- Hành vi mua bán tinh trùng giữa tử tù Nguyễn Thị Huệ và nam phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính từ 30-40 triệu đồng.

 

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật, việc hiến, cho, tặng tinh trùng phải được thực hiện vì mục đích nhân đạo chứ không được nhằm mục đích kinh doanh và phải tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định.

 

{keywords}

Nguyễn Thị Huệ trong phiên xử phúc thẩm tháng 6/2014.

Trong quá trình bị giam giữ, Nguyễn Thị Huệ đã làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”) giúp Huệ mang thai với giá 50 triệu đồng.

Trong tháng 8/2015, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon, kèm theo bơm tiêm rồi để vào nơi Huệ đã sắp đặt trước. Sau đó, Huệ lợi dụng sơ hở trong thời gian được vệ sinh cá nhân vào buổi sáng để lấy túi tinh trùng mang vào nhà vệ sinh, dùng bơm tiêm bơm tinh trùng vào âm đạo, dẫn đến có thai.

Như vậy, hành vi của Nguyễn Tuấn Hưng không phải là hành vi hiến tặng tinh trùng vì mục đích nhân đạo mà là hành vi bán tinh trùng trái phép cho Nguyễn Thị Huệ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật hành chính.

Còn hành vi của Nguyễn Thị Huệ là hành vi mua tinh trùng trái quy định của pháp luật nên cả Hưng và Huệ đều vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ xử phạt là theo quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

“Điều 33. Vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật;

b) Không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định trên thì hành vi của Nguyễn Tuấn Hưng và hành vi của Nguyễn Thị Huệ sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Tử tù mang thai được giảm án: Nhân đạo không dành cho người mẹ

Mấy ngày qua dư luận bàn tán nhiều về vụ nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (phạm tội mua bán trái phép chất ma túy) đã mua tinh trùng của một nam phạm nhân và tự bơm vào người rồi mang thai.

Theo quy định của pháp luật, sau khi mang thai, tử tù Nguyễn Thị Huệ sẽ được hưởng ân huệ chuyển hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân.

Phần lớn các ý kiến cho rằng pháp luật khoan hồng, chuyển từ tử hình xuống chung thân với tội nhân do mang thai có thể tạo ra tiền lệ xấu để các tử tù khác tìm mọi đường để thoát chết.

Có lẽ nhiều người đang nhầm lẫn ở chính sách khoan hồng pháp luật.

Nội dung quy định khoan hồng tại Điều 35 Bộ luật hình sự không nhắm đến tử tù mà dành cho mầm sống mới là em bé sắp chào đời hoặc đang dưới 36 tháng tuổi (mặc dù chủ thể của điều luật là các can phạm có khung hình phạt tử hình).

Em bé chào đời có quyền sống, quyền được nuôi dưỡng, cũng như các quyền khác của trẻ em. Luật pháp tiến bộ không thể tước bỏ mạng sống của mẹ em bé, mặc dù người mẹ này đã phạm các tội tày đình mà pháp luật cũng như đạo đức xã hội không thể dung thứ.

Cho nên, chúng ta cần nghĩ tới em bé sắp chào đời trong trường hợp này hơn là người mẹ tử tù để có thể mang tới cho em bé một cuộc sống tốt nhất có thể.

Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh – TƯ Hội Luật gia Việt Nam)

Nhị Tiến