngày ngày chứng kiến cảnh những người thợ bẫy chim chở cả bu chim về nhà, một nhà giáo đã về hưu tại “xóm bẫy chim” buồn rầu tâm sự: “Những người thợ sát chim kia, họ đang tự cưa đi cái cây mà chính mình đang ngồi trên đó. Cái cây ấy chính là môi trường sống của con người. Cái nghề mà họ đang hớn hở theo đuổi hôm nay sẽ trở thành liều thuốc độc giết chết môi trường và giết chết thế hệ mai sau”.
Minh Phúc
TIN LIÊN QUAN:
Diện kiến những cao thủ 'sát chim'
Mỗi năm, những “kẻ sát chim” này đã “kết liễu
sinh mạng” của hàng tỉ con chim, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như cu
gáy, yểng.
|