Để đảm bảo khách quan trong việc cưỡng chế, phá dỡ công trình 8B Lê Trực, cần có cơ quan thứ ba giám sát.


{keywords}
 Toà nhà 8B Lê Trực

Dư luận hiện đang rất quan tâm đến việc xử lý những sai phạm tại dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Bộ Xây dựng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm việc xây dựng trái phép đối với chủ đầu tư, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng như sớm xử lý dứt điểm các sai phạm tại dự án này.

Trả lời phỏng vấn, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, để đảm bảo khách quan trong việc cưỡng chế, phá dỡ công trình, cần có cơ quan thứ ba giám sát việc thực hiện của chính quyền địa phương.

- Thưa ông, Bộ Xây dựng đánh giá sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực là sai phạm nghiêm trọng và đề nghị xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có chủ đầu tư và các cơ quan chức năng để xảy ra vi phạm. Ông nhận định ra sao về ý kiến của Bộ Xây dựng?

Thành phố Hà Nội cũng như Bộ Xây dựng đều thấy rằng, chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng giấy phép thì phải xử lý kiên quyết và cắt tầng theo giấy phép. Thứ hai là tại sao để xảy ra tình trạng này ngay giữa trung tâm Thủ đô, tại quận Ba Đình, trong khi phường ở ngay trước cửa, thanh tra vào cuộc mà không xử lý kiên quyết, phải chăng sau đó có chuyện “phạt cho tồn tại”?

Việc Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội kiên quyết xử lý những người có liên quan thì cần phải làm rõ. Pháp luật rất nghiêm, ai làm sai người ấy phải chịu. Tại bất cứ địa bàn nào, công trình nào vượt phép thì thanh tra xây dựng ở đó phải chịu trách nhiệm.

- Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND quận Ba Đình chỉ đạo UBND phường Điện Biên xây dựng kế hoạch cưỡng chế phá dỡ. Liệu chỉ giao cho chính quyền một phường thực hiện công việc phá dỡ phức tạp như vậy thì có hợp lý không, thưa ông?

Theo phân cấp quản lý của thành phố Hà Nội, đối với cưỡng chế thì giao cho quận trực tiếp thực hiện, quận giao cho phường thế nào đó là việc nội bộ của quận. Vấn đề là theo dõi, giám sát, đôn đốc, thực hiện thế nào cho tốt.

Quản lý nhà nước thì không thể nào chỉ ủy quyền, phát văn bản là xong, mà phải kiểm tra, đôn đốc thực tế. Sở Xây dựng Hà Nội phải có trách nhiệm ngay từ quá trình này. Thanh tra xây dựng của Sở có vai trò thế nào cũng cần làm rõ, chứ không phải chỉ có quận. Trách nhiệm của thanh tra xây dựng thuộc Sở trách nhiệm đến đâu, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của UBND thành phố thế nào?

Người dân nói là chỉ cần đổ đống cát ra đường thì một lúc sau là thanh tra có mặt, thế mà cả một công trình lù lù to như thế, vào lập biên bản rồi mà vẫn tồn tại, không cưỡng chế, không quyết liệt thì câu hỏi đặt ra đằng sau đó là cái gì?

Tôi đề nghị cần phải có một cơ quan thứ ba giám sát việc cưỡng chế của chính quyền, ví dụ như Mặt trận Tổ quốc hay Hội đồng nhân dân quận Ba Đình, chứ để họ “tự xử” với nhau, không có ai giám cả thì không biết cắt đi bao nhiêu, rồi lại báo cáo "xin nọ, xin kia", lo kết cấu…

Vấn đề này khá phức tạp, cần phải giải quyết kiên quyết. Cần phải có thanh tra độc lập vào cuộc, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành vào cuộc thì mới khách quan.

Chúng tôi cũng chưa hoàn toàn nhất trí coi công trình này nằm ngoài khu vực hạn chế chiều cao, có thể cao đến 17 tầng. Vì theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì quy hoạch ở khu vực này thuộc quy hoạch nội đô lịch sử, do đó hạn chế phát triển chiều cao.

Nhưng trước mắt, cứ phải phá dỡ đúng theo giấy phép đã, còn giấy phép có đúng hay không lại là vấn đề thứ 2.

(Theo VOV)