- Các chuyên gia cho biết có thể xác định ADN tìm cha của thai nhi ngay từ bây giờ chứ không cần đợi cháu bé ra đời.
Những ngày qua, vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, Cao Lộc, Lạng Sơn) có thai trong trại giam tại Quảng Ninh trong thời gian chờ thi hành án tử đang gây xôn xao dư luận.
Chân dung nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ |
Liên quan đến vụ việc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cho biết, đã có nam phạm nhân đứng ra nhận là "tác giả" của cái thai trong bụng nữ phạm nhân Nguyễn Thị Huệ.
Tuy nhiên để xử lý đúng người, đúng tội, phía công an cho biết sẽ tiến hành xác định ADN để tìm cha đứa trẻ.
Ông Trịnh Quang Tân, nguyên giám định viên Kỹ thuật hình sự (Công an Hà Nội) nghi ngờ trong vụ này có thể có sự giúp sức của nhiều người, do đó cần làm kỹ để không bỏ lọt tội phạm.
Ông Tân đề xuất, đợi khi cháu bé ra đời vào tháng 4 tới, cơ quan điều tra sẽ xét nghiệm ADN để tìm cha đứa trẻ.
Tuy nhiên, không cần phải đợi đến khi cháu bé ra đời mới có thể xét nghiệm được ADN. Hiện nay, có thể chọc ối thai nhi để xác định được ngay cha của đứa trẻ.
Có thông tin chỉ nên chọc ối cho các thai nhi từ 12-22 tuần tuổi (trong khi tử tù Nguyễn Thị Huệ đã mang thai hơn 25 tuần tuổi). Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Vũ Bá Quyết, giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết: Với thai quá 22 tuần tuổi thì việc chọc ối cũng không có vấn đề gì vì khi thai càng lớn, nước ối càng nhiều, chọc càng dễ.
Sau khi hút, dịch ối sẽ được cho vào các ống chuyên dụng và được đưa đến phòng xét nghiệm và sẽ có kết quả sau vài giờ.
Hiện, việc xác định quan hệ huyết thống thường được tiến hành bằng xét nghiệm 16 gen. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt có thể phải phân tích tới 50 gen (những trường hợp cha đẻ thật sự và cha đẻ nghi vấn có quan hệ huyết thống như anh em trai ruột, bố và con trai) mới cho kết quả chính xác.
Ngoài ra hiện nay, tại nhiều bệnh viện cũng đã áp dụng phương pháp không xâm lấn, dùng máu ngoại vi của người mẹ đang mang thai và của người cha nghi vấn để làm xét nghiệm ADN.
Tuy nhiên, phương pháp này có tỉ lệ chính xác thấp hơn, do ADN của con trong máu mẹ vô cùng ít, có sự dao động, phụ thuộc vào tương tác, phản ứng trong cơ thể người mẹ và con nên việc lọc được ADN của con trong máu mẹ rất khó.
Đ.Tâm