- Đại diện của Tân Hiệp Phát được dự lúc hỏi cung anh Minh, 4 nhân viên của công ty này làm nhân chứng thì có khách quan? Nếu chai nước Number 1 bị cạy nắp từ trước thì không có chuyện Tân Hiệp Phát đồng ý thương lượng với anh Minh.

Hơn 8h sáng nay, phiên tòa xét xử vụ “chai nước có ruồi” của Tân Hiệp Phát tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Phần tranh luận giữa VKS và các luật sư của anh Minh diễn ra gay gắt.

Ai bỏ con ruồi vào chai nước?

Với câu hỏi “ai là người bỏ con ruồi vào chai nước?”, VKS cho rằng quá trình phân phối sản phẩm trải qua rất nhiều cấp. Trong phạm vi điều tra, cơ quan tố tụng không thể xác định được thủ phạm là ai, nếu sau này xác định được ai là người bỏ ruồi vào chai nước sẽ xử lý sau!

VKS cũng cho rằng anh Minh chỉ là người mua nước rồi bán lại, anh không phải là người tiêu dùng nên không chịu điều chỉnh bởi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

{keywords}
Chai Number 1 - vật chứng tại phiên tòa. Ảnh: Mai Phượng

Luật sư của anh Minh kịch liệt phản đối những quan điểm của VKS. Bởi anh Minh mua sản phẩm để bán lại cho người khác thì anh vẫn là người tiêu dùng. Khi phát hiện con ruồi trong chai nước anh đã gọi điện cho nhà sản xuất. Tân Hiệp Phát đã thể hiện thiện chí gặp anh Minh và có ghi nhận đây là “khiếu nại của khách hàng”.

Như vậy, chính Tân Hiệp Phát cũng ghi nhận đây là “khách hàng” và lựa chọn cách giải quyết khiếu nại của khách hàng. Việc giải quyết khiếu nại như trên là lựa chọn giao dịch dân sự, chịu điều chỉnh theo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

{keywords}
Anh Minh tại phiên tòa sáng 18/12. Ảnh: Mai Phượng

Về câu hỏi chai nước Number 1 đã bị mở nắp hay chưa? Ai là người mở nắp? Luật sư của anh Minh chỉ ra tại biên bản làm việc đầu tiên giữa Tân Hiệp Phát và anh Minh thì chính nhân viên Tân Hiệp Phát đã có biên bản ghi nhận “chai nước còn nguyên, chưa bật nắp”. Vậy chai nước bị mở từ lúc nào? Chính vì lý do trên, luật sư mới đề nghị triệu tập điều tra viên đến tòa.

Luật sư cũng cho rằng nếu chai nước này bị cạy nắp từ trước thì không có chuyện Tân Hiệp Phát đồng ý thương lượng với anh Minh.

{keywords}
Phiên tòa xử vụ "chai nước Number 1 có ruồi" sáng 18/12 đang tiếp tục phần tranh luận gay gắt. Ảnh: Mai Phượng

VKS cho rằng chai nước trị giá 10 ngàn đồng mà ra giá 1 tỷ đồng rồi 500 triệu đồng là quá lớn, không hợp lý, luật sư của anh Minh nhận định đây không chỉ đơn giản là một phép tính mà đó là giá trị của thương hiệu, là cách hành xử.

Luật sư viện dẫn các hãng nước ngọt trên thế giới cũng từng bỏ ra hàng triệu USD để trả cho một khách hàng khi sản phẩm của mình có lỗi. Về mặt đạo đức xã hội có thể có nhiều quan điểm khác nhau nhưng về mặt pháp lý, anh Minh hoàn toàn có quyền đưa ra những con số trên. Trong sự việc này, để lấy lại chai nước Tân Hiệp Phát cũng đã đưa ra trao đổi là 3 thùng Dr.Thanh và một bình đựng trà đá. Vậy những thứ trên đổi ra có giá trị bằng tiền không?

Cho Tân Hiệp Phát dự lúc hỏi cung làm lộ hướng điều tra

Bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Tấn Thi đặt ra hàng loạt câu hỏi: Việc đưa 4 nhân viên của Tân Hiệp Phát làm nhân chứng để buộc tội bị cáo liệu có khách quan không? Hay họ sẽ vì lợi ích của công ty mình?

Ngoài ra, khi sản phẩm bị lỗi, anh Minh là người tiêu dùng. Theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì anh Minh có quyền khiếu nại, thương lượng. Đây là một giao dịch dân sự. Từ đó, luật sư Nguyễn Tấn Thi đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo không phạm tội.

{keywords}

Đại diện Tân Hiệp Phát tại phiên tòa sáng 18/12. VKS cho rằng Tân Hiệp Phát là nguyên đơn dân sự còn bà Trần Ngọc Bích - GĐ Tân Hiệp Phát (ảnh) chính là bị hại, bị uy hiếp tinh thần. Ảnh: Mai Phượng

Đáp lại quan điểm của luật sư Thi, luật sư của Tân Hiệp Phát cho rằng những lập luận trên đều là suy đoán vô căn cứ. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Minh đã nhận mình sai trái. Bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ nào là Tân Hiệp Phát thương lượng với bị cáo để lấy lại chai nước trên bằng tiền nên không có cơ sở cho rằng đây là giao dịch dân sự.

Về câu hỏi Tân Hiệp Phát có thiệt hại hay không? Có lo sợ hay không? Luật sư của Tân Hiệp Phát khẳng định là “có”. Mục đích của anh Minh là dùng uy tín, danh dự, thương hiệu của Tân Hiệp Phát để đòi tiền. Việc thương hiệu công ty bị ảnh hưởng là điều công ty rất lo sợ, công ty không còn lựa chọn nào khác.

Về quan điểm ‘Ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát lo sợ’, luật sư nhắc lại 4 vụ việc tương tự trước đó mà Tân Hiệp Phát đều đã thương lượng với khách hàng đồng ý giao tiền rồi báo công an.

Về việc tại sao điều tra viên lại cho phía Tân Hiệp Phát dự hỏi cung, VKS cho rằng hành vi trên pháp luật không cấm nên điều tra viên được làm. Luật sư của anh Minh đánh giá quan điểm này sai lầm nghiêm trọng. Bởi Luật Tố tụng hình sự không bao giờ cho phép người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự tham dự hỏi cung. Như vậy là làm lộ thông tin, lộ bí mật điều tra, lộ hướng xét xử. Vậy hồ sơ về lời khai của các bên có còn giá trị?

Phần tranh luận đang tiếp tục diễn ra căng thẳng. Gần 11h, phiên tòa kết thúc phần tranh luận.

Nói lời sau cùng, anh Minh chỉ nói một câu duy nhất "Tôi có tội hay không là do HĐXX xem xét".

HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào 14h chiều nay.

'Nếu không có vụ anh Minh có khi tôi cũng đi tù'

Do cũng từng trải qua sự việc tương tự anh Minh nên chị Bùi Thị Tiên (ngụ ấp 1, xã Đô Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) rất quan tâm đến vụ án này.

Giờ nghị án, chị Tiên cho biết. “Hồi tháng 2 vừa qua, tôi cũng lấy nước của họ (Tân Hiệp Phát) về bán và phát hiện nguyên một két đậu nành bị chua và vón cục.

Khi tôi gọi lên công ty, bên đó cũng cử nhân viên xuống gặp tôi, họ toàn gợi lòng tham không à.

Họ cứ bảo là “giờ chị cần cái gì bên đây hỗ trợ cho chị hết”.

Tôi không quen biết anh Minh mà chỉ đọc thông tin trên báo chí.

Nếu chưa biết vụ anh Minh, nghe họ nói nổi lòng tham là tôi đi tù rồi”.

Mai Phượng