Như vậy là đã gần 1 năm kể từ ngày My “sói”(tức Đào Thị Thu Hương, SN 1996)  cùng “bầy đàn” của mình bị Công an quận Đống Đa bắt giữ khi chúng đang thực hiện hành vi hiếp dâm và cướp tài sản mà nạn nhân chính là những đứa bạn cùng trang lứa. 11 tháng nằm trong trại tạm giam, dù chưa phải bước ra tòa xét xử, nhưng có vẻ như đủ để cho “nữ quái” tuổi ô mai này thấm thía cái giá phải trả cho hành động nổi loạn của mình…


Cô ơi, con sợ…

Có lẽ trong số hàng nghìn can phạm đang tạm giữ tại đây thì My “sói” là người gây cho Thượng tá Bùi Ngọc Bình - Giám thị Trại tạm giam số 1- CATP Hà Nội nhiều sự ưu tư nhất. Không phải bởi My là can phạm nhỏ tuổi nhất tính tại thời điểm bị bắt mà chính là những vụ việc cô bé đã gây ra khiến ai cũng phải rùng mình. Và hơn cả, hoàn cảnh của My cũng rất đáng thương. Không ai có thể nghĩ những đổ vỡ trong cuộc sống gia đình lại có thể đẩy một đứa trẻ 14 tuổi đi xa đến mức ấy. Trong mắt ông, My vẫn chỉ là một đứa trẻ.

My “sói” và những bài thơ trước lúc ra tòa  (Ảnh chụp chiều 7-6)
Và đứa trẻ ấy đã gần như sụp đổ, đánh mất hoàn toàn vẻ mặt lỳ lợm, bất cần khi nó nhận được cáo trạng của Viện Kiểm sát chuyển tới. Trung tá Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo trực tiếp phụ trách buồng tạm giam của My “sói” nén tiếng thở dài khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi: “Lúc đọc cáo trạng của Viện Kiểm sát tống đạt theo đúng quy định của pháp luật, con bé hoảng sợ thực sự. Từ ngày bị đưa về đây tạm giữ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy ánh mắt khẩn cầu của My như lúc đó. Ngay cả câu xưng hô quen thuộc của can phạm “thưa ban” My cũng quên béng mất. Nó bám lấy tôi thảng thốt: “Cô ơi, con chết rồi. Sao con mắc nhiều tội thế? Thà con chết bây giờ còn hơn…”. Thế rồi ngay sau đó, My rơi vào trạng thái trầm uất, lo lắng và khủng hoảng thực sự.

Buồng giam của My hiện có 4 can phạm, đây là buồng dành riêng cho đối tượng vị thành niên, chúng đều sàn sàn độ tuổi như nhau nên gần như chẳng đứa nào chịu đứa nào. Cái nết con trẻ ở chúng vẫn thể hiện khá rõ khi vừa mới đây còn chuyện trò rôm rả, thế mà thoáng chốc đã chí chóe cãi nhau. So với 3 đứa còn lại phạm những tội như cướp giật, buôn bán trẻ em thì tội của My được coi là “số má” nhất. Ấy vậy nhưng “đàn chị” này lại là kẻ chất chứa nhiều nhất những tâm tư khó có thể thổ lộ cùng ai.

Gần một năm quản phòng giam này, Trung tá Liên rút ra một điều: “My là đứa sống có nội tâm. Trong My “sói” luôn chứa đựng những trạng thái tình cảm khác nhau. Nó là đứa bé luôn thèm khát mái ấm gia đình. Những tiếc nuối về sự đổ vỡ của cha mẹ, sự chới với khi bà mất và rơi vào khủng hoảng vì không nơi nương tựa. Chính vì vậy, khi có người yêu là Trịnh Thăng Long, My gần như coi đó là một điểm tựa tinh thần. Bởi trong tận cùng tâm hồn My “sói” là nỗi cô đơn và khi bị rơi vào hoàn cảnh “bơ vơ” đó, nó vô thức phản kháng lại bằng những hành động tiêu cực để khẳng định sự cứng rắn của mình”.

Bây giờ thì My sợ, dù ngày ra tòa đã gần kề, nhưng không giống những phạm nhân khác mong đợi thời điểm ra trước vành móng ngựa để được gặp người thân, My “sói” lại sợ phải đối diện với bản án truy tố về hàng loạt tội: hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản mà trong đó có tội danh khung hình phạt truy cứu tới mức chung thân hoặc tử hình. Lần đầu tiên My “sói” ý thức được tội lỗi và ân hận về những gì mình đã gây ra. “Cô ơi, con sợ”, câu nói ấy ám ảnh thường xuyên Trung tá Liên: “Nó là nỗi sợ của một đứa trẻ. Nỗi sợ của cảm giác cô đơn khi phải một mình đối diện với luật pháp”.

Giọt nước mắt lẻ loi

“Trong gần một năm trời trông nom nó, tôi thấy số lần My nhận được quà thăm nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay” - Thượng tá Bùi Ngọc Bình nén tiếng thở dài tần ngần mở tập hồ sơ của trại lưu trữ về My “sói”. Trong số những đối tượng đang bị tạm giam ở đây, có lẽ My thuộc vào loại ít có người thăm nuôi nhất.

Dù là người khá cứng rắn, nhưng Thượng tá Bình cũng không khỏi thắt ruột mỗi khi ghé khu trại lại phải nghe câu hỏi quen thuộc của My “sói”: “Chú ơi, hôm nay có quà của con không”? Mỗi lần nghe câu ấy, chúng tôi không biết nên trả lời con bé thế nào. Nghĩ cho cùng, nó chỉ đáng tuổi con mình, vì thế chúng tôi lại phải động viên: “Hôm nay không có, chắc tuần sau là có thôi. Bố mẹ con chắc còn bận đi làm thì mới có tiền gửi vào thăm nuôi con được”.

Thế nhưng My “sói” biết. Sự từng trải của một đứa trẻ bị bỏ rơi, lại sớm va chạm với cuộc đời khiến nó ý thức được hoàn cảnh của mình. Những lúc ấy, My lại buông một câu chán nản: “Bố mẹ cháu bỏ cháu rồi”.

Không ít lần thấy bạn cùng phòng giam nhận được quà, nghĩ về mình thấy tủi phận My đã tự đập đầu vào tường, thậm chí bỏ cơm nhất định không ăn. Thế mới biết, một đứa trẻ dù những ký ức tuổi thơ bị xóa trắng, không còn một chút tình cảm nào về cha mẹ nhưng từ sâu thẳm tâm hồn nó vẫn mong nhận được sự quan tâm, vẫn mong được bố mẹ thương mình.

Những ngày bị tạm giữ My bắt đầu làm thơ, ngay cả những bài thơ trẻ con ấy cũng chứa đầy tâm trạng, nước mắt hối lỗi về những gì mình đã làm, và về cả về sự cô đơn, mất mát... Chúng tôi đã đọc lại những bài thơ My “sói” viết, phần lớn chúng có cái tựa mà sẽ rất ngạc nhiên khi biết nó là bài thơ của một đứa trẻ mới 14-15 tuổi nghĩ ra. Quy định trong trại tam giam không được dùng bút nên làm được câu thơ nào là My lại tự nhẩm học thuộc lòng.

Những cái tên: Cách xa, Nhan hồng bạc phận, Lầm lỗi, Tình gian dối, Nén đau, Bơ vơ… dù giọng “bà cụ non” nhưng lại mang triết lý của một tâm hồn nhiều thương tích. Vài ngày trước khi ra tòa, My bỏ công ngồi tết từng lọn đuôi sam bé tí trên mái tóc dài gần chấm vai của mình. Không còn cái đầu tém bờm xờm ngỗ ngược như những ngày đầu bị bắt nữa.

My bảo: “Trong này không có tiệm làm tóc, cháu tết đuôi sam như thế để hôm ra tòa sẽ tháo ra. Lúc ấy, tóc cháu sẽ cong xù lên như được uốn. Nhìn đỡ xấu”. Rồi My cười, trong nụ cười của My, một giọt nước mắt lăn ra: “Hôm nay cháu vui lắm. Lúc nãy cháu gặp ban Bình (Thượng tá Bùi Ngọc Bình), cháu gọi: Ban ơi, ngày kia con ra tòa rồi, ban cứu con với. Thế là ban Bình bảo: Những gì con đã làm, ban không cứu được. Nhưng ban hứa xử xong sẽ can thiệp giúp con được đi trại nào đó gần Hà Nội và sẽ gửi tiền thăm nuôi, động viên con cải tạo thật tốt để sớm được giảm án. Thế thì chắc con không bị xử tội nặng đâu chú nhỉ?”

Trong suy nghĩ của My “sói”, sau hàng loạt tội lỗi gây ra, đã có người không ngoảnh mặt, quay lưng với nó.

(Theo ANTĐ)

>> Tự sự sau song sắt của nữ quái My "sói"