- Thời điểm hiện tại, khi vụ mùa đang đến gần, chính quyền xã Dương Quang lại tiếp tục đau đầu vì nguy có 300ha đất ruộng tiếp tục bị bà con bỏ hoang để phản đối.

Chuyện khó tin bên 'bờ xôi ruộng mật' ở Hưng Yên

Gần 300 ha đất canh tác lúa bị bà con xã viên xã Dương Quang (huyện Mỹ Hào – Hưng Yên) bỏ hoang không trồng cấy để phản đối chính quyền địa phương bán đất ruộng trái phép nhân chủ trương dồn điền đổi thửa.

Mỗi ngày một văn bản đốc thúc trồng cấy

Sự việc hàng trăm ha đất nông nghiệp người dân không canh tác để phản đối sai phạm của chính quyền đã khiến lãnh đạo xã Dương Quang “ngồi trên lửa”.

{keywords}
Bờ xôi ruộng mật ở Mão Chinh biến thành hoang hóa.

Thời điểm tháng 2 đến tháng 3/2015, gần như mỗi ngày xã Dương Quang đều “phát” một thông báo khẩn về việc vận động, tuyên truyền bà con nông dân đi trồng cấy để tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất.

Đây cũng là thời điểm UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Mỹ Hào có các văn bản, công văn hỏa tốc (số 398/UBND-KT1 ngày 20/3/2015) về việc đảm bảo trồng cấy cây hàng năm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thôn Mão Chinh.

Tuy nhiên, đáp lại những đốc thúc này của xã, người dân Mão Chinh vẫn kiên quyết bỏ hoang gần 300ha đất lúa để chờ đợi đến cùng, những sai phạm của chính quyền phải được xử lý dứt điểm.

{keywords}
Nhiều nơi, cánh đồng Mão Chinh biến thành "ao hồ". Một người dân đang đánh kích điện bắt cá trên một khu vực trước đây là ruộng.

Ông Phan Văn Thành, PCT phụ trách kinh tế - nông nghiệp của xã Dương Quang thừa nhận: thời điểm đó, vận động bà con chủ động trồng cấy không được, xã đã tổ chức thuê máy cày, máy bừa về lồng đất, ra thông báo hỗ trợ 50% kinh phí tiền thuê máy cho bà con, nhưng không ai chịu.

Cực chẳng đã, xã phải vận động các Đảng viên trong thôn, cán bộ Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… nhận thóc giống về nhà ngâm, sau đó phát không cho bà con, nhưng cũng không ai đến nhận.

Trong khi đó, tỉnh, huyện liên tục chỉ đạo chính quyền xã phải tổ chức sản xuất vụ chiêm xuân.

Ở tình thế “trên đe dưới búa”, xã Dương Quang lại có sáng kiến, vận động đoàn viên đi gieo xạ (gieo vãi) thay cho bà con xã viên thôn Mão Chinh.

“Thế nhưng, thóc giống vãi đến đâu, bà con lại kết thành hàng đi dẫm, ủi chỗ vừa gieo đến đó. Đến nước này thì chúng tôi hết cách” – ông Thành buồn rầu.

{keywords}
Xã viên Mão Chinh bỏ ruộng không cấy để phản đối sai phạm của chính quyền.

Gieo cấy thay xã viên không được, lãnh đạo xã Dương Quang xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Mỹ Hào. Ngày 26 - 27/3, thời điểm quá hạn gieo trồng của vụ Chiêm xuân 2015, xã liên tiếp ra các thông báo số 44; 45 về việc chuyển đổi trồng lúa vụ chiêm xuân sang cây ngắn ngày (như rau cần, rau muống, các loại củ quả…) để khi thu hoạch cũng là thời vụ gieo trồng vụ mùa kế tiếp.

Tuy nhiên, “sáng kiến” nào của xã đưa ra cũng không được bà con nào hưởng ứng. Kết quả là, 300ha đất ruộng màu mỡ biến thành 300ha hoang hóa, để cỏ tự do mọc lên trong sự xót xa, bức xúc của hàng trăm nông dân thôn Mão Chinh.

“Lãnh đạo xã lờ đi…”

Người trực tiếp thực hiện những sai phạm trong việc tự ý cắt đất ruộng phân lô bán thành đất ở là trưởng thôn Mão Chinh, ông Nguyễn Văn Trưởng.

{keywords}
Một người dân xót xa bên "đồng cỏ" bời bời.

Thời điểm xã, huyện tiến hành thanh tra theo đơn thư phản ánh của bà con nông dân, ông Trưởng đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ chức vụ trưởng thôn.

Trao đổi với VietNamNet, nguyên trưởng thôn Mão Chinh cho biết: “Trước khi bán đất, chi bộ thôn đã tiến hành họp và đi đến thống nhất. Chúng tôi chỉ nghĩ, bán đất ở những khu vùng trũng để lấy kinh phí xây dựng các công trình công cộng chứ cũng không nghĩ gì khác”.

Khi được hỏi, việc bán đất có được sự chấp thuận của chính quyền xã Dương Quang hay không, ông Trưởng nói: “Lãnh đạo xã chắc có biết nhưng lờ đi”.

Về số tiền gần 8 tỷ đồng thu được từ việc bán 76 lô đất ruộng, nguyên trưởng thôn Mão Chinh nói: chúng tôi có phiếu thu theo mẫu của xã, và đã nộp về cho xã 10% tổng giá trị (tương đương gần 80 triệu đồng).

Xác nhận thông tin này, đại diện UBND xã Dương Quang, PCT xã Phan Văn Thành thừa nhận: việc tự ý bán đất, tự ý chuyển đổi, thu chi… không nói cấp thôn, mà cấp xã, cấp huyện… cũng không được phép.

Những ô, khoảnh chuyển đồi trái phép và được mang ra đấu giá thu về gần 8 tỷ đồng, chỉ cách trụ sở UBND xã chừng 100m. Và thực tế, xã đã “trích 10%” từ việc bán đất trái phép này.

“Chúng tôi đang chờ UBND huyện phê chuẩn kết luận của Đoàn thanh tra do UBND xã Dương Quang thành lập để thanh tra sự việc này. Chúng tôi kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể lãnh đạo UBND xã đã buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác nông nghiệp của người dân; xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bộ máy chính quyền xã, thôn để xảy ra sai phạm”.

Ngoài việc bán 76 lô đất trái thẩm quyền, PCT xã Phan Văn Thành cũng thừa nhận, nhiều trường hợp tự ý chuyển đổi đất ruộng thành ao đầm, trang trại, sau đó tự ý chuyển nhượng cho người khác thành đất ở; việc bán đất, chuyển đổi dự án ở các thôn khác trong xã Dương Quang cũng được thanh tra làm rõ.

Thời điểm hiện tại, khi vụ mùa đang đến gần, chính quyền xã Dương Quang lại tiếp tục đau đầu vì nguy có 300ha đất ruộng tiếp tục bị bà con bỏ hoang để phản đối.

“Chúng tôi cực chẳng đã mới phải như vậy. Chừng nào những sai phạm này được xử lý dứt điểm, chúng tôi mới canh tác trở lại” – lão nông Nguyễn Văn Gia nói.

Thông tin từ UBND huyện Mỹ Hào, chậm nhất ngày 30/6, Thanh tra huyện Mỹ Hào sẽ có kết luận xử lý vụ việc gây bức xúc ở Mão Chinh.

Kiên Trung