- 7h18 sáng nay, bé gái mang thai hộ đầu tiên của cả nước chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương với cân nặng 3,6kg.

7h, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia vào phòng mổ, trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ.

{keywords}
Sau 16 năm chờ đợi, vợ chồng anh H. vỡ òa hạnh phúc khi đón con gái vào lòng

Ngoài phòng mổ, vợ chồng anh H. và chị D. (Ninh Bình) hồi hộp chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang rất hồi hộp chờ đợi, dù cháu chưa ra đời nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì không thể tin rằng sau 16 năm chờ đợi chúng tôi đã có con”.

7h18 phút, bé gái chào đời, nặng 3,6kg. Như vậy sau 18 năm kết hôn, 16 năm chạy chữa, vợ chồng anh H. vỡ oà trong hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng.

Chị D. chia sẻ, sau 3 năm không có con, vợ chồng chị đi khám phát hiện chị bị tử cung nhỏ bẩm sinh không thể có con. Với hy vọng mong manh, 16 năm ròng chị chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn vô vọng.

{keywords}

Anh H. cho biết, nhiều lần vợ cũng gợi ý anh đi bước nữa nhưng anh đều gạt đi. "Tôi nghĩ vợ chồng là cái duyên số. Mình muốn con một, cô ấy còn muốn hàng nghìn lần", anh H. tâm sự.

Đến khi biết Chính phủ cho phép mang thai hộ, vợ chồng anh ngay lập tức hỏi thủ tục

Vì thế ngay khi biết có luật cho phép mang thai hộ anh chị đã "chạy như bay" đến bệnh viện Phụ sản Trung ương tìm hiểu. Đầu tháng 3 anh chị bắt đầu quá trình làm hồ sơ và sau hơn 1 tháng hồ sơ được hoàn thành.

Chị D. cho biết, trong tháng đầu tiên, vợ chồng chị sẽ nhờ cô họ - người mang thai hộ hỗ trợ nuôi con gái, sau đó vợ chồng chị sẽ tự mình nuôi con.

Cùng chung niềm hân hoan với gia đình chị D., Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi chào đón cháu bé đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nếu so với thụ tinh trong ống nghiệm thông thường, kỹ thuật mang thang hộ khó hơn do việc lấy noãn của những phụ nữ không có tử cung hoặc mặc bệnh lý không thể mang thai khó hơn, nếu kích thích buồng trứng cho những đối tượng này cũng đối mặt nguy cơ rủi ro, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên hiện kỹ thuật mang thai hộ của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, tỉ lệ thành công lên tới 60-70%.

GS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, trong vòng 3 tháng tới, Trung tâm sẽ đón thêm gần 10 bé nữa nhờ kỹ thuật mang thai hộ. 

Làm thế nào để thực hiện mang thai hộ?

Việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 15/3/2015. Vậy với những người có nhu cầu làm sao để được đăng ký mang thai hộ? Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) sẽ giải đáp những băn khoăn này.

Thúy Hạnh