- Điều kiện pháp lý của bộ hồ sơ thực hiện mang thai hộ vô cùng phức tạp. Để thỏa mãn đầy đủ giấy tờ theo quy định phải tốn thời gian từ 6 tháng tới 1 năm.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã chia sẻ về những khó khăn kể từ khi bệnh viện triển khai kỹ thuật mang thai hộ.
Cầm trên tay xấp hồ sơ dày cộp, bác sĩ Hải nói: “Để có được bộ hồ sơ này, các cặp vợ chồng hiếm muộn phải mất từ 6 tháng tới 1 năm. Đó chỉ là mới tính riêng thời gian lo hồ sơ ở “vòng ngoài”, chưa kể lúc bắt đầu làm việc tại bệnh viện.”
|
Mất 6 tháng tới 1 năm để hoàn thiện bộ hồ sơ như thế này. Ảnh: Thanh Huyền |
Bên cạnh đó, bác sĩ Ngọc Hải cũng nhấn mạnh, nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 (do Chính phủ ban hành quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) ra đời từ nhu cầu thực tế, được rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ủng hộ. Tuy nhiên, các điều kiện để được thực hiện kỹ thuật này vô cùng chặt chẽ nhằm hạn chế các tiêu cực, tranh chấp xảy ra.
Đó cũng chính là lý do tại sao Nghị định trên có hiệu lực từ tháng 3/2015 mà tới tháng 7 Bệnh viện Từ Dũ mới chính thức tiến hành, vì cần thời gian để chuẩn bị kỹ càng hơn.
Vấn đề phức tạp nhất là xác nhận quan hệ của người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ. Việc này tưởng đơn giản nhưng không hề dễ.
Tại sao phải quy định là quan hệ cùng hàng, và cụ thể những ai có quan hệ thế nào cũng được nêu rõ. Bởi có trường hợp người mang thai hộ còn rất trẻ nhưng lại là vai bà với người nhờ mang thai. Về mặt sinh học hoàn toàn được, nhưng khi đẻ ra đứa trẻ sẽ xưng hô thế nào…(?)
Một trường hợp hiếm muộn đang được bác sĩ tư vấn. Ảnh: Thanh Huyền. |
Hay chị em họ xa nhận mang thai giúp cho nhau. Nhưng quan hệ huyết thống quá xa xôi, tình cảm ít gắn bó thì lại dễ xảy ra tranh chấp.
“Xác nhận các mối quan hệ của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ vượt quá khả năng của cơ quan y tế.”, bác sĩ Hải nói.
Ngoài ra, người dân chưa thực sự hiểu về quy định mang thai hộ, dẫn tới tình trạng đến xin tư vấn nhưng lại không thuộc diện được chỉ định.
Chẳng hạn, các cặp vợ chồng hiếm muộn mới thụ tinh ống nghiệm thất bại 1 lần nhưng vì quá hoang mang, nóng ruột nên khẩn khoản đòi “cho tôi làm mang thai hộ đi”. Thậm chí có những cô gái vì muốn giữ gìn vóc dáng, tuổi thanh xuân, cứ tưởng có thể nhờ người khác mang thai giúp.
Quá trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Thanh Huyền. |
Nhiều ý kiến thắc mắc, với người đồng tính muốn có con, có nhờ mang thai hộ được không, bác sĩ Hải khẳng định: “Về mặt y học thì làm được, nhưng luật tại Việt Nam không cho phép, quy định nêu rõ phải là trứng của vợ và tinh trùng của chồng. Mà nước ta chưa công nhận hôn nhân đồng giới.”
Quy trình thực hiện mang thai hộ
Ths – bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng Khoa hiếm muộn – Bệnh viện Từ Dũ cho biết, một bộ hồ sơ pháp lý mang thai hộ phải thỏa mãn 12 mục. Chỉ cần 1 trong số 12 mục đó bị thiếu thì hồ sơ sẽ bị bác bỏ.
Trong 12 mục nói trên, có 3 mục quan trọng nhất: tư vấn về tâm lý, tư vấn về pháp lý và tư vấn về y tế cho các cặp vợ chồng cũng như người mang thai hộ.
Trước tiên, khi có nguyện vọng thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, các cặp vợ chồng sẽ tới khám để được tư vấn bước đầu.
Sau đó, hồ sơ của họ sẽ được xét duyệt bởi 2 hội đồng: hội đồng chuyên môn của bệnh viện và hội đồng khoa học (có sự tham gia của các nhà làm luật).
Khi hồ sơ đã thông qua hết các “ải”, lúc này mới bắt đầu tiến hành điều trị.
Thùng ni tơ bảo quản phôi. Ảnh: Thanh Huyền. |
Vì người mang thai hộ không có thai một cách tự nhiên, cơ thể không tự tiết ra nội tiết tố giúp nuôi dưỡng thai nhi, nên sẽ được bổ sung nội tiết tố cho tới hết tháng mang thai thứ 3. Sau đó, chế độ chăm sóc đối với người mang thai hộ giống như các thai phụ khác.
Để tiện cho bệnh nhân không phải đi lại nhiều lần, Bệnh viện Từ Dũ đã ký hợp đồng hợp tác với văn phòng luật sư của Sở Y tế.
Việc xác định tính pháp lý của hồ sơ do văn phòng luật sư này chịu trách nhiệm, bệnh viện chỉ tập trung cho vấn đề y khoa.
Sau hơn 2 tháng triển khai kỹ thuật mang thai hộ, đã có 18 trường hợp đăng ký tại Bệnh viện Từ Dũ, 13 trường hợp đã hoàn tất hồ sơ, 8 trường hợp được duyệt và đưa vào điều trị.
Trong 8 trường hợp được duyệt kể trên, 4 trường hợp đã được chuyển phôi (2 trường hợp đậu thai, tỷ lệ thành công 50%).
“Chi phí và độ phức tạp của kỹ thuật mang thai hộ tương đương với một ca thụ tinh ống nghiệm.Tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ rất cao, trên 45%. Khó chăng ở chỗ bệnh nhân có thuộc diện chỉ định không, thỏa mãn hết các yêu cầu của quy định mang thai hộ chưa”, bác sĩ Châu nói.
Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trong 6 tháng đầu năm số cặp vợ chồng tới khám hiếm muộn tại bệnh viện này là 18.076 người.
Thanh Huyền