Câu hỏi này được ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT giải đáp trong chuyên mục Góc nhìn thẳng.


Nhà báo Ngân Phương: Những người vi phạm trật tự ATGT có thể phải chịu mức phạt cao hơn nhiều so với trước đây. Đây là những sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính ATGT đường bộ do Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Chuyên mục Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT. Ông Tùng là thành viên ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Nghị định 171.

Thưa ông trong dự thảo sửa đổi Nghị định 171 Bộ GTVT có đề xuất tăng mạnh mức phạt đối với người vi phạm trật tự ATGT giao thông vậy trên cơ sở nào Bộ GTVT lại đề xuất mức phạt tăng mạnh như vậy?

Ông Hoàng Thế Tùng: Thực hiện nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3/2015, Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt về hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt để thay thế cho Nghị định 171 2013 và 107 năm 2014.

Để thực hiện việc xây dựng dự thảo nghị định, Bộ GTVT chủ trì tổ chức tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 171 năm 2013 và 107 năm 2014 trong thời gian vừa qua. Qua quá trình tổng kết đánh giá cơ bản cho thấy 2 Nghị định 171 và 107 cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác đảm bảo ATTT GT tuy nhiên một số quy định xử phạt hành chính vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Ví dụ như nhiều hành vi vi phạm có chế tài xử phạt chưa thỏa đáng. Qua thống kê của Cục CSGT Bộ CA, chúng tôi nhận thấy nhiều hành vi vi phạm diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra, qua công tác thống kê tình hình tai nạn GT, nguyên nhân dẫn đến TNGT là từ những hành vi như sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, đi lấn làn đường, phần đường...

Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các địa phương gửi về thì ban soạn thảo đã nghiên cứu và đưa ra quy định mức xử phạt theo hướng tăng lên nhằm bảo đảm tính răn đe và khả thi đối với những hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT.

Trong dự thảo sửa đổi lần này Bộ GTVT có đề xuất tăng mạnh mức phạt đối với người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc (tăng từ mức 200-400 nghìn lên mức 2-3 triệu đồng), theo ông mức phạt tăng mạnh như vậy liệu có gây sốc cho người vi phạm bên cạnh đó, đa số người vi phạm điều khiển mô tô, xe máy không có mức thu nhập cao để đủ chịu mức phạt này?

Ông Hoàng Thế Tùng: Chúng ta biết rằng hành vi điều khiển xe mô tô vào đường cao tốc rất nguy hiểm ngoài việc có thể gây mất an toàn cho chính bản thân hành vi này còn gây nguy hiểm cho những người khác cùng tham gia giao thông. Nguyên nhân là các xe ô tô chạy trên đường cao tốc với vận tốc cao phải đột ngột tránh các xe mô tô sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Vì vậy ban soạn thảo cân nhắc để đưa ra mức phạt phù hợp với tính chất mức độ vi phạm, vừa đảm bảo tính răn đe vừa đảm bảo tính khả thi và hiện nay mức phạt đưa ra trong dự thảo là 2- 3 triệu. Mục đích đưa ra là để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nếu nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân cũng như của các Bộ, ngành thì mức phạt sẽ được đưa chính thức trình Chính phủ. Qua quá trình lấy ý kiến sẽ xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.

Trong dự thảo sửa đổi lần này thì Bộ GTVT đề xuất tăng mạnh đối với những người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vậy với tình trạng buôn bán rượu bia được thả nổi như hiện nay thì liệu việc tăng mức phạt có đạt được kết quả như mong muốn?

Ông Hoàng Thế Tùng: Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia thì chúng ta phải kết hợp nhiều biện pháp. Việc tăng chế tài xử phạt bảo đảm tính răn đe là một trong những biện pháp. Bênh cạnh đó, ngoài tăng mức phạt chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường các lực lượng tuần tra kiểm tra phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi này. Để làm được việc này phải huy động các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, toàn người dân tham gia mới nâng được hiệu quả của việc ngăn cản, hạn chế sử dụng rượu bia trong khi lái xe.

Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự thảo sửa đổi Nghị định lần này một khi được Chính phủ thông qua?

Ông Hoàng Thế Tùng: Dự thảo sửa đổi Nghị định lần này được xây dựng rất công phu, bài bản thực hiện theo đúng quy định của luật ban hành văn bản pháp luật. Cụ thể, Bộ GTVT đã tổ chức tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Nghị định 171 và Nghị định 107, thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập gồm có đại diện của nhiều cơ quan Bộ, ngành có liên quan trên cơ sở rà soát rất kỹ đảm bảo được tính khả thi. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả triển khai Nghị định sau khi ban hành thì công tác tổ chức triển khai cũng rất quan trọng. Chúng ta phải tổ chức triển khai Nghị định hiệu quả kết hợp với nhiều giải pháp khác để giảm TNGT, ùn tắc giao thông, cũng như góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Xin cảm ơn ông!

Báo VietNamNet