– Tiến sĩ Đoàn Văn Báu – Phó trưởng khoa tâm lý của đại học An ninh Nhân dân đã trao đổi với VietNamNet về tâm lý của loại hình tội phạm gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho biết:

Trong năm qua xảy ra nhiều vụ trọng án giết người liên tiếp. Những vụ trọng án trên đã để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng, không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn tạo nên tâm trạng hoang mang, bất an trong nhân dân.

Dù công an nhanh chóng phá án, bắt giữ tội phạm nhưng hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực từ những vụ trọng án này đối với xã hội là rất nghiêm trọng.

Theo ông vì sao trong năm qua lại xuất hiện nhiều vụ trọng án giết người so với trước đây?

Trong năm 2015 đã xảy ra nhiều vụ trọng án giết người. Tuy nhiên không có nghĩa là các vụ trọng án này gia tăng đột biến mà chỉ mang tính chất ngẫu nhiên, xảy ra cùng một thời điểm làm cho chúng ta có cảm giác có rất nhiều vụ trọng án giết người xảy ra.

Thực tế, trước đây đều có các vụ trọng án giết người xảy ra nhưng do tính chất, mức độ không nghiêm trọng bằng các vụ trong năm 2015, không xảy ra trong cùng một thời điểm...Đặc biệt là do "sức mạnh" của truyền thông đã làm cho chúng ta lầm tưởng rằng những vụ trọng án giết người năm 2015 gia tăng đột biến.

{keywords}
Nguyễn Hải Dương, bị cáo đầu vụ giết 6 người ở Bình Phước.

Nguyên nhân xảy ra các vụ trọng án không mang tính hệ thống, không theo quy luật chung mà mỗi vụ xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể khác nhau, như: vụ giết 4 người ở Nghệ An xuất phát từ mâu thuẫn nhất thời; vụ thảm sát ở Bình Phước xuất phát từ sự hận tình của Nguyễn Hải Dương; vụ giết 4 người ở Yên Bái xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai; vụ giết 4 người ở Gia Lai diễn ra trong cơn điên loạn, say rượu của Vũ Văn Đản...Điểm chung là các hung thủ đều là những kẻ vô cảm, có tính cách tàn bạo, dễ bị kích thích, tác động, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt là thiếu kỹ năng sống...

Theo ông, trong các yếu tố gồm: yếu tố tâm lý và yếu tố xã hội, thì yếu tố nào quyết định đến việc thực hiện hành vi phạm tội?

Cả hai đều có ảnh hưởng nhất định đến hành vi giết người của các đối tượng trên. Tuy nhiên, yếu tố xã hội chỉ đóng vai trò điều kiện nảy sinh hành vi giết người, yếu tố tâm lý mới là yếu tố quyết định đến việc hình thành động cơ phạm tội, trực tiếp làm nảy sinh hành vi giết người.

Chẳng hạn, trong vụ thảm sát ở Bình Phước, Dương là thanh niên có trình độ học vấn nhưng thiếu kỹ năng sống, đó chính là kỹ năng chấp nhận thất bại. Nếu Dương có kỹ năng này tất yếu sẽ không hình thành lòng hận thù sâu sắc với gia đình nạn nhân và sẽ không có vụ thảm sát xảy ra.

Là một thanh niên có cuộc sống vật chất khó khăn, từ khi trở thành bạn trai của Linh, cuộc sống của Dương thay đổi nhanh chóng, được sống trong gia đình bạn gái, được đi du lịch khắp nơi, được lái xe sang đưa đón người yêu, gia nhập vào thế giới thượng lưu...Vì vậy, khi bị gia đình Linh ngăn cấm, quay trở về với cuộc sống nghèo khó trước đây, Dương không thể chấp nhận điều này nên mới sinh lòng thù hận. Trong xã hội, có vô số tình huống tương tự nhưng không phải ai cũng hành động như Dương. Qua đó, có thể nhận thấy, "tình huống xã hội" chỉ là điều kiện, hành vi phạm tội nảy sinh hoàn toàn do yếu tố tâm lý quyết định.

Có quan điểm cho rằng, tội phạm bắt nguồn từ sự cô đơn. Ông nhận định gì về quan điểm này?

Quan điểm này nghe có vẻ ngây ngô nhưng thực ra hoàn toàn có cơ sở khoa học, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Trước đây, truyền thông, điện thoại, internet còn hạn chế, quá trình đô thị hóa còn chậm...mỗi cá nhân luôn có xu hướng mở rộng mối quan hệ với người xung quanh, hòa mình...Đây chính là cơ sở để hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách.

Nhưng hiện nay, khi mà phương tiện liên lạc đã thay thế phần lớn các hình thức giao tiếp truyền thống, mặc dù chúng ta có cảm giác luôn mở rộng các mối quan hệ xã hội với hàng trăm bạn trên facebook, zalo... nhưng thực ra đó chỉ là mối quan hệ ảo. Nhiều người sống chung nhà nhưng cả ngày không gặp nhau, có việc gì cần trao đổi chỉ cần nhắn tin, gọi điện là được, bạn bè cũng không cần gặp nhau chỉ cần lên facebook là nói chuyện thoải mái...Đó chính là sự "cô đơn" trong xã hội hiện đại, là yếu tố dẫn đến sự lệch chuẩn trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách, từ đó hình thành nhân cách tội phạm.

Ông đánh giá như thế nào về việc đăng tải thông tin mô tả chi tiết về hành vi trong các vụ giết người tàn bạo?

Không chỉ ở Việt Nam, báo chí quốc tế, vì mục đích thương mại vẫn mô tả chi tiết về hành vi phạm tội, thậm chí họ còn dựng phim mô phỏng chi tiết hoặc thực hiện những bộ phim "bom tấn". Nhưng nếu chúng ta để ý, tuyệt nhiên không thấy những hình ảnh nhạy cảm; nếu có mô tả chi tiết, báo chí quốc tế cũng dựa trên những thông tin xác thực, do cơ quan chức năng cung cấp, có thẩm tra xác minh, có người chịu trách nhiệm về nguồn tin...

Ngược lại, ở VN, khi các vụ trọng án giết người xảy ra, vì mục đích câu độc giả, nhiều bài báo đã thêm bớt, thậm chí thêu dệt những tình tiết ly kỳ, thiếu tính xác thực...không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực, phản tác dụng tuyên truyền mà còn ảnh hưởng đến công tác điều tra vụ án.

Chẳng hạn, vừa xảy ra vụ "thảm sát ở Bình Phước", nhiều bài báo đã mô tả hành vi phạm tội của hung thủ như "bản kết luận điều tra" của công an, thậm chí bịa đặt những thông tin không xác thực nhằm tăng tính ly kỳ, hấp dẫn. Theo quan điểm của tôi, cho dù biết chính xác tình tiết của vụ án cũng không nên mô tả chi tiết và cần phải giới hạn phạm vi phổ biến thông tin để tránh phản tác dụng tuyên truyền...

Còn việc xử lưu động về các vụ án giết người? Quan điểm của ông thế nào?

Theo quan điểm của tôi, xét xử lưu động là cần thiết đối với những vụ án cần giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật, ý thức phòng chống tội phạm của người dân. Chẳng hạn như hành vi phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia do chưa nhận thức được đó là hành vi phạm tội. Nhưng đối với những vụ án nhạy cảm như các vụ trọng án giết người kể trên hoặc nhạy cảm về đạo đức, xã hội, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội, quá trình phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ... không nên xét xử lưu động, công khai.

{keywords}
Xử lưu động những vụ trọng án giết người cần có sự suy xét cẩn trọng.

Về phiên xử lưu động “thảm án Bình Phước”, những tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Chưa thể khẳng định sẽ "đánh thức phần ác ở sát thủ tương lai" nhưng chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực cho người nghe, đặc biệt là trẻ em.

Với vai trò là người nghiên cứu chuyên sâu, tiến sĩ có ý kiến đề xuất hay góp ý gì về biện pháp tuyên truyền, giáo dục để ngăn ngừa "cái ác"?

Để hạn chế tình trạng phạm tội đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Dưới góc độ tâm lý tội phạm, chúng tôi quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là trang bị các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện tội phạm, kỹ năng xử lý khi đối mặt với tội phạm...để mỗi người dân có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, người thân và góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần phải quan tâm giáo dục giá trị sống cho các thế hệ, góp phần hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách cá nhân, trang bị kỹ năng sống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có các kỹ năng điều chỉnh, kiềm chế nhu cầu, hứng thú, cảm xúc tiêu cực...từ đó triệt tiêu động cơ hoạt động phạm tội ở bản thân mình.

Đàm Đệ