Trước việc người chủ cơ sở nước tương ở Bình Dương - bị hại trong vụ mất trộm do Hào Anh gây ra - làm đơn bãi nại, cộng thêm tình tiết đối tượng này từng có tiền sử tâm thần, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu Hào Anh có thoát tội.
Nguyễn Hào Anh (còn gọi là Hoàng Anh, 19 tuổi, tạm trú tại khóm 4, đường Trương Phùng Xuân, phường 8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vừa bị Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng để điều tra về hành vi "Trộm cắp tài sản".
Bị hại là ông Hồ Nghĩa - chủ cơ sở nước tương ở Bình Dương, nơi Hào Anh từng làm việc; tài sản bị lấy trộm là bộ máy vi tính.
Mới đây, ông Hồ Nghĩa đã làm đơn bãi nại cho Hào Anh. Trong đơn, ông này viết: "Thật lòng Hào Anh là một công nhân tốt và chăm chỉ trong công việc tại cơ sở của tôi. Ban đầu Hào Anh lên xin làm, tôi không biết em nó là người bị bạo hành mấy năm trước.
Sau một thời gian, tôi biết được chuyện nên cũng lo lắng và động viên Hào Anh nhiều. Nhưng thật không may, vì bạn bè mà Hào Anh đã suy nghĩ không thấu đáo mọi chuyện nên xảy ra vụ việc phạm pháp trên...".
Hào Anh vừa bị Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng để điều tra về hành vi "Trộm cắp tài sản". |
Ông Nguyễn Thân - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao - cho biết: Hào Anh bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "Trộm cắp tài sản" theo Điều 138 Bộ luật Hình sự.
"Đây là tội danh không phải được khởi tố theo yêu cầu của bị hại như những tội hiếp dâm, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, vu khống... nên việc bị hại có đơn bãi nại không được xem là căn cứ để đình chỉ vụ án. Cụ thể, việc Hào Anh được bãi nại thì đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ hình phạt để tòa xem xét khi xử và kết án" - ông Thân cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, Hào Anh cùng đồng phạm là người em họ lấy trộm chiếc máy vi tính là dấu hiệu của tội phạm có tổ chức (là 2 người trở lên cùng bàn bạc, có sự phân công để cùng thực hiện một hành vi) thuộc quy định tại khoản 2 Điều 138 Tội trộm cắp tài sản, có khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.
Mới đây, luật sư Đặng Huỳnh Lộc (Đoàn luật sư TP.HCM; luật sư của Hào Anh) cho biết, Hào Anh có tiền sử bệnh tâm thần. Ông Lộc sẽ đề nghị Tổ chức Giám định pháp y tâm thần tỉnh Cà Mau cấp chứng nhận về tình trạng bệnh lý tâm thần của Hào Anh, đồng thời trích xuất hồ sơ khám chữa bệnh của Hào Anh tại đây để cung cấp cho cơ quan điều tra bổ sung vào hồ sơ.
Sau khi có giấy chứng nhận bệnh lý, luật sư sẽ đề nghị cơ quan tố tụng không truy tố Hào Anh ra toà, ngưng giam giữ để đưa Hào Anh đi chữa bệnh bắt buộc theo quy định.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến cho biết, tại Điều 13 Bộ luật Hình sự quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Theo luật sư Tiến: Trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp như Hào Anh thấy không phải là mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình, nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp tài sản đã gây ra.
(Theo Dân Việt)