Chiều 22-11, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh giá hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ được lùi lại vào năm 2016 thay vì cuối năm nay như dự kiến ban đầu.
Theo lộ trình, trong năm 2016, giá viện phí sẽ tăng thêm từ 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp, cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế. Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, với lộ trình điều chỉnh viện phí như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm.
Sẽ lùi thời gian tăng viện phí sang 2016. Ảnh: VietNamNet |
Các phân tích cho thấy, so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài. Còn với các đối tượng có thẻ BHYT, đồng chi trả 20%, chi phí khám chữa bệnh BHYT tuy có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều vì không phải trả thêm chi phí khi tính đúng, tính đủ viện phí.
Lý do lùi thời điểm tăng giá viện phí, theo ông Nguyễn Nam Liên, việc lùi thời điểm tăng giá các dịch vụ y tế là để Bộ Y tế có thời gian tập huấn cho các cơ sở y tế về chính sách viện phí mới, đồng thời tuyên truyền cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trước khi giá viện phí được áp dụng đồng loạt đối với tất cả các đối tượng. Hiện vẫn còn hơn 10 địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt dưới mức 60%. Do vậy, nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ bị tác động rất lớn bởi chính sách viện phí tới đây sẽ được điều chỉnh.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, tại sao ngành y tế không tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước, sau đó mới tính đến việc điều chỉnh viện phí, ông Nguyễn Nam Liên lý giải, toàn bộ hoạt động vận hành của BV đều phải từ người bệnh và BHYT chi trả. Nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ trước thì rất khó mà phải đi song song từng bước một, vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. Trên cơ sở nâng cao chất lượng thì các cơ sở sẽ thu hút được người bệnh đến và các cơ sở có nguồn lực để mà nâng cao chất lượng y tế, như vậy rất phù hợp.
Về chất lượng dịch vụ y tế, phải nói rằng có một số nơi chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Y tế có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng như: chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, luân chuyển cán bộ... Nhiều BV tuyến huyện trước kia không mổ đẻ được bây giờ mổ đẻ được, nhiều BV có thể thực hiện được kỹ thuật tim mạch. Chất lượng y tế các tuyến đang từng bước được nâng lên. Còn đối với BV tuyến trên có điều kiện chữa, điều trị ca bệnh khó và có thời gian để nghiên cứu và áp dụng những kỹ thuật mới nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này, khi tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế thì thay đổi cơ bản nhận thức của cán bộ y tế và các BV, khi cơ quan BHXH và người dân trả tiền lương cho mình thì bắt buộc phải làm tốt mới có bệnh nhân, có nguồn trả lương và BV mới tồn tại được.
Theo Hà Nội Mới