Sau một thời gian tranh giành ngôi soái ở tử huyệt Quỳ Châu, cuối cùng, giang hồ lãnh địa máu cũng tìm ra cho mình một ngôi vương mới với cái tên Vi Văn Phong, thường gọi là Phong 'trọc'.

Khi chúng tôi tìm đến Quỳ Châu, tướng cướp rừng xanh một thủa vừa chết được 3 tháng. Nghe đâu, Phong chết do bị ung thư gan.

Thời hoàng kim của đá đỏ, một bước Phong đi, có hàng chục đệ tử, lâu la tháp tùng; thuốc phiện, gái đẹp dâng đến tận miệng. Ấy vậy mà ngày Phong vĩnh biệt cõi dương gian, chỉ có vợ và con tiễn đưa. Số phận và cuộc đời một tên tướng cướp khét tiếng, từng làm khuynh đảo cả miền Tây xứ Nghệ rốt cuộc cũng bị chôn vùi dưới 3 tấc đất.

'Thiên hạ đệ nhất Phong'

Hồ sơ Vi Văn Phong lưu tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An còn ghi rất rõ về những tội danh mà y từng gây ra thời kỳ hoàng kim của đá đỏ.

Trước khi thống lĩnh giới giang hồ đất Quỳ Châu, Phong đã từng có 2 tiền án về tội trộm cắp và trấn lột. Những ngày tập trung cải tạo tại trại giam, Phong đã nhanh chân kết nối với 1 số tay anh chị khét tiếng. Tất cả hẹn ngày ra tù, sẽ tái hợp tại đất đỏ Quỳ Châu.

Ra tù ngày trước, hôm sau y đã xuất hiện tại Quỳ Châu. Bấy giờ đã là những tháng đầu năm Tân Mùi (1991) – thời điểm mà cơn sốt đá đỏ đạt tới đỉnh điểm.
 

Hồ sơ Vi Văn Phong lưu tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An còn ghi rất rõ về những tội danh mà y từng gây ra thời kỳ hoàng kim của đá đỏ. Ảnh: Q.Huy

Trở về Quỳ Châu khi giang hồ đã có chủ, ngôi chủ soái hiện giờ đang do Sơn “cụt”, Phương “tay trái” và Tường 'lợn' nắm giữ. Lập tức, Phong tập hợp anh em thời còn ở trong tù với nhau để kết nghĩa huynh đệ, thành lập hội “Lương sơn bạc”, ý định thâu tóm quyền lực nơi đây vào tay mình.

Tuy nhiên, để thống lĩnh giang hồ không hề đơn giản. Chỉ mất vài ngày, “hồ sơ” về thủ lĩnh các băng nhóm đã nằm trong tay Vi Văn Phong. Rất nhiều người đã khuyên y nên bắt tay với một nhóm giang hồ, để dẹp yên các nhóm còn lại.

Là một tên khát máu khét tiếng, từng vào tù ra tội nhiều lần, từng ra tay sát phạt các nhóm du đãng nên Phong đâu dễ dàng thỏa hiệp. Với y, hoặc giang hồ đất đá đỏ này nằm trong tay mình, hoặc là bỏ xác nơi đây. Thỏa hiệp với Phong 'trọc' khác nào đầu hàng, tự chuốc nỗi nhục vào tiếng tăm của mình.

Mà đối với Phong, điều đáng sợ nhất trên đời là để kẻ khác xúc phạm. Theo hắn, trong giang hồ có thể bị tù, bị đâm chém đến tàn phế, thậm chí bị giết cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu để bị xúc phạm thì bắt buộc phải tẩy rửa vết nhơ ấy bằng máu chứ không có một sự thương lượng, nộp phạt hay đền bồi nào khác.

Thời điểm này, Phong 'trọc' không nghĩ đến tiền, không cần hợp tác, mà tất cả là “danh dự”. Danh dự giang hồ là số má. Khi số má bị tổn thương, bôi nhọ thì phải rửa bằng máu. Hắn cũng hiểu rằng: rửa thù thành công cũng thường có nghĩa là chấm hết đời kẻ trả thù.

Thống lĩnh giang hồ

Trong thế “tam quốc” do giang hồ đá đỏ thống lĩnh bây giờ, kẻ mà Phong “ngán” nhất không phải là Sơn “cụt” , Phương “tay trái” mà chính là Tường “lợn”. Sơn “cụt” từng gây ra những trận huyết chiến kinh hoàng tại đồi Hoa cỏ may với số lượng đàn em lên đến cả gần trăm tên, nhưng Phong không ngán.

Phương 'tay trái' -  một đại ca có số má từ đất Vinh dạt về, từng làm mưa làm gió ở thành phố Vinh cũng không khiến y quan tâm. Kẻ mà y nể đôi phần chính là Tường lợn – một tên sát thủ, sẵn sàng xả súng vào kẻ đối diện nếu thích.

Đại úy Nguyễn Ngọc Bình, nguyên chiến sỹ phòng CS 113 kể về lai lịch của Tường "lợn" - một trong những tên giang hồ cộm cán thời kỳ đầu của đá đỏ. (Ảnh: H.Sang)

Lại nói về Tường “lợn”. Y tên thật là Tạ Hữu Tường (SN 1953, trú quán tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn). Theo Đại úy Nguyễn Ngọc Bình, nguyên chiến sỹ phòng CS 113, Tường lợn lúc nào cũng thủ sẵn 2 khẩu súng K54 trong người.

Gặp biến, y sẵn sàng xả đạn để tẩu thoát. Có lần, Tường 'lợn' dí súng và cướp của Châu 'lé' (Kim Bôi, Hòa Bình) một lô đá đỏ, trị giá khoảng hơn 100 triệu. Đàn em Châu lé chống cự, chưa kịp cầm dao vung nhát chém vào người y, đã bị y siết cò.

Một đường đạn cày nát dưới chân tên hạ thủ của Châu 'lé'. Dù tiếc đứt ruột lô hàng trị giá cả trăm triệu, nhưng Châu 'lé' đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, dâng hết cho Tường lợn. Cũng chính Tường lợn, sau này khi bị lực lượng công an truy đuổi, đã nã 2 phát đạn để mở đường máu tẩu thoát.

Nguyễn Văn Đường, một trong những trợ thủ đắc lực của Phong "trọc". (Ảnh: Q.Huy chụp lại)

Tường “lợn” bị bắt ngay say đó không lâu. Đối thủ mà Phong “trọc” ngán nhất giờ đã nằm trong trại giam bóc lịch. Thời cơ đã đến, Phong quyết định xưng vương.

Trong các hạ thủ đắc lực của Phong, người cần phải nhắc đến nhiều nhất là Nguyễn Văn Đường (người ở huyện Hưng Nguyên), thường gọi là Đường 'lỳ', Đường 'mặt rộ'. Đường cũng là người từng có nhiều tiền án, từng bị đi tù cùng thời với Phong. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, ra tù, y và Phong 'trọc' gặp nhau tại Quỳ Châu, quyết tâm bằng mọi giá thống nhất giang hồ.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh – Phó trưởng phòng Cảnh sát 113 công an tỉnh Nghệ An, người từng cắt rừng một ngày để bắt sống Đường 'lỳ', còn nhớ như in: Một lần, để răn đe đàn em, Đường đã nhằm thẳng một tên đệ tử mà siết cò.

Sau khi nòng súng khạc đạn, đàn em của Đường nằm giãy dụa rồi tắt thở. Gây án xong, Đường tuyên bố: “Chúng  mày coi nó mà liệu hồn, nếu lừa tao, phản tao thì ắt sẽ cùng chung số phận với nó”.

Nói đoạn, y thản nhiên đi vào rừng. Trước khi đi, y còn ném về phía đàn em ánh mắt sắc lạnh của một tên 'mãnh thú': “Đứa nào báo công an, tao giết chết cả nhà”.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát 113 công an Nghệ An nhớ lại phút giây cắt rừng bắt sống Đường "lỳ". (Ảnh: H.Sang)

Nếu sau này, giang hồ xem Phong 'trọc' là đại ca, thì ngôi vị nhị ca, ngôi vị số 2 của giang hồ đá đỏ Quỳ Châu, không ai khác ngoài cái tên Đường 'lỳ'. Chính vì có sự trợ thủ đắc lực của Đường 'lỳ', Phong 'trọc' mới nhanh chóng thống nhất “thiên hạ”, chễm chệ trở thành ngôi soái của giang hồ đá đỏ.

Tường “lợn” sa cơ, thế “chân vạc” bị phá vỡ. Trước, mỗi khi có biến hay có một băng đảng nào nổi lên, Tường “lợn” cùng với Sơn “cụt” và Phương “tay trái” thường ngồi lại với nhau để bàn cách ứng phó và dẹp bỏ. Thế nhưng, từ ngày Tường 'lợn' bị bắt, hội của Sơn “cụt” và Phương 'tay trái' yếu thế hẳn. 

Tuy nhiên, chúng không dễ gì nhường lại lãnh địa cho Phong “trọc”, dù biết rằng, đụng độ với y, muời phần thì đã có 9 phần thua.

Một trận thách đấu nghe đâu đã từng diễn ra giữa một bên là hội Sơn 'cụt', Phương 'tay trái' với một bên là hội của Phong “trọc”. Chạm trán, hội của Phong 'trọc' với AK, k54 và lựu đạn đã nhanh chóng chiếm lĩnh thế trận.

Thấy thời thế của mình đã hết, Sơn 'cụt' cùng với Phương 'tay trái' đành nhường lãnh địa cho Phong 'trọc' để tránh đổ máu cho anh em, dù rằng, để có được lãnh địa này, hội của Sơn và Phương đã đổ không biết bao nhiêu là máu và cả mạng người.

Không phải đổ máu và không mất nhiều công sức, Phong 'trọc' với sự giúp đỡ đắc lực của Đường 'lỳ' đã có ngay “giang sơn”. Giang hồ đá đỏ từ đây đã có ngôi chủ soái mới với cái tên: Vi Văn Phong.

Sau khi lên “ngôi vương”, Phong 'trọc' cùng đồng đảng bắt đầu những ngày tung hoành, trở thành nỗi khiếp đảm của dân đào đá đỏ ngày ấy. Sẵn sàng nhả đạn, sẵn sàng siết cò, sẵn sàng lấy mạng sống của bất kể những ai ngứa mắt, nhóm của Phong 'trọc' và Đường 'lỳ' thực sự trở thành nỗi khiếp đảm của những ai có mặt tại “tử huyệt” Quỳ Châu ngày ấy.

Và, máu lại tiếp tục đổ trên vùng đá đỏ Quỳ Châu.

Hoàng Sang – Quốc Huy

    
(Còn nữa)

Bài 1: 'Đế chế đá đỏ' và những trận huyết chiến
Tranh giành lãnh địa, chém giết, siết cò cướp mạng sống của nhau… có một thời, vùng đất Quỳ Châu như thế. Có người gọi thời kỳ hỗn mang đó là thời của 'đế chế đá đỏ'...

Bài 2: Cơn khát Ruby ở 'lãnh địa máu'
Một đế chế mới hình thành nơi miền Tây xứ Nghệ: đế chế đá đỏ - đế chế của những trận huyết chiến kinh hoàng, đế chế của máu và nước mắt. Quỳ Châu ngày đó, chỉ có một màu: màu đỏ của những viên Ruby và màu máu.

Bài 3: Những cuộc thanh trừng ở 'thủ phủ đá quý'
Để tồn tại, giang hồ ở lãnh địa máu buộc phải chém giết lẫn nhau. Thủ phủ đá đỏ đã từng chứng kiến những trận huyết chiến kinh hoàng giữa đại ngàn.