- Chỉ những người đứng đầu cấp trung ương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản trong trường hợp cấp thiết. CSGT không có thẩm quyền này - luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Được trưng dụng trong trường hợp nào?
Theo luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại khoản 2 điều 2 luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 định nghĩa: “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.
Quy định CSGT được trưng dụng tài sản của người tham gia giao thông trong trường hợp khẩn cấp đang gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa: Phạm Hải |
Điều 5 của luật này liệt kê các trường hợp được trưng dụng tài sản, gồm:
- Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp về quốc phòng theo luật quốc phòng;
- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa hoặc khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm theo luật về An ninh quốc gia, luật quốc phòng;
- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng.
Như vậy việc trưng dụng tài sản chỉ áp dụng trong các trường hợp rất đặc biệt, mang tầm quốc gia.
Ai có thẩm quyền trưng dụng tài sản?
Chính vì những trường hợp mang tầm quốc gia như vậy nên luật cũng quy định người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản là những người giữ các vị trí công tác đứng đầu ở cấp trung ương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Cụ thể: Điều 14 quy định những người có thẩm quyền trưng dụng tài sản: Thủ tướng, các bộ trưởng: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, NN&PTNT và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, những người này không được phép ủy quyền hay phân cấp cho cấp dưới, nghĩa là kể cả thứ trưởng hoặc phó chủ tịch tỉnh cũng không có quyền ra quyết định trưng dụng tài sản.
Do đó, trong điều kiện bình thường, không thể áp dụng các biện pháp trưng dụng tài sản của người khác và việc giao quyền cho CSGT được trưng dụng theo thông tư 01/2016/TT-BCA là không đúng thẩm quyền.
Đề nghị bãi bỏ
Quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người dân và tổ chức được nhà nước tôn trọng và bảo vệ theo hiến pháp và pháp luật. Việc thông tư cho phép CSGT được quyền “trưng dụng” vi phạm quyền sở hữu tài sản theo quy định tại điều 169 bộ luật Dân sự 2005, quyền bất khả xâm phạm về tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ.
Nội dung trưng dụng tài sản tại thôgn tư 01/2016 của Bộ Công an. Ảnh chụp màn hình |
Để tránh áp dụng một số quy định chưa phù hợp của thông tư này vào cuộc sống, theo luật sư Tùng, Bộ trưởng Công an - theo thẩm quyền quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - nên ra quyết định bãi bỏ quy định này.
Luật sư Tùng cũng đề nghị Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cần ra văn bản hoặc có kiến nghị với Bộ Công an sửa đổi hoặc hủy bỏ nội dung này trong thông tư 01/2016/TT-BCA.
Có sự nhầm lẫn Theo luật sư Hoàng Tùng, việc quy định CSGT được quyền “trưng dụng tài sản” đã có sự nhầm lẫn với chế định "sử dụng tài sản trong tình thế cấp thiết" được quy định trong bộ luật Hình sự và bộ luật Dân sự trong các trường hợp cấp bách để ngăn chặn tội phạm, thiệt hại xảy ra. Không thể đánh đồng khái niệm và vi hiến (quyền bất khả xâm phạm về quyền sở hữu, về tài sản), vi phạm luật để quy định cho CSGT trong lúc thực thi công vụ có quyền "trưng dụng tài sản" của người tham gia giao thông trong bất kỳ trường hợp nào. Đối chiếu với quy định của Hiến pháp, bộ luật Dân sự và đặc biệt là luật Trưng mua, trưng dụng, việc cho CSGT có thẩm quyền trưng dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân như trên là vi hiến, vi phạm quyền công dân. |
Bộ Tư pháp vào cuộc Theo thông tin của VietNamNet, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc kiểm tra các nội dung của thông tư này theo đúng quy định. Kết quả sẽ được Bộ công bố trong thời gian tới. PV |
Kiên Trung (ghi)